>> Lịch sử hình thành đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc
Thời kỳ từ năm1945 đến khi ký kết hiệp ước Biên giới 1999
Trong những năm 1950-1960, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Đường biên giới Việt - Trung là một đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Sau năm 1954, lần đầu tiên nhân dân Việt Nam ở biên giới được sống trong khung cảnh hòa bình và yên tâm sản xuất. Hai bên chủ yếu quản lý đường biên giới theo tập quán và theo các bản đồ của Pháp hoặc Trung Quốc xuất bản trong giai đoạn này.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc tại lễ khánh thành cột mốc biên giới 1116 - Ảnh: Tư liệu
Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ngày 2-11-1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị hai bên tôn trọng đường biên giới lịch sử do hai công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại và giải quyết mọi tranh chấp bằng đàm phán. Tháng 4-1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam, tôn trọng hiện trạng đường biên giới lịch sử được các Công ước 1887 và 1895 xác lập. Lập trường này thể hiện sự tôn trọng luật quốc tế, theo đó các hiệp ước về biên giới không chấm dứt hiệu lực ngay cả khi hoàn cảnh thay đổi. Trung Quốc và Việt Nam đã thừa nhận tính hợp lý của hai Công ước 1887 và 1895.
Trên thực tế, trong những năm 1958-1959, địa phương hai bên còn tiến hành trao trả cho nhau ruộng đất, rừng cây hỗn canh. Năm 1963, hai bên ký hiệp định hiệp đồng bảo vệ an ninh khu vực biên giới. Năm 1955 và 1971 ký Hiệp định đường sắt biên giới Việt - Trung. Do nhận thức về đường biên giới ở một số chỗ còn khác nhau nên ngay trong giai đoạn này đã xuất hiện những tranh chấp thậm chí căng thẳng cần giải quyết. Sau khi Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu đặt kế hoạch khôi phục lại đất nước mà vấn đề đầu tiên là xác định lại đường biên giới. Đàm phán Việt - Trung về biên giới lần thứ nhất đã được bắt đầu tại Bắc Kinh ngày 15-8-1974. Cuộc đàm phán lần thứ hai bắt đầu từ ngày 7-10-1977 đến tháng 6-1978 ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Đàm phán bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Ngày 18-4-1979, đàm phán về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc được nối lại tại Hà Nội. Phía Việt Nam đã ra đề nghị 3 điểm, trong đó điểm 3 nêu rõ: “Việc giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa hai nước tuân theo nguyên tắc tôn trọng nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại và đã được hoạch định bởi các Công ước 1887 và 1895 do Chính phủ Pháp và nhà Thanh ký và đã được phía Việt Nam và phía Trung Quốc đồng ý chấp nhận”.
Thỏa thuận nguyên tắc 1993 xác định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc
Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận tiếp tục đàm phán vấn đề biên giới trên đất liền. Ngày 19-10-1993, hai đoàn đàm phán chính phủ đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc, phần nói về biên giới trên đất liền quy định: “Hai bên đồng ý căn cứ vào công ước hoạch định biên giới ký giữa Trung Quốc và Pháp ngày 26-6-1887 và công ước bổ sung công ước hoạch định biên giới ngày 20-6-1895 cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo đã được công ước và công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định cũng như các mốc quốc giới cắm theo quy định, đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc”.
Ngoài ra, còn có một số nguyên tắc khác trong đàm phán, hai bên đã nhất trí các nguyên tắc đối chiếu, xác định biên giới trên đất liền như:
I. Lấy các Công ước 1887, 1895 cùng các văn kiện, bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo cũng như các mốc giới cắm theo quy định làm căn cứ để đối chiếu và phân các khu vực hai bên có nhận thức khác nhau thành loại “rõ ràng” và loại “không rõ ràng” để giải quyết theo hướng. Loại rõ ràng thì căn cứ vào các quy định của hai công ước Pháp - Thanh để giải quyết, nếu bên nào quản lý quá tải thì trao lại cho bên kia. Loại không rõ ràng thì sử dụng tổng hợp các yếu tố khác nhau (lịch sử, quản lý, địa hình, bản đồ lịch sử, mốc giới, tiện lợi cho việc quản lý) để giải quyết theo tinh thần thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau, công bằng, hợp lý.
II. Các khu vực dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì cuộc sống ổn định của dân cư.
III. Đối với những đoạn biên giới theo sông suối: Những đoạn đã được hai công ước Pháp - Thanh quy định rõ ràng thì theo công ước còn những đoạn chưa được công ước quy định rõ ràng thì giải quyết theo những nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, cụ thể là: Đường biên giới trên các đoạn sông, suối, tàu thuyền đi lại được thì theo trung tuyến luồng chính tàu thuyền qua lại; đường biên giới trên các đoạn sông, suối tàu thuyền không đi lại được thì đi theo trung tuyến của dòng chảy hoặc dòng chính.
IV. Đối với các khu vực có pháo đài lịch sử của các bên thì giải quyết trên cơ sở tôn trọng quyền của bên hữu quan đối với các pháo đài đó.
Kết quả toàn bộ tuyến biên giới Việt - Trung đã được đối chiếu và hoạch định đầy đủ. Tổng diện tích tranh chấp khoảng 231km2 giữa hai bên đã được giải quyết.
(Còn nữa)
Thanh Tú (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065