Quá trình hình thành đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc được chia hai giai đoạn:
Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895
Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hình thành kể từ khi Việt Nam thoát khỏi ách Bắc thuộc (thế kỷ X). Tuy nhiên, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc mang tính khái niệm vùng chứ chưa phải là đường được phân giới cắm mốc đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới chính xác.
Cột mốc biên giới Việt - Trung số 102 (2) hoàn thành năm 2001 - Ảnh: Tư liệu
Công ước 26-6-1887 và công ước bổ sung 20-6-1895 giữa Chính phủ Pháp (nhân danh Việt Nam) và Triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) là các văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên xác định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tồn tại đến nay. Đường biên giới đó được cụ thể hóa trên thực địa bằng một hệ thống mốc giới (314 mốc) từ Móng Cái đến biên giới Lào - Trung. Đường biên giới do hai Công ước 1887 và 1895 xác lập cơ bản là dựa trên đường biên giới lịch sử vốn có đã tồn tại từ lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Điều đó phản ánh một trong những thành quả lịch sử của cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam.
Pháp - Thanh đã vận dụng một số nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế cũng như tập quán quốc tế và thiết lập đường biên giới quốc gia để xác lập đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm các bước hoạch định, phân giới và cắm mốc cùng các hồ sơ thủ tục pháp lý cơ bản. Về mặt pháp lý cần hiểu đầy đủ là: Hai công ước 1887, 1895 cùng các biên bản và bản đồ hoạch định, các biên bản và bản đồ phân giới và cắm mốc thực hiện hai công ước đó từ 1886 đến 1887 là một thể thống nhất các văn bản pháp lý bổ sung cho nhau, cung cấp những yếu tố về đường biên giới, cho phép thể hiện tương đối trên bản đồ và nhận biết trên thực địa.
Việc hoạch định, phân giới và cắm mốc cũng như việc ký kết hai Công ước 1887, 1895 xác lập đường biên giới quốc gia trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng không thể tách khỏi bối cảnh chính trị lúc bấy giờ là sự bành trướng truyền thống của các nhà nước phong kiến ở Trung Quốc với việc mở rộng xâm nhập thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương và thực dân Anh ở vùng Ấn Độ - Miến Điện vào cuối thế kỷ 19, việc ký công ước về biên giới vì thế đã không tách khỏi việc ký Công ước về thương mại Pháp - Trung. Do có nhu cầu tranh thủ nhà Thanh, thực dân Pháp đã nhượng bộ ở một vài khu vực như Tụ Long, Giang Bình - Pak Lung... để đổi lấy việc giao thương Pháp - Trung.
Do điều kiện khách quan và chủ quan đường biên giới được xác lập bằng hai Công ước 1887, 1895 còn rất nhiều hạn chế về chất lượng; về số lượng (314 mốc/1.400km đường biên giới) và nhiều sơ hở trong các văn bản, bản đồ và việc cắm mốc trên thực địa (vị trí các cột mốc chỉ được mô tả và không có tọa độ kèm theo, lời văn về hướng đi của đường biên giới ở một số chỗ không rõ ràng. Theo kết quả khảo sát đơn phương năm 1992, trong tổng số 314 mốc có 18 cột mốc đã bị mất, 71 mốc bị hỏng); nhiều cột mốc đã bị mất, hư hại do thời gian, chiến tranh nên đã bộc lộ rất nhiều tranh chấp phức tạp mà ngày nay chúng ta cần giải quyết với Trung Quốc để xây dựng một đường biên giới bền vững, hữu nghị đảm bảo sự yên ổn, thuận tiện cho việc quản lý biên giới của hai quốc gia.
Quá trình hình thành đường biên giới trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc với hai Công ước 1887, 1895 phải mất 12 năm. Điều này chứng tỏ công việc xác định biên giới trên đất liền với Trung Quốc là công phu và phức tạp ngay cả trong trường hợp giữa hai nước đã có sẵn một đường biên giới truyền thống. Tuy có hạn chế trên nhưng hai Công ước 1887, 1895 lần đầu tiên đã xác lập được một đường biên giới có tính pháp lý quốc tế duy nhất đầu tiên ở Việt Nam và về cơ bản gần giống với đường biên giới truyền thống vốn có trong lịch sử và đang tồn tại hiện nay.
Quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Trung Quốc là sự hoàn thiện lại chất lượng đường biên giới trên cơ sở của đường biên giới theo hai Công ước 1887 và 1895; giải quyết những đoạn còn tranh chấp, những đoạn chưa rõ ràng hoặc những khu vực mà hai công ước trên chưa giải quyết; ký Hiệp ước biên giới mới và cắm lại toàn bộ hệ thống mốc giới mới.
Đây là một quá trình đàm phán rất gay go và phức tạp, song có thể giải quyết được nếu hai bên đều có thiện chí.
(Còn nữa)
Thanh Tú (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065