Thi đấu vật cổ truyền trong Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư ở khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài
Sự hình thành các tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất
Cách đây 85 năm, trong lúc cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, ngày 18-11-1930, Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) tháng 7-1936 đã quyết định thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương nhằm tập hợp rộng rãi các giai tầng, đảng phái, các đoàn thể chính trị, tôn giáo khác nhau để đấu tranh đòi những quyền dân chủ tối thiểu nhất, phù hợp với Mặt trận Dân chủ ở Pháp. Tháng 3-1938 Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương.
Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương 8 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Đây là một chủ trương sáng suốt của Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc), đồng thời tập hợp lực lượng, chờ thời cơ đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Tháng 5-1946, theo sáng kiến của Hồ Chủ Tịch, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập (gọi tắt là Hội Liên Việt), thu hút thêm một số nhân sỹ, địa chủ yêu nước tham gia cách mạng. Tháng 3-1951, hai tổ chức Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt tiến hành đại hội, sáp nhập lấy tên là Mặt trận Liên Việt.
Đại hội toàn quốc lần II, tháng 2-1951, Đảng ta đã khẳng định: “Mặt trận là một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến và kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi, làm thành áo giáp vững bền của Đảng”. Tháng 9-1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc họp và quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc theo chủ trương của Mặt trận Liên Việt. Đại hội đề ra cương lĩnh hành động gồm 10 điểm: hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà; xây dựng chế độ dân chủ; phát triển kinh tế; nâng cao sản xuất; cải cách ruộng đất; thi hành chính sách xã hội hợp lý; phát triển văn hóa giáo dục; củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; thi hành chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập và nhân dân toàn quốc đoàn kết.
Ở miền Nam, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, kịp thời đưa ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp nhằm đoàn kết toàn dân ở Nam bộ quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, thống nhất nước nhà. Ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành lập nhằm tập hợp nhân sĩ, trí thức, sinh viên, tư sản dân tộc, sĩ quan, công chức tiến bộ trong quân đội và chính quyền miền Nam; phối hợp cùng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cô lập chính quyền bù nhìn, quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược.
Đánh giá về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại hội lần thứ III (1960) Đảng ta đã khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đoàn kết các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước và tán thành chủ nghĩa xã hội, nhờ đó đã động viên mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ của dân tộc để xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Sau khi nước nhà được thống nhất năm 1975, ngày 31-1-1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất quyết định thống nhất ba tổ chức mặt trận, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua chương trình hoạt động và điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân để cùng nhau phấn đấu xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, XHCN và tích cực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
Những thành tích đáng tự hào
Vào những năm trước 1945, đất nước chưa được độc lập, chưa có chính quyền cách mạng, Đảng thành lập tổ chức Mặt trận Tổ quốc làm nòng cốt nhằm xây dựng lực lượng, quy tụ các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, đảng phái... cùng chung mục tiêu là chống đế quốc, tay sai, xây dựng nhà nước công nông do nhân dân làm chủ. Cụ thể, trong những năm 1930-1945, Đảng đã lãnh đạo tổ chức Mặt trận Tổ quốc huy động được nhiều nguồn lực to lớn, đó là công nhân, nông dân, chí sĩ yêu nước làm nên các cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhân dân khắp cả nước đã vùng lên đấu tranh đòi quyền sống, quyền con người tối thiểu. Một số địa phương cấp xã ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã lập nên chính quyền tự quản theo kiểu Xô Viết ở Nga, lấy khẩu hiệu “Độc lập dân tộc và ruộng đất dân cày”. Cao trào cách mạng 1936-1939 Mặt trận Dân chủ Đông Dương, sau đó là Mặt trận Việt Minh làm lực lượng chính của cách mạng. Từ những cao trào đó, khi phát xít Nhật vào xâm lược nước ta, Pháp thua, thời cơ đến, Đảng đã thông qua tổ chức Mặt trận Việt Minh lãnh đạo toàn dân đứng lên giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, khí thế cách mạng sục sôi trên toàn quốc đã làm nên thắng lợi Cách mạng tháng 8-1945, lập nên nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong thời kỳ chống giặc Mỹ xâm lược từ năm 1954-1975, Mặt trận Tổ quốc nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam đã động viên sức người, sức của ở cả hai miền cho kiến quốc ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tập trung cho kháng chiến ở miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; Một người làm việc bằng hai; Tất cả cho tuyền tuyến lớn... làm nên đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò hết sức to lớn, là trung tâm quy tụ mọi giai cấp, tầng lớp, tập hợp mọi lực lượng trở thành khối thống nhất, vượt qua khó khăn, hội nhập sâu rộng quốc tế, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế, động viên mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, làm đổi thay hẳn diện mạo đời sống nông dân, nông thôn. Đồng thời, tích cực tham gia giám sát hoạt động của Nhà nước, phản biện xã hội; làm tốt vai trò là tổ chức tiên phong trong các hoạt động xã hội từ thiện, duy trì truyền thống tình làng nghĩa xóm, ngoại giao nhân dân... thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Bình Phước đã chủ động đề ra nhiều chương trình mục tiêu, huy động lực lượng trong toàn xã hội theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm, tham gia tích cực các chương trình xóa đói giảm nghèo; xây dựng xã hội học tập, khu dân cư văn hóa; xây dựng nông thôn mới; mặt trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc; kinh tế tăng trưởng cao, đời sống người dân được nâng lên, ổn định, khấm khá hơn nhiều so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997.
Thanh Vũ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065