BP - Bình Phước có những làng nghề tự phát gắn liền với làng bè. Trên 4 hồ chứa lớn của tỉnh là Thác Mơ, Cần Đơn, Sork Phu Miêng và Phước Hòa có 66 hộ nuôi với 124 bè cá cùng 781 hộ khai thác thủy sản với 977 lao động. Ngoài việc khai thác cá, tép để bán, làm mồi nuôi cá trong bè, người dân làng bè phần lớn đều biết làm khô cá các loại. Cá lăng, cá lóc, cá kìm, cá trèn, rô phi, mè hôi... đều có thể làm được khô với chất lượng rất ngon. Đặc biệt có loại khô khi ăn có người còn ngỡ là làm từ thịt, đó là khô cá lau kiếng. Khi đi công tác tại những làng bè này, tôi được người dân mời dùng những sản phẩm tự tay họ làm và thấy rất ngon. Chia lại ít khô này tôi mang về biếu vợ chồng ông Lê Văn Sâm (thường gọi bác Chín) ở phường Phước Bình, TX. Phước Long. Hai ông bà năm nay đã 78 tuổi, răng yếu, nhưng khi ăn món khô này cứ mê mẩn và nhờ mua để làm quà biếu. Tôi tham gia Câu lạc hộ hoa lan Đồng Xoài và đã có rất nhiều người được tôi mời thưởng thức món khô này, ai cũng khen rất ngon.
Cá lăng được người dân làng bè Phước Minh chế biến, phơi khô
Anh Phạm Văn Sóng ở làng bè ấp Bù Tam, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) cho biết: Tại làng bè này chỉ có hai người làm nhiều nhất là anh Sóng và bà Bảy Tiên (nhà bè Bảy Tiên). Riêng anh Sóng mỗi năm làm cả tấn cá khô các loại để bán. Cả làng bè hầu như quê gốc đều ở An Giang, trôi dạt về Campuchia rồi trở về định cư tại các lòng hồ thủy điện và thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh ngày một nhiều. Cũng ở ấp Bù Tam còn có anh Nguyễn Văn Sướng (nhà bè Sướng Loan). Mỗi năm bán 1-2 tấn khô các loại. Bên làng bè Minh Hưng và Đức Liễu (Bù Đăng) cũng có nhiều hộ làm khô để bán, tuy nhiên quy cách sản phẩm và hương vị cũng khác so với làng bè ở Phước Minh nên số lượng bán ít hơn.
Trước đây, các hộ này chỉ làm để ăn, sau đó lượng cá về nhiều, không có phương tiện trữ cá tươi, dân làng bè thường làm khô để giữ được lâu dùng dần, nhưng khi nhiều quá họ mang ra chợ bán, rồi đi bán dạo. Lúc đầu bán được ít, sau này người ăn thấy ngon nên đặt làm, thế là từ từ tăng dần số lượng. Hiện nay họ không bán dạo mà khách hàng (thường là khách du lịch) đến mua về làm quà hoặc mối lái cũng tìm đến.
Ngoài làm khô, dân làng bè còn làm chả cá các loại. Những nghề thủ công này không những giúp cho các gia đình có thu nhập mà còn tác động trực tiếp đến đời sống của dân chài làng bè. Một khi các sản phẩm cá nuôi tiêu thụ tươi sống không hết thì đây là kênh tiêu thụ giúp giảm khó khăn cho người nuôi cá bè. Các hộ khai thác cá được nhiều thì không chỉ làm mồi cho cá nuôi mà còn bán cho các hộ làm khô cá, hay tự làm khô rồi bán cho các chủ vựa. Ngoài ra, việc làm khô, làm chả cá đòi hỏi nhiều công lao động. Hộ bán số lượng nhiều được chủ thu mua cá thuê chính những lao động nhàn rỗi của làng bè chế biến.
Hiện làng bè Phước Minh là điểm đến giải trí vào các ngày cuối tuần và ngày lễ, ước khoảng vài trăm người/ngày. Do đó, nghề làm khô và chả cá cần được hướng dẫn và hỗ trợ để bảo đảm chất lượng của một nghề đã được truyền qua nhiều đời. Vì vậy, vấn đề cần bàn là thừa nhận nơi đây là làng nghề và có chính sách hỗ trợ. Trước mắt cần có sự hỗ trợ trong quản lý an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp xây dựng thương hiệu thông qua bao bì và quảng bá.
Tấn Phước
(Trung tâm Thủy sản)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065