Một góc Làng Buông chiều cuối năm với những em bé hồn nhiên tạo hình trước ống kính
Lần theo con lộ trải nhựa thẳng tắp nối ra Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Làng Buông thưa thớt bóng người qua lại. Thi thoảng, những xe container chở nông sản nặng đi qua, phá vỡ không gian vắng lặng, yên bình. Đám lá buông hư được người dân đốt ven đường với làn khói mờ ảo khiến chiều biên giới càng buồn mênh mang.
Nằm dọc QL13 nối thẳng ra Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Làng Buông thuộc địa phận 2 xã Lộc Hòa và Lộc Thạnh (Lộc Ninh). Cư dân chủ yếu sống bằng nghề phân loại, bóc tách và phơi lá buông thuê cho các chủ vựa. Cả trăm nóc nhà tạm bợ của người dân được dựng lên bằng dừa nước, mái tôn cũ xỉn màu.
Bãi lá đầu có rất đông dân từ các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Tây Ninh, Đồng Nai về lao động. Công việc ổn định, họ dựng nhà tạm sống qua ngày và sinh con đẻ cái, tạo ra một xóm ngụ cư nằm rải rác bên QL13. “Mấy năm trước, nơi này rất hoang vu. Bây giời thì cuộc sống ổn hơn nên mọi người không về quê. Cứ ở đây chẻ lá, khi nào Nhà nước thu hồi đất thì sẽ tính tiếp” - chị Trần Thị Duyên (29 tuổi) nói.
Chị Duyên quê ở Đồng Tháp, lên đây làm nghề chẻ lá buông đã 10 năm. Vợ chồng chị thức dậy từ 5 giờ sáng bắt đầu chẻ lá, phơi lá, đóng lá... với thu nhập không được ba triệu đồng/tháng. Nhờ siêng năng, tiết kiệm và nuôi thêm gia cầm nên vợ chồng chị Duyên đã dựng được ngôi nhà nhỏ, có xe máy đưa con đi học. Anh Nguyễn Văn Tuấn (chồng chị Duyên) vừa chẻ lá vừa phụ hồ, đi cào mì và làm mọi việc để tăng thu nhập.
Nước sinh hoạt ở đây rất hiếm. Bởi cả xóm mới có vài cái giếng do chủ vựa lá buông đào nên mình phải tiết kiệm mới đủ dùng - chị Trần Thị Út Duyên (30 tuổi) cho biết. Mấy năm nay, nhờ có điện nên vài hộ khá hơn đã sắm được tủ lạnh cùng một số vật dụng khác. Nhờ vậy, cư dân Làng Buông đã thoát được cảnh tù mù của ánh đèn dầu, có tivi để theo dõi tin tức.
Công việc chẻ lá buông của người dân nơi đây tuy không vất vả nhưng thu nhập rất bấp bênh. Vì vậy, trẻ em cũng phải tất tả với cuộc mưu sinh. “Nhà nghèo, nhiều trẻ phải trần mình ra phơi lá lam lũ thiệt thòi nhưng vì cuộc sống nên mọi đứa trẻ đều phải lao động” - anh Lê Hằng Phong (42 tuổi) giải thích. Lũ trẻ Làng Buông thuần thục, rành rẽ từng công đoạn chặt, xé, phơi, thu gom và hơ lửa làm trắng lá buông.
Em Nguyễn Tấn Linh (14 tuổi) cùng 4 chị em của mình theo cha mẹ từ Biển Hồ - Campuchia về đây sinh sống đã 6 năm. Tấn Linh đã nghỉ học, gắn bó với công việc chẻ lá buông từ 5 giờ sáng tới 18 giờ. “Con làm riết rồi quen, không thấy mệt nữa. Đôi khi con cũng buồn vì không được đi học. Nhưng vì điều kiện gia đình nên con mong các em được đi học, biết chữ nhiều chắc đỡ khổ hơn” - Linh thẫn thờ nhìn ra khoảng trời chang chang nắng.
Ở Làng Buông có rất nhiều trẻ em chẻ và phơi lá buông. Mỗi em một hoàn cảnh, có em ở với gia đình, có đứa thiệt thòi hơn khi cha mẹ ly hôn, phải theo người thân lên biên giới kiếm sống. Như em Nguyễn Tấn Tài (13 tuổi), quê ở Trà Vinh phải theo người bà con lên làm thuê.
Cuối năm, ai cũng hối hả với công việc, trẻ em Làng Buông háo hức đợi tết về để có manh áo mới. Nguyễn Tấn Tài hy vọng tết này được về thăm quê.
Nhật Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065