Hoạt động tại một lễ hội
“Tắt bếp” là một lễ hội độc đáo, chỉ có duy nhất ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Theo các cụ cao niên trong thôn, lễ hội này đã có từ rất lâu đời, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng lễ hội này vẫn được duy trì cho tới tận ngày nay. Lễ hội là dịp để tất cả mọi người trong thôn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm sản xuất. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng cao và mong ước cho một cuộc sống ngày càng đầy đủ sung túc hơn.
Ông Nguyễn Thanh Quý, Trưởng thôn Trà Kiểm cho biết toàn thôn có 180 hộ dân. Trước khi lễ hội diễn ra, thôn sẽ tổ chức họp người dân lại để quyết định quy mô của lễ hội. Ngày xưa, các gia đình sẽ tự mang những thực phẩm của mình tới để góp làm cỗ chung nhưng ngày nay, toàn bộ chi phí của lễ hội dựa trên tinh thần đóng góp tự nguyện của các hộ gia đình. Sau đó, thôn sẽ giao cho một số người đảm nhiệm việc đi chợ, đồng thời chọn những người khéo nấu nướng nhất làng tham gia nấu cỗ.
Buổi chiều trước ngày lễ hội chính diễn ra, làng sẽ tiến hành mổ bò, lợn, gà... để làm lễ cúng Thành hoàng. Lễ cúng được tổ chức ở đình làng vào những thời khắc đầu tiên của ngày lễ hội Tắt bếp. Trong ngày lễ hội, không một gia đình nào được phép nổi lửa bếp và tất cả mọi người sẽ tập trung tại nhà văn hóa thôn để tham gia làm cỗ và chơi các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, bắt vịt, kéo co... Chính vì vậy lễ hội có tên là “Tắt bếp.”
Trong buổi tối của ngày lễ hội, người dân sẽ được xem chương trình văn nghệ, với các tiết mục do chính đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân tự dàn dựng và biểu diễn.
Ông Nguyễn Kiên, một người dân trong thôn nhớ lại trong thời kỳ chiến tranh, lễ hội vẫn được duy trì nhưng tổ chức đơn giản. Ngay khi đất nước vừa được giải phóng, lễ hội Tắt bếp được tổ chức rất lớn và xúc động vì nhiều thanh niên đi bộ đội, nhiều người bị ly tán do chiến tranh may mắn quay trở về quê hương đoàn tụ với người thân. Cũng có nhiều gia đình không còn tập hợp được đông đủ các thành viên vì có con, cháu đã hy sinh trên chiến trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Quý, lễ hội Tắt bếp chỉ diễn ra trong một ngày nhưng là một hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Không khí của thôn trong ngày lễ hội giống như “một đại gia đình lớn,” chính vì vậy những người con của quê hương dù có đi làm ăn ở phương xa đều cố gắng trở về để tham dự lễ hội.
Mặc dù quá trình đô thị hóa tại thành phố Đà Nẵng đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng tới nhiều vùng quê nhưng người dân ở thôn Trà Kiểm vẫn luôn trân trọng, gìn giữ được những nét văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại. Hiện nay, Trà Kiểm là một trong những thôn dẫn đầu của huyện Hòa Vang trong quá trình xây dựng nông thôn mới (thôn đã đạt được 16/19 tiêu chí) và cũng là thôn tiêu biểu của cả nước với 17 năm liền được công nhận là "thôn văn hóa."
Trong lễ hội Tắt bếp năm nay, người dân trong thôn rất phấn khởi vì những kết qủa đạt được trong qúa trình xây dựng nông thôn mới. Đã có nhiều tấm gương sáng trong thôn về giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm... trong dịp này được tôn vinh.
(Theo TTXVN)