Sau phục dựng lễ hội Phá bàu năm 2011, từ ngày 2 đến 4-10, Bảo tàng tỉnh tiếp tục chọn xã Lộc Khánh để phục dựng lễ hội Xuống đồng của người Khơme ở Bình Phước. Với các bước chuẩn bị chu đáo, theo đúng các giá trị văn hóa phi vật thể của người Khơme, hy vọng lễ hội sẽ đi vào thực tiễn đời sống của đồng bào Khơme ở Bình Phước.
GẮN TRUYỀN THỐNG SẢN XUẤT LÚA NƯỚC
CỦA NGƯỜI KHƠME
Theo tiếng Khơme, lễ hội này có tên gọi là Sen Đây S’Re, là lễ cúng ruộng, cúng xuống giống. Lễ thường bắt đầu vào mùa mưa (khoảng tháng 4, 5 âm lịch). Đây là lễ hội tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng về truyền thống sản xuất lúa nước của người Khơme ở Bình Phước. Theo tập quán của người Khơme, mỗi người sinh ra đều được cha mẹ định cho một ngày tốt và họ sẽ sử dụng để thực hiện các công việc quan trọng trong cuộc đời, trong đó có việc chọn ngày làm đất, gieo mạ, cấy lúa. Sau khi làm đất, gieo mạ, đến ngày các gia đình cúng thần linh để cầu xin mưa thuận gió hòa và một mùa bội thu.
Già làng Lâm Bắc (thứ nhất bên phải) và các già làng trong ấp Chà Đôn tiến hành nghi lễ cúng thần linh trước khi xuống đồng
BẢO TỒN NGUYÊN VẸN NGHI THỨC LỄ HỘI
Anh Phạm Hữu Hiến, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Xã Lộc Khánh có hơn 40% số dân là đồng bào Khơme. Đồng bào Khơme đã sinh sống lâu đời ở đây và có hơn 600 ha diện tích lúa nước, tập trung trên 3 cánh đồng lớn của 3 ấp Chà Đôn, Sóc Lớn và Pa Ven. Cộng đồng người Khơme ở xã Lộc Khánh rất đoàn kết. Hội đồng già làng là những người có uy tín trong cộng đồng và có trách nhiệm giữ gìn, giáo dục con cháu bảo tồn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc. Vì thế Bảo tàng tỉnh chọn xã Lộc Khánh là nơi phục dựng lễ hội Xuống đồng.
Phục dựng lễ hội Xuống đồng, Bảo tàng tỉnh đã tuân thủ, bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc của lễ hội, đồng thời khảo sát, tôn trọng góp ý của các già làng và những người hiểu biết văn hóa dân tộc Khơme. Các bước chuẩn bị được phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn với địa phương.
Trước khi khai mạc lễ hội, Bảo tàng tỉnh và Hội đồng già làng đã thống nhất chọn 3 hộ là những người trồng lúa nước giỏi đại diện 3 ấp, gồm: Gia đình ông Lâm Ngôn (Sóc Lớn), Lâm Bắc (Chà Đôn) và Lâm Đay (Pa Ven). Địa điểm tổ chức lễ tại sân nhà ông Lâm Khên, cạnh cánh đồng Sóc Lớn. 3 gia đình được chọn sẽ thực hiện xuống mạ trên 3 thửa ruộng của gia đình ông Lâm Khên, diện tích 1.500m2/thửa; mỗi đội 9 người cấy. Các công đoạn lựa giống lúa, ngâm giống, làm đất, gieo mạ thực hiện theo truyền thống của người Khơme ở Bình Phước. Trước lễ khai mạc, Bảo tàng tỉnh và Hội đồng già làng đã tổ chức truyền đạt cho thế hệ trẻ về mục đích, ý nghĩa và toàn bộ nội dung của lễ hội.
NGƯỜI KHƠME LỘC KHÁNH ĐÓN NHẬN
LỄ HỘI XUỐNG ĐỒNG
Ngay từ sáng sớm ngày 4-10, khi mặt trời vừa ló những ánh nắng hiếm hoi sau đợt mưa dài ngày, tại sân nhà ông Lâm Khên, cạnh cánh đồng lúa Sóc Lớn đã tập trung hàng trăm người dân xã Lộc Khánh, Hội đồng già làng các xã trong huyện về chứng kiến nghi lễ của ngày hội xuống đồng. Già làng Lâm Bắc, Phó chủ tịch Hội đồng già làng xã phấn khởi: Người Khơme gắn bó với cây lúa nước. Xuống đồng là lễ hội cầu xin các thần chứng giám cho đồng bào Khơme xuống giống được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhờ Nhà nước quan tâm, người Khơme ở xã Lộc Khánh rất phấn khởi, sau này con cháu còn nhớ đến lễ hội này.
Ông Lâm Ngôn, Trưởng ấp Sóc Lớn vui vẻ giới thiệu các vật lễ cúng thần linh của gia đình và cho biết: Trong số các thần trong đời sống tâm linh của người Khơme thì bà Bống là vị thần gần gũi nhất, giúp đỡ con người nhiều nhất. Bởi vậy, trên mâm lễ có 2 nắm lá trầu, hoa và chuối là những món bà Bống thích. Gia chủ thường xin bà Bống chứng giám nghi lễ, tấm lòng của mình trước, sau đó xin thổ thần và các vị thần khác cùng cô hồn chứng giám. Trong lúc cúng lễ, con cháu, những người thân thích đến chúc mừng và góp tiền cúng các thần.
Sau lễ khai mạc, đông đảo người dân ở các ấp tập trung đến chòi của mình để thực hiện nghi lễ cúng thần. Ở 3 chòi của 3 ấp, các gia đình và già làng hát 3 bài tiếng Khơme, kết thúc mỗi bài mọi người đều đồng thanh hô to để thể hiện quyết tâm gặt hái mùa màng bội thu. Sau khi đã cúng lễ, mọi người xuống đồng thực hiện các công đoạn nhổ mạ, bừa đất và cấy lúa. Bà Thị Khơm (52 tuổi), ấp Sóc Lớn phấn khởi vì được chọn là người xuống ruộng cấy đầu tiên. Bàn tay bà Thị Khơm nhuần nhuyễn cắm những cây mạ xuống ruộng. Trên 3 chòi các già làng, bà con thân thích trò chuyện, ăn xôi, thịt và uống rượu. Không khí vui tươi, rộn ràng và phấn khởi lan tỏa khắp cánh đồng.
Phương Thảo - Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065