Hôm nay, chúng ta là những người hân hạnh vì đã sống và chứng kiến bình minh của năm 2014, gần nửa thập niên thứ hai của thế kỷ 21 đã trôi qua. Điều này gây cảm khái với nhiều người.
Những đột phá công nghệ bao giờ cũng tạo ra nguồn của cải mới đáng trọng nhất, công nghệ thông tin và truyền thông đã minh chứng điều này. Trong ảnh: Buổi thực hành thí nghiệm làm đề tài tốt nghiệp của sinh viên khoa công nghệ sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). - Ảnh: Như Hùng |
Vì nhiều người trong chúng ta, già một chút thì đã trải qua hoặc nếm mùi một hai cuộc chiến tranh; trung niên thì cũng dăm ba cuộc khủng hoảng kinh tế, đôi lần trục trặc xã hội; còn trễ một chút thì ít nhiều cũng biết các lần thời đại đổi thay: hậu chiến tranh lạnh, xã hội hậu công nghiệp, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, khủng bố và khủng hoảng toàn cầu hiện nay…
Chúng ta có cái cảm giác “sống sót” rồi, “qua được” rồi. Nhưng kết luận rút ra là: để “sống sót” thật sự cho những lần tới, chúng ta cần chuẩn bị, và chuẩn bị lớn nhất là cần biết chuyện gì sẽ diễn ra tới đây. Nói tóm lại phải lắng nghe cho được tiếng của thời đại đang chuyển mình, để biết cái gì đang lỗi thời và cái gì là xu thế sẽ đến. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể phát triển, chống lại sự suy yếu có thể đưa đến thụt lùi, thậm chí là suy vong.
Lắng nghe “zeitgeit”
"Vậy xã hội tương lai sẽ nói gì với chúng ta: tiêu dùng là phát triển hay tiết kiệm thì diệt vong? Từ economy tự bản thân mang ý nghĩa là tiết kiệm, vậy phải chăng quy luật kinh bang, tế thế của tương lai sẽ ngược hẳn với những gì chúng ta đã biết? Đây có thật là một xu thế hay chỉ là trò dụ dỗ nấp dưới một hình thức học thuật?" |
Triết học có một từ, gốc tiếng Đức, nói lên ý niệm này đó là từ zeitgeit. Chiết tự chữ zeit tương đương với time hay “thời đại” và geit tương đương với spirit, tức cái hồn, cái thần thái. Vậy zeitgeit là “spirit of time” hay “spirit of age”, hàm nghĩa cái thần thái, cái hồn của thời đại. Đọc được đúng zeitgeit là cốt yếu nhất để đoạt thời cơ mà phát triển.
Tiếc là không phải ai cũng nắm được cái thần thái này, ngay cả đối với các vĩ nhân của thời đại mình. Đó cũng là tiếc nuối tôi luôn đặt ra về một ông hoàng thế kỷ 18: Nguyễn Ánh - Gia Long. Dường như ông đã không nắm được cái hồn của thời đại mình, bởi tại sao ông lại quyết định quay hẳn về Huế, cách xa phương Nam đang thịnh vượng, và đóng cửa vương quốc của mình từ khi thống nhất được nó vào năm 1802. Ông không là một nhà nho hũ nút chỉ suốt ngày quanh quẩn trong đình làng, ông là một trong những ông hoàng bôn ba khắp chốn và xuất bôn hải ngoại nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam lúc đó (khi bôn tẩu Tây Sơn, bước chân ông đã rộng khắp các xứ vùng vịnh Thái Lan qua Miên đến tận xứ Thái), giao thiệp với các nền văn minh phương Tây từ rất sớm, thậm chí biết gửi cả con trai qua Pháp để cầu viện… Vậy thì hà cớ gì khi chiến thắng ông từ bỏ vùng đất giao lưu mạnh mẽ ấy, đóng cửa đất nước, bế quan tỏa cảng như thế?
Cần biết rằng cái ngày mà ông chiến thắng và tạo dựng một vương quốc thống nhất rồi đóng sầm cửa lại thì thế giới theo chiều ngược lại, đang dồn dập chuyển biến qua một thời đại mới: nước Mỹ mới dời đô từ Philadelphia về Washington để vươn lên, Napoleon đang tung hoành ở châu Âu và được phong tổng thống nước Ý ngay trong năm 1802, thủ đô Paris mới có 500.000 dân và New York chỉ mới 66.000, dân số Trung Hoa mới có 275 triệu, ngành dệt bông vải của Anh khởi nguồn của giai đoạn công nghiệp và chủ nghĩa tư bản mới có 90.000 nhân công, các khoa học kỹ thuật cơ bản mới bắt đầu rục rịch ra đời với: Alessandro Volta tạo ra điện từ pin, thuyết nguyên tử được Dalton đưa vào hóa học, môn sinh học được Gottfried Treviranus hình thành; về giáo dục, văn hóa: Trường đại học Bách khoa Paris mới ra đời được tám năm, hai đại văn hào Victor Hugo và Alexandre Dumas mới sinh ra và gần ta nhất, nước Nhật còn chìm trong đêm dài phong kiến mãi đến năm 1866 mới có cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân…
Có thể nói Gia Long đã có một cơ hội “vô tiền khoáng hậu” để cưỡi lên ngọn thủy triều của thời cơ lịch sử để đưa vương quốc của ông vươn lên hàng đầu, nhưng tiếc là ông đã không nghe được tiếng đập của thời đại, ông đã làm lơ với cái zeitgeit đã một lần nữa - sau đại thắng 1802 - réo gọi tên ông.
