Từ thị xã Đồng Xoài, xe lăn bánh lúc 4 giờ sáng. Dừng 15 phút để ăn lót dạ tại trung tâm xã Đắk Ơ rồi chạy một mạch. Đúng 7 giờ 30 phút chúng tôi có mặt tại Đồn biên phòng Đắk Bô. Đã nghe anh bạn đồng nghiệp “cảnh báo” trước là đường đến các đồn Đắk Ka, Đắk Bô toàn những khúc cua tay áo, vậy mà nhiều phen tôi phải nhắm mắt, thót tim vì mặt đường chỉ đủ hai bánh xe, trong khi nhiều đoạn chênh vênh một bên là rừng, một bên là vực sâu hun hút.
VẺ ĐẸP RỪNG GIÀ
Đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh Bình Phước dài hơn 64km, chạy dọc biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia. Đường xuyên qua vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập nên qua nhiều dạng địa hình từ thấp đến cao, nhiều đoạn đường nằm trên sườn núi ở độ cao hàng trăm mét so với mặt nước biển. Bởi thế, dù chỉ hơn 64km, nhưng con đường này được xây dựng trong thời gian khá lâu - khoảng 7 năm, từ 2004 đến 2011 mới hoàn thành. Khi đi trên con đường này, chúng tôi thấy có những đoạn chỉ cần lội qua dòng sông Đắk Huýt không rộng lắm (còn gọi là sông Đắk Quýt) là sang tới đất Campuchia. Con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn như một con rắn khổng lồ phơi mình theo dòng sông Đắk Huýt trong khu vườn quốc gia. Dù người cầm lái được những người ngồi trên xe đánh giá là “tay lái lụa”, vậy mà anh bạn nhà thơ đi cùng phải hai lần đòi xuống xe để... ói.
Chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Bô trên đường tuần tra bảo vệ biên giới
Bù lại với sự chênh vênh, hiểm trở của con đường, Vườn quốc gia Bù Gia Mập đẹp mê hồn. Từ ngã ba xã Đắk Ơ với một nhánh đi Tây Ninh, một nhánh đến các đồn biên phòng khu vực biên giới Bù Gia Mập, hành trình của chúng tôi bám theo đường tuần tra biên giới. Mặt trời lên, vườn quốc gia không còn mang vẻ âm u, huyền bí như lúc còn mờ tối. Khi xe chạy qua khu vực toàn cây gỗ cao, mọc thẳng thì những chùm tia sáng mặt trời chiếu xuống lấp lánh, còn hầu như xe chui trong những tán rừng dày. Hai bên đường là màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng với nhiều dạng sinh cảnh khác nhau như rừng lồ ô ma trận, đồi bằng lăng, rừng cây gỗ quý hay những vạt chuối rừng thẳng tắp. Thi thoảng vài con heo rừng lấm láp hay nhím, sóc băng qua đường rất nhanh làm anh bạn lái xe phải thắng gấp. Bên những vạt hoa rừng, từng đàn bướm đủ sắc màu lên đến hàng trăm con rập rờn trong gió sớm hút mật. Được biết Vườn quốc gia Bù Gia Mập có nhiều loài động vật trong sách đỏ Việt Nam và trên thế giới như vượn đen má vàng, chà vá chân đen, trâu rừng, voi hay những loài chim quý... Nhìn thiên nhiên hoang dã và hùng vĩ nên ai nấy đều muốn xuống xe để tận hưởng vẻ đẹp của rừng già.
Vừa mở cửa xe đã thấy gió ào ạt và hương hoa rừng chẳng biết từ đâu thơm sực nức. Người nhạc sĩ ngây người lắng nghe tiếng chim rừng ríu rít, đâu đó vẳng tiếng con nai hay con hoẵng tác tác gọi bầy. Và tôi hình dung trong sáng tác mới của anh sẽ không thể thiếu những âm thanh hoang dã, ngất ngây của rừng già biên giới. Người đồng nghiệp cầm vô lăng cho biết những năm trước, vào thời điểm này rừng đã trút lá. Nếu chạy dọc đường tuần tra biên giới, người ta có thể “nghẹt thở” trước vẻ nên thơ của những vạt rừng nhuốm màu vàng rực, có những vạt đỏ ối, lại có vạt bằng lăng đã trút lá hoàn toàn, chỉ còn trơ lại những cành cây trọc lốc. Xe chạy trên đường tuần tra, lá khô rào rào cuốn theo bánh xe tạo một cảm giác rất lãng mạn. Hèn gì đã mấy năm nay, cứ giáp tết là anh lại lọ mọ một mình chạy xe lên ăn tết với lính biên phòng!
