Chơn Thành, vùng đất có nhiều lễ hội mang tín ngưỡng dân gian truyền thống của các dân tộc anh em. Một trong những truyền thống ấy là lễ Kỳ yên tại đình thần Hưng Long (thị trấn Chơn Thành). Lễ hội Kỳ yên diễn ra vào trung tuần tháng Hai âm lịch, trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân Chơn Thành và các vùng phụ cận.
Ngôi đình có từ thế kỷ XIX
Năm 1850, những người dân từ vùng Phú Lợi (Bình Dương) di cư đến Chơn Thành mở đất. Họ mang theo tín ngưỡng thờ cúng thần thành hoàng. Các tiền bối đã lập một ngôi đình nhỏ thờ thần thành hoàng. Đình Hưng Long ban đầu có tên gọi là đình Thần. Năm 1946, giặc Pháp truy quét, đập phá đình Thần. Người dân tản cư, do vậy lịch sử của đình thần không được ghi chép lại.
Vào thời kỳ Mỹ - ngụy chiếm đóng, thị trấn Chơn Thành ngày nay có tên là ấp Chơn Thành, xã Hưng Long, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một. Do nằm trên địa bàn xã Hưng Long nên nhân dân trong vùng quen gọi là đình thần Hưng Long. Đình được xây dựng lại từ năm 1963, từ đó đến nay, đình chính thức có tên: Đình thần Hưng Long.
Khuôn viên đình thần Hưng Long rộng 4 ha. Đình thờ quay mặt về hướng Nam, gồm hai căn nhà lớn nối liền nhau, cột kèo bằng gỗ, bao lơn được chạm trổ hình rồng. Đình thần Hưng Long được xây dựng kiên cố, mái ngói, tường gạch. Bên trong, đồ thờ khá cổ kính, cảnh vật được bài trí theo phong cách sơn thủy hữu tình, non cao, biển rộng. Đây là nơi thờ thần thành hoàng, thổ địa và tiền hiền, hậu hiền. Bên ngoài đình còn có điện thờ thiên, thờ ông hổ theo tín ngưỡng dân gian truyền lại.
Hàng năm, đình thần Hưng Long đều duy trì lễ tế truyền thống vào các ngày âm lịch như: Lễ Khai sơn (7-1), lễ Kỳ yên (15 và 16-2), lễ Cầu bông (6-6), lễ Đưa rước thần vào cuối tháng 12. Trong tứ đại lễ, Kỳ yên là lễ được tổ chức với quy mô lớn nhất.
Dự lễ Kỳ yên, người dân góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống
của quê hương Chơn Thành có từ thế kỷ XIX
Nét đẹp văn hóa của người Chơn Thành
Kỳ yên thực chất là tên gọi của lễ cầu an. Vào thế kỷ XIX, Chơn Thành còn rừng rậm, nhiều thú dữ, rắn độc. Các tiền bối đi khai khẩn đất đã lập đình thờ thần thành hoàng, thổ địa theo tín ngưỡng dân gian và tâm linh để cầu mong sự bình an; cầu mưa thuận, gió hòa, người dân có đủ cái ăn, cái mặc. Sau khi các tiền bối qua đời, lớp con cháu kế cận lập thêm ban thờ tiền hiền, hậu hiền để ghi nhớ công ơn và thờ cúng các bậc trưởng bối đi trước.
Lễ Kỳ yên chính thức diễn ra từ đêm rằm tháng Hai âm lịch, gồm 3 lễ chính: Lễ cúng tiền hiền, hậu hiền (người khai khẩn ra vùng đất Chơn Thành ngày nay) diễn ra từ 21 đến 22 giờ ngày 15-2 (âm lịch). Lễ thỉnh sanh (giết heo), diễn ra từ 0 giờ đến 2 giờ sáng 16-2. Sau cùng là lễ tế thần thành hoàng bổn địa, diễn ra từ 2 đến 5 giờ sáng ngày 16-2. Các lễ này do ban tế lễ nam của đình thần Hưng Long làm chủ tế.
Không có tài liệu nào ghi chép lại vì sao lễ Kỳ yên lại diễn ra vào ban đêm. Nhưng theo truyền thống, những người tiếp quản đình thần Hưng Long vẫn theo nếp xưa thực hiện các nghi lễ bằng tấm lòng thành kính, hướng tới thần linh, thổ địa và ghi nhớ công khai khẩn đất đai của lớp người đi trước.
Điểm đặc biệt của lễ hội Kỳ yên là quy luật đáo lễ. Mặc dù cứ rằm tháng Hai, ban tế lễ đều tế thần đúng nghi thức, nhưng phần hội thì 3 năm mới có một lần. Ngoài tế, lễ thần thành hoàng bổn cảnh, tế tiền hiền, hậu hiền cầu cho quốc thái dân an, ban đêm còn tổ chức giao lưu hát bội, diễn những vở tuồng cổ nổi tiếng, ca ngợi truyền thống vùng đất Chơn Thành, công người mở đất... Năm 2013, lễ Kỳ yên vào năm đáo lễ, thu hút hàng ngàn người từ các huyện Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh và tỉnh Bình Dương về dự.
Ông Ngô Tấn Bông, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử đình thần Hưng Long cho biết: Mục đích của lễ Kỳ yên nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Chơn Thành có từ thế kỷ XIX. Đó chính là tín ngưỡng thờ thần thành hoàng và văn hóa truyền thống ghi nhớ công ơn của lớp người đi trước - những người có công khai khẩn vùng đất Chơn Thành ngày nay.
Đến lễ hội Kỳ yên, người dân được hòa vào không gian thiêng liêng của các nghi thức tế lễ, vơi bớt lo âu thường nhật, cảm giác tâm hồn thanh tịnh, bình an.
Nhật Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065