Cứ sau dịp tết Nguyên đán, hàng vạn người từ mọi miền đất nước lại hành hương về Yên Tử cầu phước và tham gia lễ hội. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch. Người ta bảo nhau: Đầu xuân, hãy một lần về nơi đất Phật để cầu bình an, sức khỏe và cũng kiểm nghiệm “chữ tâm” của mỗi người trong một năm đã qua. “Trăm năm tích đức, tu hành/ Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”/ Câu ca dao có tự xa xưa, thôi thúc bao bước chân hướng về đất Phật.
Hành hương lên đỉnh thiêng Yên Tử (ảnh tư liệu)
YÊN TỬ - ĐẤT PHẬT
Vùng rừng núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trước đây, người ta gọi núi Yên Tử là núi Voi bởi hình dáng ngọn núi tựa như một con voi khổng lồ. Sử sách cũ lại gọi Yên Tử là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng). Sử sách ghi lại rằng, Yên Tử được coi là “phúc địa thứ 4 của Giao Châu”. Năm Tự Đức thứ 3, núi Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ. Phải chăng, chính sự linh thiêng huyền bí ấy mà từ xưa các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cầu kinh niệm Phật. Đặc biệt, từ thời Trần đã đầu tư xây dựng Yên Tử thành khu quần thể kiến trúc chùa tháp có quy mô lớn. Khởi đầu là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), ông đến Yên Tử tháng 4 năm Bính Thân (1236). Sau đó, Trần Nhân Tông (Trần Khâm), ông vua anh hùng của 2 cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên - Mông xâm lược (1285-1288), mang lại thanh bình cho đất nước, vào lúc triều đại đang hưng thịnh vẫn nhường ngôi cho con để nghiên cứu đạo Phật và tìm đến Yên Tử để tu hành.
Cách đây đúng 715 năm (năm 1299), Trần Nhân Tông đã xây dựng nên dòng thiền Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư Tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả 3 vị được gọi chung là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ XIII, XIV. Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc đồ sộ này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, trải dài hàng chục kilômét tạo thành Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
LỄ HỘI YÊN TỬ
Hàng năm, lễ hội Yên Tử được bắt đầu từ ngày mồng 10 tháng Giêng và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân. Sau phần nghi lễ long trọng được chính quyền địa phương tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với đỉnh cao nhất của Yên Tử - chùa Đồng. Đường lên đỉnh Yên Tử uốn lượn, gập ghềnh, luồn dưới những bóng cây đại thụ, xuyên qua những vạt rừng thông, trúc... Với thời gian khoảng 3 giờ leo núi vất vả mới có thể đến được chùa Đồng, đường lên đỉnh Yên Tử là một cuộc thử thách, kiểm chứng lòng thành với Phật. Đến được chùa Đồng, những tín đồ của Phật có cảm giác mãn nguyện như đến được cội nguồn cõi Phật.
Vào dịp lễ hội, trong dòng người thập phương đổ về Yên Tử, có nhiều người hành hương tìm đến cõi Phật để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài. Có những người đến Yên Tử để chiêm ngẫm về ý chí thông tuệ và đức độ thanh cao của các bậc cha ông. Có người về Yên Tử để du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn, tận hưởng không khí thanh bình, trong lành... Bất kỳ ai đến với lễ hội Yên Tử, nhất là đến được chùa Đồng đều cảm thấy choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên và an lòng chốn đất Phật.
Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có 8.902 lễ hội, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng, 25 lễ hội nhập từ nước ngoài vào...
Những lễ hội đầu năm ở miền Bắc “không nên bỏ qua”, đó là: Hội gò Đống Đa ở Hà Nội; lễ hội chùa Hương ở Mỹ Đức (Hà Nội); lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội); lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh; hội Xoan diễn ra tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ; lễ hội Côn Sơn ở Hải Dương; hội Lim ở Bắc Ninh; lễ hội đền Trần ở Nam Định; hội chùa Keo ở Thái Bình; lễ hội Bà chúa Kho tại Bắc Ninh; hội Chùa Thầy ở Quốc Oai (Hà Nội); hội đền Hùng ở Phú Thọ...
|
Trung Lương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065