NHỮNG CON NGƯỜI LẶNG LẼ HIẾN DÂNG
Cả quãng đường rừng hơn 64km mà chúng tôi chỉ gặp duy nhất người chạy xe máy ngược chiều, trên xe mang theo cả lá dong, lạt giang gói bánh chưng và một giò phong lan còn chúm chím nụ. Lên đến Đắk Bô mới biết đó là một chiến sĩ biên phòng, nhà ở xã Bù Nho (Phú Riềng) được chỉ huy đồn giải quyết cho nghỉ tết. Và quà tết của người lính biên phòng mang về gia đình cũng chỉ có thế - là những tặng phẩm thân thương, ấm áp của rừng.
Đắk Bô đây rồi! Dù đã biết trước là đồn nằm giữa rừng già, xa nhất, khó nhất nhưng tất cả chúng tôi cùng lặng người, bởi không thể hình dung nổi thời điểm này mà điều kiện hạ tầng phục vụ cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn còn đơn sơ đến thế. 3 dãy nhà gỗ tạp xếp theo hình chữ U trên một ngọn đồi. Đồn có nhiệm vụ bảo vệ 2 dấu mốc và quản lý gần 20km đường biên. Ở đây toàn đá không thể đào hay khoan giếng nên mùa mưa dùng nước mưa, còn mùa khô thì dùng nước suối. Đồn trưởng đi công tác, chỉ có Chính trị viên Lê Văn Hiền; đội trưởng vận động quần chúng Hoàng Ngọc Hưng, quê Hà Nam mới tăng cường về đồn 1 năm cùng Điểu Tâm, chiến sĩ đội vận động quần chúng tiếp chúng tôi. Đã 7 giờ 30 phút mà khí trời nơi đây vẫn lạnh, gió thổi rất mạnh. Thấy tôi so vai vì lạnh, Chính trị viên Lê Văn Hiền cười nói, ở đây một ngày có đủ bốn mùa và “đặc sản” nơi này là gió và sốt rét. Vậy mà chỉ 1 giờ sau, nắng đã bỏng rát. Gió mạnh khiến mái tôn kêu rầm rầm. Anh Hiền bảo chuyện gió lật ngược mái tôn hay “nhổ” gốc cột nhà là bình thường. Rồi anh khoát tay về phía trước, nói ngay trên đỉnh đồi trước mặt kia thời kỳ chiến tranh là sân bay quân sự dã chiến của Mỹ; phía sau đồn chừng 1km là đất Campuchia.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn rau, anh Hiền khoe nhiều khi cán bộ, chiến sĩ ăn không hết. Giữa tiết trời khô nóng, vậy mà những luống rau cải xanh, cải ngọt dưới bàn tay chăm sóc của bộ đội vẫn tươi xanh mơn mởn. Nhìn những lá rau dày dặn, tươi non, chúng tôi biết mỗi cán bộ, chiến sĩ đã phải tiết kiệm từng ca nước rửa mặt, đánh răng để tưới rau. Một chiến sĩ nói rau được bón bằng phân bò ủ mục nên rất tốt. Ngoài trồng rau, cán bộ, chiến sĩ trong đồn còn nuôi bò, heo, vịt xiêm và một bầy chó tới hơn bốn chục con, vừa để mọi người bớt nhớ nhà vừa huấn luyện những chú chó tinh khôn để đưa đi tuần tra biên giới. Do khu dân cư gần nhất là xã Quảng Trực của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông nên đồn phải hợp đồng với tiếp phẩm tỉnh bạn, cứ hai ngày tiếp phẩm một lần. Chính vì thế khi chúng tôi chuyển quà của Ban biên tập Báo Bình Phước, của Hội Nhà báo tỉnh gồm những tờ báo xuân Đinh Dậu cùng sách của các tác giả trong đoàn thì cán bộ, chiến sĩ trong đồn rất vui, bởi ở đây ngoài thể dục thể thao thì không có gì để giải trí.
