Thầy Nguyễn Văn Tâm
Thầy Nguyễn Văn Tâm, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Nguyễn Huệ (Bình Long): Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vậy không có lý do gì, chúng ta đồng tình loại bỏ môn Lịch sử ra khỏi chương trình học bắt buộc của học sinh THPT. Học lịch sử là giáo dục ý thức tự tôn dân tộc. Con người sinh sống trong một quốc gia, dân tộc phải biết rõ cội nguồn. Nếu cho học theo phương pháp tự chọn, các em sẽ bỏ rơi môn này, đồng nghĩa là kiến thức về lịch sử không có. Song, với chương trình học hiện nay, lớp 12 học 27 bài nhưng chỉ thi 2 câu, tôi cho rằng chương trình học hiện quá dài, nên rút ngắn lý thuyết bằng cách cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế. Tôi mong, Lịch sử vẫn là môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Hơn nữa trong các đợt thi công chức, viên chức nên đưa thêm bộ môn này vào nội dung kiểm tra.
Em Trần Thị Ngọc Huyền
Trần Thị Ngọc Huyền, lớp 12C1, Trường THPT Nguyễn Huệ, học sinh giỏi Lịch sử cấp tỉnh: Em không đồng tình khi biết Lịch sử trở thành môn học tự chọn trong chương trình giáo dục mới. Em nhận thấy sử rất dễ học và thú vị. Học sử giúp em biết rõ cội nguồn. Em tự hào khi mình hiểu biết cặn kẽ về lịch sử dân tộc Việt Nam. Chúng ta có hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, chỉ khi hiểu rõ về chiều dài lịch sử này mỗi học sinh mới thấy trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, đặc biệt trong bảo về chủ quyền biển đảo. Em xác định ngành học sắp tới khi vào đại học là sư phạm Lịch sử.
Thầy Đào Nguyên Bình
Thầy Đào Nguyên Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Huệ: Trước đây Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đã được xem là môn phụ. Sau đó, lịch sử được khơi dậy qua các phong trào “Ông kể cháu nghe” hay “Kể chuyện lịch sử”... Bây giờ Lịch sử lại được học tự chọn. Theo tôi, sách Lịch sử hiện hành quá dài, mang tính học thuật cao, khiến học sinh khó học, khó nhớ. Khi kết thúc một bài, đều có sẵn bài học kinh nghiệm được rút ra. Điều đó không kích thích học sinh tư duy, dẫn đến nhàm chán. Nguồn tư liệu như phim, truyện lịch sử ít, học sinh không có cơ hội tiếp cận cho nên bắt học sinh yêu thích môn Lịch sử không dễ. Cách chấm điểm thi chưa thống nhất. Bởi thi tốt nghiệp chỉ cần gạch đầu dòng đúng ý là có điểm, còn thi vào đại học phải làm như một bài văn. Với tôi, buông lỏng hay bắt buộc đều không ổn, có thể để môn Lịch sử trở thành môn điều kiện để học sinh đi thi tốt nghiệp.
Thầy Trần Quang Đông
Thầy Trần Quang Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Xoài: Môn học nào cũng quan trọng, trong khi thời gian học có hạn. Môn Lịch sử được rất nhiều người yêu thích. Vì có nhiều vấn đề hấp dẫn khi tìm hiểu. Nhưng tại sao lại không hấp dẫn giáo viên, học sinh? Theo tôi, thứ nhất người viết sách chưa hiểu tâm lý học sinh khi đưa quá nhiều lý thuyết buộc các em phải nhớ. Thay vì viết rất nhiều chữ, chúng ta thể hiện bằng hình ảnh (bản đồ). Có thể làm Atlat lịch sử. Thay vì học sinh phải nhớ bài một cách chủ định sẽ chuyển thành nhớ không chủ định.Như vậy hiệu quả đạt được rất cao. Thứ hai, người dạy cũng cần thay đổi phương pháp, áp dụng công nghệ thông tin làm phong phú bài giảng. Chuyển từ trạng thái thụ động của học sinh sang chủ động tìm hiểu bằng cách gợi mở, kích thích tư duy. Khi hai vấn đề trên được giải quyết, học sinh sẽ thích và chọn môn Lịch sử. Nếu không thay đổi mà cưỡng chế học chỉ tốn thời gian, chất xám của học sinh.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục - Đào tạo công khai lấy ý kiến xã hội với quan điểm là hướng tới sự phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Hệ thống các môn học được thiết kế tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới. Theo đó, môn học Lịch sử và Địa lý tách thành môn học độc lập ở cấp THPT. Còn cấp tiểu học và THCS, các môn này được lồng ghép vào môn học “Cuộc sống quanh ta” (các lớp 1, 2, 3), “Tìm hiểu xã hội” (lớp 4, 5) và “Khoa học xã hội” (cấp THCS). Ở bậc THPT, ngoài 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Công dân với Tổ quốc thì học sinh được chọn 3-4 môn trong tổng số 11 môn tự chọn, trong đó có Lịch sử. |
Hồng Cúc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065