>> Lịch sử hình thành đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (tt)
>> Lịch sử hình thành đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc
Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc 1999:
Ngày 30-12-1999, tại Hà Nội, thay mặt hai nhà nước, Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền đã ký hiệp ước biên giới đất liền. Đây là một sự kiện rất quan trọng không chỉ đối với nước ta cũng như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà còn đối với cả khu vực. Trong tổng chiều dài khoảng 1.350km thì nhận thức của hai bên trùng nhau gần 900km. Đối với khoảng 450km2 nhận thức hai bên khác nhau bao gồm 289 khu vực, trong đó: 74 khu vực khác nhau vì lý do kỹ thuật vẽ chồng lấn lên nhau được gọi là khu vực A; 51 khu vực vì lý do kỹ thuật hai bên đều chưa vẽ tới gọi là khu vực B. Các khu vực loại A và B có diện tích không lớn chỉ khoảng 5km2. 164 khu vực có tranh chấp hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới gọi là khu vực C (rộng khoảng 227km2). Các cuộc đàm phán chủ yếu tập trung vào việc giải quyết 164 khu vực C này.
Câu biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc tỉnh Lào Cai (ảnh tư liệu)
Kết quả đàm phán cụ thể về đường biên giới Việt - Trung trước khi ký Hiệp ước 1999:
Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, qua quá trình đàm phán rất khẩn trương, hai bên đã giải quyết được toàn bộ 289 khu vực có nhận thức khác nhau. Về diện tích: 114,9km2 thuộc Việt Nam (gồm 112,3km2 thuộc khu vực C; 2,6km2 thuộc khu vực A và B) và 117,2km2 thuộc Trung Quốc (trong đó có 114,8km2 thuộc khu vực C; 2,4km2 thuộc khu vực A và B), trên cơ sở đất bên nào thì trả lại cho bên đó. Trong 164 khu vực C, trừ 4 khu vực có sông suối, 46 khu vực theo đường chủ trương của Việt Nam; 44 khu vực theo đường chủ trương của Trung Quốc, 18 khu vực gần với đường chủ trương của Việt Nam, 21 khu vực gần với đường chủ trương của Trung Quốc, 31 khu vực đại thể nằm giữa đường chủ trương của hai bên. Đối với một số khu vực dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì ổn định cuộc sống kể cả ở khu vực dân cư Việt Nam ở giữa đường biên giới pháp lý. Các khu vực sông suối được giải quyết theo các nguyên tắc đã nêu và trong hiệp ước cũng mới chỉ ghi nguyên tắc chưa giải quyết cụ thể. Đối với các pháo đài cũ của chính quyền Pháp và nhà Thanh thì của bên nào, thuộc về bên đó. Đối với các điểm cao, giải pháp đạt được là: Phù hợp với quy định của công ước, các điểm cao nằm trong lãnh thổ Việt Nam được trả lại cho Việt Nam. Còn đối với các điểm cao nằm trên đường biên giới thì đường biên giới đi qua chúng, theo luật pháp quốc tế không bên nào được phép đóng quân trên đường biên giới. Riêng ở khu vực 74 C thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (có 4 chốt quân sự của Trung Quốc) thì đường biên giới đi theo đường chủ trương của Việt Nam. Khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (249 C) bao gồm cột Km 0, điểm nối ray đường sắt được giải quyết là: Ở khu vực cửa khẩu biên giới đi qua cột mốc Km 0; ở khu vực đường sắt biên giới đi qua phía Bắc điểm nối ray 148m.
Ý nghĩa của Hiệp ước 1999:
Hiệp ước biên giới trên đất lien Việt - Trung là thành quả chung của hai nước. Từ nay, giữa hai nước đã có một đường biên giới rõ ràng, ổn định. Hiệp ước đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, trước hết là nhân dân biên giới và đáp ứng yêu cầu giữ gìn hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. Hiệp ước này đã hoạch định lại đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, góp phần cụ thể hóa phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Hiệp ước phù hợp với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, tạo điều kiện xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và bền vững lâu dài, mở ra bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Trung. Ngoài ra, hiệp ước còn đánh dấu quyết tâm của hai đảng, hai chính phủ, hai dân tộc trong việc giải quyết bằng thương lượng hòa bình tất cả các vấn đề biên giới lãnh thổ còn tồn đọng trong quan hệ hai nước. Hiệp ước phản ánh xu thế chung của thời đại và đóng góp vào việc khẳng định các nguyên tắc chung của Luật Quốc tế: Đàm phán hòa bình giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Hiệp ước góp phần củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực, khẳng định vai trò của hai nước trong đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trong phạm vi thế giới.
Hiệp ước là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiến hành công tác phân giới cắm mốc, xác định một đường biên giới rõ ràng được đánh dấu bằng hệ thống mốc giới chính quy hiện đại, thuận lợi cho quản lý trên thực địa.
Thanh Tú (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065