ĐÓN XUÂN NƠI BIÊN ẢI
Chính trị viên Lê Văn Hiền cho biết tết năm nay, đồn quán triệt bảo đảm 70% quân số trực sẵn sàng chiến đấu. Theo lịch trực tết, sau lễ đón giao thừa, anh sẽ được nghỉ tết về nhà tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh và ngày mồng sáu tháng giêng có mặt tại đơn vị. Vì thế anh sẽ tranh thủ đi ngay trong đêm giao thừa. Tôi hỏi đi bằng xe nào? Anh cười, chỉ chiếc xe máy số và bảo xe này! Tôi trố mắt ngạc nhiên vì không thể tưởng tượng anh sẽ chạy xe máy ban đêm trong rừng; càng không tưởng tượng anh chạy về TP. Hồ Chí Minh bằng xe gắn máy. Nhưng anh bảo quen rồi. Đã gần 30 năm từ một chiến sĩ trở thành sĩ quan biên phòng, chuyện đón xuân trong rừng đã rất đỗi bình thường. Vả lại cũng không có sự lựa chọn nào khác, bởi xe nào có thể vào rừng sâu đón khách trong đêm giao thừa!?
Bịn rịn chia tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Đắk Bô, chúng tôi chạy ngược trở ra để đến Đồn Đắk Ka. Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 2 cọc dấu và 15,5km đường biên giới thuộc địa bàn thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập. Đồn biên phòng của Campuchia bên kia biên giới là Đồn Ôrle thuộc huyện Ô Răng, tỉnh Mundulkiri, cách đồn chừng 10km, hằng tháng hai bên vẫn bảo đảm chế độ giao ban định kỳ. Địa thế của Đồn Đắk Ka khá đẹp, nhưng cũng như Đắk Bô, nơi đây toàn đá nên không thể đào, khoan giếng. Vì thế, bộ đội phải dùng nước suối và điện năng lượng mặt trời nên những ngày mưa không có điện. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở Đồn Đắk Ka hơn hẳn Đắk Bô. Khu nhà chỉ huy, nhà ăn, nơi nghỉ và nơi tiếp khách của đồn được xây dựng kiên cố, khang trang. Trước mỗi khu nhà còn có những bồn hoa nhỏ trồng loài hoa chịu hạn tốt là ngũ sắc.
Gần 12 giờ trưa, Đồn trưởng Nguyễn Văn Hoan cùng Chính trị viên Bùi Xuân Kiên mới từ huyện Bù Gia Mập trở về. Kết hợp chuyến công tác, các anh còn cử người tranh thủ sắm tết cho anh em. Hai chậu cúc đại đóa tươi rói được chuyển từ thùng xe bán tải xuống đặt hai bên hội trường khiến không gian bừng sáng hẳn. Mấy chiến sĩ trẻ lăng xăng đi hái sung, hái xoài và đu đủ để bày mâm ngũ quả. Và bữa cơm ngày tết ngoài hai món cá do chiến sĩ tự câu còn có thêm món thịt heo nhà.
Vừa bước chân tới Đồn biên phòng Bù Gia Mập, chúng tôi cảm nhận ngay không khí tết khi chậu mai rừng trong phòng khách đã bung nụ và trên bàn thờ Bác Hồ đã hiện diện mâm ngũ quả. Đồn trưởng Trương Hùng Tín khoe toàn bộ mâm ngũ quả đều là “của nhà”, nghĩa là do bộ đội tăng gia. Khác với Đắk Bô, Đắk Ka, Đồn Bù Gia Mập đứng chân trên một quả đồi đất đỏ pha sỏi nên anh em chiến sĩ có thể trồng thêm nhiều loại cây ăn trái như mãng cầu, vú sữa, xoài, mít...
Chia tay các anh trong buổi chiều cuối năm đầy gió, ai cũng bịn rịn không muốn rời. Chỉ cần vượt quãng đường 170km, chúng tôi sẽ trở về thị xã Đồng Xoài để cùng người thân lo một cái tết sum vầy đầm ấm. Biên ải lùi dần sau lưng cùng những người lính biên phòng ngày đêm lặng lẽ hiến dâng. Anh nhà thơ chợt thốt lên, có đi thế này mới cảm nhận được những gian khó, hy sinh của người lính biên phòng, để mình sống có ý nghĩa hơn!
Đêm giao thừa xuân Đinh Dậu 2017
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065