Khám phá tương lai để tìm một luồng của cải mới
Trôi theo dòng lịch sử, các dân tộc, các cộng đồng, gia đình hay từng cá nhân đều chịu lực “ma sát” có khuynh hướng làm chậm sự phát triển lại. Do đó suy cho cùng, lắng nghe tiếng thời đại, đoán định tương lai là để tìm được “luồng của cải mới” bổ sung “năng lượng” nhằm chống lại “ma sát”, chống suy vi và tiếp tục trường tồn. Dĩ nhiên luồng của cải đó đầu tiên phải là của cải vật chất và sau đó là “của cải kiến thức”: khoa học, công nghệ, triết học, nghệ thuật…
Một ngàn năm lịch sử Việt từ ngày giành lại được độc lập ở thế kỷ 10 đã có một lần tìm ra một luồng của cải lớn, đó là ngày Nguyễn Hoàng nghe lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, xin chúa Trịnh vào Nam mở cõi (năm 1558). Từ đó đất đai xứ Việt vừa thêm rộng lớn, vừa có được những vùng đất phì nhiêu ở phương Nam, vừa đi sâu vào phía Đông Nam Á tiếp cận với những luồng văn hóa mới ở phương Nam giao thương phong phú, thoát khỏi ảnh hưởng độc tôn duy nhất, nặng nề của phương Bắc trước kia. Đất Việt từ đó mới có tên bán đảo Ấn - Trung (Indochina), hàm nghĩa một vùng đất quốc tế hóa phong phú chứ không chỉ là một “Giao Chỉ gần Tần” (Cochinchine). Tài sản quốc gia, dân chúng từ đó mà giàu có hơn hẳn, góp phần làm lệch cán cân lực lượng cho Nguyễn Vương trong cuộc chiến chống Tây Sơn để thống nhất quốc gia sau đó.
Nhưng, cơ trời dường như chỉ đến thế, người thừa kế tài năng - Gia Long - đã không có một Trạng Trình thứ hai chỉ đường để cưỡi lên ngọn sóng vĩ đại tiếp theo đó mà đưa dân tộc Việt lên tầm thế giới như Minh Trị đã làm cho Nhật Bản.
Cho nên, chúng ta có đủ bài học thành - bại xương máu để làm sao đừng bị trật nhịp với thời đại lần nữa. Giờ đây chúng ta phải lắng nghe cái zeitgeit của nửa cuối còn lại của thế kỷ 21 và nghĩ xem luồng của cải mới đó nằm ở đâu.
Thông điệp của thời đại
Về nội tại, chúng ta đã từng thấy nhân loại nhảy vọt khi thay đổi về nhận thức: xã hội trọng nông tạo ra thịnh vượng khác, khi chuyển qua nhận thức trọng thương sẽ khác ngay; xã hội trọng thi phú khác, trọng công kỹ nghệ khác; nền kinh tế trọng đầu cơ tài chính khác, trọng sản xuất kinh doanh khác; xã hội tạo cơ hội cho mọi người khác hẳn xã hội chỉ chuyên chú cho một tầng lớp riêng… Do đó, phải chăng việc chưa kịp thay đổi nhận thức đã che mờ tầm nhìn đến một thời đại mới?
Về nguyên nhân bên ngoài, chúng ta từng thấy nhân loại làm giàu nhờ dấn thân vào những cuộc phiêu lưu như Columbus đi tìm tân thế giới mở ra kỷ nguyên thịnh vượng cho phương Tây, hay như cuộc mở cõi vào Nam của Nguyễn Hoàng… Gần đây không phải bỗng nhiên mà Mỹ dừng kế hoạch tàu con thoi (chịu đi “ké” tàu Nga lên trạm vũ trụ), từ bỏ việc khám phá vũ trụ quanh quẩn trên quỹ đạo gần để dồn sức cho chinh phục sao Hỏa. Sau khi đã thành công vang dội bằng việc đổ bộ robot Curiosity đang lùng sục trên bề mặt sao Hỏa, thì trong tháng 11-2013 họ phóng tiếp tàu vũ trụ MAVEN (viết tắt của Mars Atmosphere and Volatile Evolution) để tiếp tục nghiên cứu khí quyển của sao Hỏa, con tàu sẽ đến hành tinh đỏ vào ngày 22-9-2014.
Họ biết quá rõ sao Hỏa có thể là một “tân thế giới” mới mà họ phải chấp nhận phiêu lưu với “tinh thần Columbus” mới để tìm ra các thuộc địa mới, luồng của cải mới ngoài đại dương vũ trụ. Ấn Độ thì chính thức phóng tàu vũ trụ Mars Orbiter Mission lên hành tinh đỏ để nghiên cứu khí quyển, nước và tìm khoáng sản trên sao Hỏa. Trước đó, Trung Quốc từng gặp thất bại trong sứ mạng sao Hỏa của họ. Còn phần mình, chúng ta có chỗ nào trong công cuộc khám phá này không?
