Đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia được hình thành từ thế kỷ XVII-XVIII cho đến khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam kỳ (1867) và áp đặt chế độ bảo hộ ở Campuchia. Đường biên giới pháp lý giữa hai nước hiện nay trên cơ sở kế tục đường biên giới do thực dân Pháp để lại. Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Đông Dương, biên giới giữa hai nước chủ yếu là đường ranh giới hành chính, bao gồm hai phần: Đoạn biên giới giữa Nam kỳ và Campuchia được hoạch định bởi thỏa ước Pháp - Campuchia năm 1873, đã được phân giới cắm mốc nhưng đến nay còn rất ít dấu tích trên thực địa. Đoạn biên giới giữa Trung kỳ và Campuchia không có văn bản phân định đường biên giới, chỉ có nghị định xác định ranh giới với các tỉnh Trung kỳ, chưa được phân giới cắm mốc. Hai phần biên giới trên đã được chính quyền Pháp thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản.
Bộ đội biên phòng Bình Phước bảo vệ cộc mốc 65(2) Ảnh: T.B
Trong giai đoạn 1954-1975, tranh chấp biên giới cả trên biển và đất liền thường xuyên diễn ra giữa chính quyền Sài Gòn và Campuchia. Trong các năm từ 1964-1967, khi Campuchia công bố nền trung lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra tuyên bố công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại. Trong các năm 1964, 1966, 1975 và 1976, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán, thương lượng về biên giới nhưng không đạt được thỏa thuận. Sau khi Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ra đời, ngày 18-2-1979, Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Tại Điều 4 của Hiệp ước quy định rõ: “Tiến hành đàm phán để đi đến ký kết một hiệp định hoạch định biên giới giữa hai nước trên cơ sở đường biên giới hiện tại và kiên quyết sẽ cùng nhau xây dựng đường biên giới đó thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài”. Ngày 20-7-1983, hai bên ký hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia và hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngày 27-12-1985, hai bên ký hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia. Theo Điều 1 của Hiệp ước: Đường biên giới quốc gia trên đất liền Việt Nam - Campuchia được mô tả chi tiết theo bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 (đường biên giới đã hoạch định được chuyển từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 sang). Hai bộ bản đồ đính kèm hiệp ước (bản đồ Bonne và bản đồ UTM) đều có giá trị như nhau.
Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1985 đã thể hiện rõ lập trường của hai nước tôn trọng đường biên giới hiện tại, căn cứ vào các bản đồ do chính quyền thực dân xuất bản và sử dụng bản đồ UTM của quân đội Mỹ để thuận tiện cho việc phân giới, cắm mốc. Sau khi Hiệp ước 1985 có hiệu lực, hai bên đã tiến hành phân giới được hơn 200km/1.137km đường biên giới và cắm được 72/322 mốc giới dự kiến. Từ năm 1989, công việc phân giới, cắm mốc của hai bên đã tạm dừng lại. Đến ngày 6-12-2005, tại Phnôm Pênh, hai bên đã tiến hành trao đổi văn kiện phê chuẩn hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1985. Hiệp ước là cơ sở để hai nước hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc, tiến tới giải quyết dứt điểm, vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia để tạo cơ sở tăng cường hợp tác, thực hiện phương châm mà lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Campuchia đã thỏa thuận.
Sau khi hiệp ước bổ sung 2005 có hiệu lực, ngày 22-12-2005 hai bên đã thông qua kế hoạch tổng thể về công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và thông qua điều lệ tổ chức hoạt động của Ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc của hai nước. Ngày 27-9-2006, hai bên đã cắm cột mốc đầu tiên tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) - Ba Vét (Svay Rieng), chính thức khởi động tiến trình phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến. Đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia có tổng chiều dài là 1.137km, điểm bắt đầu từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (tỉnh Kon Tum), kết thúc tại điểm tiếp giáp trên bờ biển tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Kăm Pốt (Vương quốc Campuchia). Đi qua 10 tỉnh của Việt Nam gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Tổng số cột mốc 314 vị trí với 371 cột mốc. Đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 240km, giáp với 3 tỉnh của Campuchia là: Mundulkiri, Kratíe, Kongpongcham. Trong 240km đường biên giới, có 210km chạy trên các sông Đắk Huýt, Dec Man (sông Măng), sông Chiu Riu và sông Tôn Lê Chàm (sông Sài Gòn). Đường biên giới trên đất liền khoảng 30km. 3/10 huyện, thị xã (15/111 xã, phường, thị trấn) của tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia. Tỉnh Bình Phước được Ủy ban Liên hiệp Việt Nam - Campuchia giao cắm 19 vị trí, từ mốc 61 đến mốc 79. Trong đó có 7 vị trí mốc đôi, 1 vị trí mốc ba, tổng số cột mốc phải cắm là 28 mốc.
Quỳnh Như (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065