BP - “Tôi đã nghe tiếng Tổ quốc ngoài khơi/ Thuở cha ông mang quân đi mở cõi/ Bao thế hệ hôm nay còn vọng lại/ Tiếng trống khao lề thế lính Hoàng Sa”. Đọc những câu thơ đăng trên trang chủ của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa, chúng ta hình dung ra những ngày các thế hệ cha ông dong thuyền, vượt biển ra khơi làm chủ hai quần đảo xa bờ Hoàng Sa và Trường Sa. Mấy trăm năm đã đi qua, “tiếng trống khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay vẫn tiếp tục được nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gióng lên.
Quang cảnh lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở An Hải, huyện đảo Lý Sơn ngày 4-4-2016 - Ảnh: Internet
Đảo Lý Sơn nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý, gồm đảo Lớn (cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu. Đảo có diện tích tự nhiên gần 10km2. Toàn huyện đảo có 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình. Người dân Lý Sơn năm nào cũng tổ chức lễ khao lề thế lính và đây cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của ngư dân vùng biển nơi đây. “Khao lề thế lính Hoàng Sa” là lễ hội được ngư dân tổ chức rất công phu, nhiều công đoạn, đặc biệt là hình thức thả thuyền giấy ra biển với ngụ ý mãi duy trì bám biển, ra khơi. Vào những ngày này, người dân địa phương còn đắp và dọn các ngôi mộ của chiến sĩ hải đội Hoàng Sa (gọi là Mộ gió). Khao lề thế lính là lễ hội độc đáo mang đậm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhằm ghi nhớ công ơn các tiền nhân thuộc hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận quốc gia. Nghi lễ này gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của hải đội Hoàng Sa trên biển Đông.
Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc ta được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng nhiều thế hệ tráng đinh của người dân trên đảo Lý Sơn. Họ thật sự là những anh hùng vô danh, mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân nước Việt hôm nay và mai sau. Từ thực tiễn hoạt động của hải đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển rất thô sơ và luôn phải đối mặt với hiểm nguy đã hình thành ở Lý Sơn những câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”, cùng rất nhiều câu ca nói về đội Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được nhiều người dân trên đảo nhớ và thuộc để truyền cho thế hệ mai sau về một thời oanh liệt trong những trang sử bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo này.
Từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa và Trường Sa đã hình thành một nghi lễ mang tính nhân văn của người dân Lý Sơn. Đó là, cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương. Vì vậy, có thể khẳng định nguồn gốc sâu xa của “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho những người lính trước khi lên đường làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa.(*)
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa phản ánh rõ nét lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các thủy binh xưa. Lễ hội góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu ngư dân nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của lễ hội, tháng 4-2013, “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, loại hình tTập quán xã hội và tín ngưỡng. Hiện nay, rất nhiều người ủng hộ việc nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội có lịch sử 400 năm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó cũng là một cách thiết thực khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa: Trong tháng 2 âm lịch hằng năm là lễ của các tộc họ, được tổ chức tại nhà thờ họ. Cuối tháng 3 âm lịch tổ chức lễ của làng. Địa điểm tại Âm Linh Tự hoặc đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đối tượng suy tôn là những người lính Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, gắn liền với ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngư dân. (Theo hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa) |
Đức Hồng
(*) Theo hoangsa.org
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065