BP - Thời gian qua, nhiều sự kiện nổi bật trong đời sống xã hội. Một trong những sự kiện nóng và mang tính thời sự là việc Bộ GD-ĐT đã tích hợp môn Lịch sử vào môn học khác trong dự thảo chương trình sách giáo khoa phổ thông và dự kiến sẽ đưa vào giảng dạy từ năm học 2018-2019. Vì sao sự kiện này lại nóng hơn các vấn đề khác, đó chính là người đứng đầu ngành giáo dục cả nước không lý giải được nguyên nhân, ý nghĩa của nó!
Trước tiên, thông tin tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục ở các trường phổ thông, từ một môn học bắt buộc, bộ dự kiến chuyển sang môn học tự chọn, tức học sinh thích thì học, còn không thì bỏ. Khi ý tưởng này định hình thành văn bản thì Bộ GD-ĐT đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ công chúng, các nhà khoa khọc, vì Lịch sử là một môn khoa học xã hội. Song, do chương trình, giáo án hoặc cách dạy hiện nay đã làm cho không ít học sinh chán nản. Bộ GD-ĐT chữa cháy “không bỏ mà tích hợp môn Lịch sử”. Tức là ghép môn học Lịch sử với môn Giáo dục công dân thành một môn mới là “Công dân với Tổ quốc” chứ không bỏ hẳn...!
Cách lý giải của Bộ GD-ĐT về vấn đề này là đưa công luận đi vòng vo, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu công luận khen việc bỏ môn Lịch sử là đúng thì công đầu thuộc về Bộ GD-ĐT, vì đã có “dấu hiệu cải cách” về các môn học trong các chương trình phổ thông. Còn nếu bị công kích thì lại phân bua không bỏ, chỉ tích hợp để giảm tải cho học sinh... Nhưng thực chất của vấn đề là môn Lịch sử sẽ bị bộ khai tử, xóa khỏi chương trình giáo dục phổ thông để gắn vào một môn khác. Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, Lịch sử là một môn học rất được coi trọng ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhưng ở ta lại đi ngược lại. Không nền giáo dục nào lại biến môn Lịch sử trở thành một phân môn - một tiền lệ chưa hề có trong lịch sử giáo dục Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Từ những yếu tố trên, nhiều ý kiến cho rằng, đề án tích hợp môn Lịch sử của bộ sẽ làm cho lỗ hổng kiến thức về lịch sử của học sinh, sau này là rường cột quốc gia càng thêm to. Ý thức tự tôn dân tộc sẽ bị xói mòn, truyền thống văn hóa sẽ bị mai một vì mất gốc về lịch sử. Trong khi đó, lịch sử của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm văn hiến với một bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lịch sử chống ngoại xâm, chống thiên tai của dân tộc Việt Nam đã tạo nên khí phách kiên cường của người Việt. Nếu không học Lịch sử, không thấu hiểu lịch sử thì công đức của tiền nhân ai ghi nhớ? Những năm đầu thế kỷ XX, đất nước ta còn chìm đắm trong màn đêm nô lệ của thực dân phong kiến, cả dân tộc bị đọa đày, nhà thơ Phạm Quỳnh đã từng nói “Truyện Kiều còn, tiếng nước ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn”. Để có truyện Kiều phải bắt đầu từ yếu tố lịch sử và văn hóa của dân tộc tạo nên cái hồn của truyện Kiều.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...”. Ấy vậy mà, hôm nay không hiểu lý do gì mà Bộ GD-ĐT đã “tích hợp” - một hình thức gần như xóa bỏ môn học lịch sử trong chương trình phổ thông? Liệu người đẻ ra chuyện tích hợp có nhớ bài thơ này của Bác hay không?
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065