Rời vũ trụ xa xôi quay lại chuyện trước mắt. Chúng ta thấy đã xuất hiện nhiều hình thái làm ăn mới, một loại hiệu ứng kỳ lạ về thị trường: “cho không, lãi nhiều”, đó là Google, Facebook…, nơi người ta kiếm ra tiền nhờ cho không, chỉ cần tập hợp thật nhiều người chịu xài đồ của mình; hay hiệu ứng “xài nhiều, giàu nhiều” như thị trường lớn của Mỹ cứ tiêu dùng, cứ mắc nợ và cả thiên hạ phải quan tâm tới họ vì họ ngưng xài thì ta chẳng bán được cho ai nữa. Chủ nợ phải đi nuôi con nợ cỡ bự, vừa tiêu dùng, vừa kiêu căng. Rồi hiện tượng ai ai cũng kích cầu, cũng thúc đẩy tiêu dùng…, thật khác xa với bài học cần kiệm, thanh đạm để tích lũy làm giàu mà ta đã từng được dạy. Vậy xã hội tương lai sẽ nói gì với chúng ta: tiêu dùng là phát triển hay tiết kiệm thì diệt vong? Từ economy tự bản thân mang ý nghĩa là tiết kiệm, vậy phải chăng quy luật kinh bang, tế thế của tương lai sẽ ngược hẳn với những gì chúng ta đã biết? Đây có thật là một xu thế hay chỉ là trò dụ dỗ nấp dưới một hình thức học thuật?
Rời chuyện làm ăn ta thấy gì trong chuyện sáng tạo? Dĩ nhiên, những đột phá công nghệ bao giờ cũng tạo ra nguồn của cải mới đáng trọng nhất, công nghệ thông tin và truyền thông đã minh chứng điều này, và sắp tới đây ở các cường quốc công nghệ đang ấp ủ một đợt dâng trào mới về robot, về máy in 3D, thiết bị giúp mọi người đều có thể sản xuất ra các vật dụng cần thiết bằng máy in ba chiều đặt ngay tại văn phòng. Rồi môn khoa học dữ liệu (data science) khai thác các nguồn dữ liệu lớn gọi là big data để tạo ra các lợi thế trên thị trường…
Rồi đến câu chuyện của muôn thuở: chiến tranh và hòa bình. Thử điểm lại suốt 300 năm gần đây, nếu năm 2014 này chúng ta thấy chiến tranh ở Syria, Trung Đông, thế giới Ả Rập, Bắc Phi, rồi các điểm nóng đe dọa xung đột như bán đảo Triều Tiên, biển Đông, biên giới Trung - Ấn… thì lùi lại 100 năm trước, năm 1914 là khởi đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kéo dài xung đột cả thế kỷ; rồi 100 năm trước nữa, vào năm 1814, châu Âu đang bùng nổ chiến tranh mang dấu ấn “Nã Phá Luân”, đó là năm Napoleon bị đánh bại và lưu đày lần thứ nhất ra đảo Elba (năm 1815 mới bị đánh bại ở Waterloo và đày vĩnh viễn ra đảo Saint Helene), rồi chiến tranh Mỹ - Anh ở tân thế giới… Bao giờ cũng vậy, chiến tranh luôn hiện diện trong mọi thời đại, chiến tranh lúc nào cũng tồn tại hoặc âm ỉ đâu đó chờ lúc xuất hiện.
Nhưng, điều nghịch lý nhất là: chiến tranh mang lại một đợt phát triển dữ dội về kinh tế. Các cường quốc và các quốc gia thông minh biết rằng năng lượng tích tụ khi “ma sát” giữa các nước, các nền văn hóa, kinh tế… dần dần sẽ tạo ra xung đột, nên cần duy trì một chỗ xả tự nhiên cho nguồn năng lượng dữ dội đó, miễn là không để nó phá hoại tất cả mọi thành quả khác của họ. Nên họ đã lợi dụng chiến tranh và chủ động tạo ra khái niệm nào là chiến tranh hạn chế, chiến tranh có điều khiển, chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt, thậm chí là khái niệm siêu hạn chiến… để chiến tranh không cháy lan quá rộng, để đưa chiến tranh ra xa khỏi lãnh thổ hay vùng ảnh hưởng của mình. Do đó, chúng ta cũng phải học điều này, để không đập bỏ hết các thành quả của mình bởi những cuộc xung đột, nếu nó có nguy cơ xảy ra.
Hay suy nghĩ, hồi tưởng, giả thiết, tìm tòi…, và khi tiếng chuông giao thừa của năm Giáp Ngọ vừa vang lên, chúng ta nên thắp một nén nhang giữa trời đất khấn nguyện rằng: sẽ không để vuột mất thông điệp của thời đại, tiếng réo gọi của zeitgeit thêm một lần nữa.
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065