Thông tư 08/TT của Bộ GD-ĐT đã ban hành từ năm 1988, đến nay được cho là quá lỗi thời do một số quy định tại Thông tư này không còn phù hợp thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay, nhất là so quy định tại một số bộ luật mới được Quốc hội ban hành gần đây.
Trong thông tư 08 hướng dẫn cụ thể 7 mức khen thưởng và 5 mức kỷ luật. Trong đó phần kỷ luật lần lượt là khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo toàn trường, đuổi học một tuần và đuổi học một năm. Theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà trường, đây là điểm hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Những quy định về xử lý kỷ luật học sinh của Thông tư 08 đang được áp dụng hiện nay mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.
Dự thảo thông tư mới mà Bộ GD-ĐT đề xuất yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh.
Cụ thể, giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm.
Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.
Nếu như thông tư hiện hành áp dụng biện pháp kỷ luật đuổi học ít nhất là 1 tuần và nhiều nhất là 1 năm với học sinh vi phạm các khuyết điểm (tùy mức độ), thì dự thảo thông tư mới nêu: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm”.
Mức độ kỷ luật “tạm dừng học tập” áp dụng đối với những trường hợp học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian 1 học kỳ.
Trong trường hợp học sinh chưa có biểu hiện tiến bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình, thì hiệu trưởng nhà trường họp hội đồng kỷ luật để xem xét, tiếp tục áp dụng hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp lần tiếp theo.
Mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường theo dự thảo thông tư mới là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho cụm từ “đuổi học” trong quy định hiện hành.
Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử ngành đến hết ngày 31-10-2020 trước khi ban hành chính thức.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065