Ngoài ra còn nhiều đơn vị trực tiếp hoặc liên kết cùng thực hiện dạy nghề, như: Trường Cao đẳng nghề Tôn Đức Thắng, trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Phước, Trung tâm Giới thiệu việc làm của Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Từ 18 cơ sở dạy nghề trong năm 2010, đến nay, toàn tỉnh đã có 27 đơn vị.
Ngay sau khi thành lập, các trung tâm dạy nghề đã thiết lập bộ máy và xin cấp kinh phí mua hàng loạt trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, thực hành. Nguồn kinh phí đầu tư cho các trung tâm dạy nghề không nhỏ. Tuy nhiên, do đầu tư không đúng hướng, không có kế hoạch cụ thể, lại ít học viên nên hầu hết máy móc không được sử dụng, hoặc chỉ sử dụng một phần rất nhỏ, gây lãng phí nhiều tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Trung tâm Dạy nghề huyện Bù Đăng đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua thiết bị, máy móc, trong đó có các máy thực hành nghề mộc, hàn, tiện, cắt gọt kim loại, cơ khí ôtô, may công nghiệp. Tuy nhiên, số thiết bị này chưa một lần được phục vụ giảng dạy, học tập. Dù trung tâm có tổ chức chiêu sinh các ngành nghề phi nông nghiệp, nhưng rất ít học viên đăng ký nên không thể mở lớp. Trung tâm Dạy nghề thị xã Phước Long được đầu tư gần một tỷ đồng mua máy móc, thiết bị cũng phải cất vào kho, vì học viên chỉ đăng ký học nghề khai thác mủ cao su, số ít thì đăng ký học để lấy bằng lái xe môtô nên máy móc mua về bị bỏ không. Trung tâm Dạy nghề Hớn Quản thành lập từ tháng 7-2011 với nguồn kinh phí khoảng 6 tỷ đồng, dự kiến đào tạo 20 ngành nghề, nhưng thực tế cũng chỉ mở được vài lớp kỹ thuật trồng nấm và đào tạo cấp bằng lái xe môtô; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su. Đặc biệt, Trung tâm Dạy nghề huyện Chơn Thành đã chi hàng tỷ đồng mua các mô hình, máy móc cho học viên thực hành, nhưng không có học viên nên năm 2012 đành giải thể. Sau khi giải thể, số thiết bị của trung tâm này được chuyển giao cho Trung tâm Dạy nghề huyện Hớn Quản, nhưng cũng lại... cất vào kho. Trung tâm Dạy nghề huyện Bù Đốp phải sáp nhập với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để duy trì hoạt động. Các trung tâm khác hoạt động cầm chừng hoặc phải liên kết dạy nghề để tồn tại...
Lý giải nguyên nhân vì sao các trung tâm dạy nghề, dù được đầu tư tiền tỷ nhưng đều chung số phận không có hoặc chỉ rất ít học viên, những người có trách nhiệm trong ngành lao động - thương binh và xã hội cho rằng: Vì tỉnh có thế mạnh về cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi nên người dân nông thôn có nhiều cơ hội tìm công việc phù hợp với thu nhập ổn định mà không cần bằng cấp, chứng chỉ nghề. Tuy nhiên, không thể không kể đến nguyên nhân là do nhiều đơn vị dạy nghề cùng đào tạo một nghề nên xảy ra tình trạng “giẫm chân lên nhau”. Rồi dạy những nghề không phù hợp với địa phương, đội ngũ giảng viên dạy nghề chắp vá... nên không thu hút được học viên.
Lãng phí tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh không chỉ ở nguồn tiền đầu tư vào máy móc thiết bị rồi “đắp chiếu” mà còn lãng phí ở việc phải duy trì bộ máy của các trung tâm này. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rà soát lại hiệu quả hoạt động của hệ thống này để có giải pháp thiết thực tránh lãng phí kép và kéo dài.
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065