Đáng nói là trong điều kiện khó khăn về ngân sách như thế, nhưng trên địa bàn tỉnh lại đang diễn ra tình trạng lãng phí trong xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, điển hình là việc xây dựng các chợ xã theo chương trình 135 rồi bỏ hoang trong nhiều năm, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng.
Tại trung tâm xã Tân Phước (Đồng Phú), chợ 135 được đầu tư xây dựng với kinh phí 800 triệu đồng. Tuy nhiên, người dân không buôn bán trong chợ mà vẫn cặp hai bên đường để mở sạp bán hàng, vừa lãng phí chợ mới xây, vừa tiềm ẩn tai nạn giao thông. Điều đáng nói, đây là lần thứ hai Tân Phước được đầu tư xây dựng chợ nông thôn từ nguồn vốn Chương trình 135. Hiện chợ cũ trị giá hàng trăm triệu đồng chỉ còn lại một nền đá nham nhở với đống phế liệu. Không biết xã Tân Phước đã có biện pháp gì để ngôi chợ mới không phải chung số phận. Và không chỉ chợ Tân Phước, chợ Tân Hưng (Đồng Phú), chợ Hoàng Diệu (Bù Đốp)... mà hàng chục ngôi chợ 135 trên địa bàn tỉnh cũng đang bị bỏ hoang. Đây là hậu quả của việc khi triển khai đầu tư, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, gây lãng phí ngân sách và bức xúc trong nhân dân.
Nhìn rộng ra cả nước, tình trạng lãng phí diễn ra tràn lan, phổ biến, không tỉnh thành nào không có. Trong khi tại các vùng nông thôn đang thiếu sân chơi cho thiếu nhi thì tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Trôm (Kiên Giang) có một nhà văn hóa trị giá hơn 3 tỷ đồng chỉ để... ngắm. Không đưa vào hoạt động được vì không phù hợp, xã Long Thạnh còn phải mất thêm 1 triệu đồng/tháng để thuê bảo vệ. Rồi ở thành phố nọ, người ta xây dựng một cổng chào trị giá 40 tỷ đồng. Một dự án phát triển công nghệ thông tin tại Đà Nẵng trị giá gần 600 tỷ đồng cũng bị “trùm mền” trong nhiều năm qua...
Sự lãng phí không chỉ dừng ở việc xây dựng các công trình. Nó còn biểu hiện ở việc các cơ quan đua nhau mua sắm xe công, kể cả khi chưa cần thiết. Rồi tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước, thực chất là đi du lịch; Tổ chức các hội thi, hội thảo hoành tráng. Rồi sự phình to đội ngũ công chức, nhưng hiệu quả công việc chẳng thay đổi gì, như ở một xã nghèo của Thanh Hóa mà có tới 500 cán bộ, như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải ngậm ngùi thừa nhận có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”! Và để gánh cái bộ máy cồng kềnh đó, mỗi người dân đang phải còng lưng chịu hàng trăm loại thuế, phí. Ngoài các khoản theo quy định của nhà nước, về xã, về thôn lại “đẻ” ra các loại phí theo kiểu “phép vua thua lệ làng”, hình thức là tự nguyện nhưng thực tế không đóng không được. Có thôn ở Hà Tĩnh còn thu cả phí vịt, phí bò...
Tất cả những con số chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ đó đều được lấy ra từ ngân sách, từ sự đóng góp của người dân. Bởi thế, chưa nói tới tham nhũng, hối lộ, ăn cắp, chỉ với nạn lãng phí thôi, người dân cũng đã kiệt sức rồi!
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065