TỪ VÙNG ĐẤT KHÓ
Ở Bình Phước, khi nhắc đến làng bè, nhiều người sẽ liên tưởng tới những khu dân cư đầy khó khăn của người di cư tự do từ Campuchia về và người dân ở đây thì thiếu thốn trăm bề, nhà tạm, đèn dầu, sống phụ thuộc sông nước... Thế nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Diện mạo làng bè giờ đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ sống phụ thuộc vào con tôm, con cá dưới sông, đánh bắt theo lối tận diệt, những năm gần đây họ đã biết tính xa, trông rộng. Những phương tiện đánh bắt cá như kích điện, thuốc nổ hay vó, đáy, đú mắt nhặt dùng bắt từ những con cá bằng đầu đũa đã được thay bằng dụng cụ đánh bắt cá lớn, chừa cá nhỏ để mùa sau. Đường vào các làng bè dù chưa trải nhựa hay bê tông nhưng đã được san ủi thẳng tắp, xe du lịch có thể lưu thông thuận tiện cả mùa mưa, nắng. Và làng bè như biến thành làng du lịch sông nước khi màn đêm buông xuống, bởi hàng trăm bóng đèn điện thắp sáng rực một vùng.
Cá chình - một trong những đặc sản của vùng sông nước ở Bình Phước
Chúng tôi về một số làng bè ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập vào những ngày gần tết Nguyên đán Đinh Dậu. Cảnh đìu hiu sông nước năm nào đã được thay thế bằng râm ran tiếng cười vui của kẻ mua người bán, tiếng í ới gọi nhau đưa khách ra nhà bè vui chơi và thưởng thức những món đặc sản từ sông nước. Cách đây 4-5 năm, người dân làng bè rơi vào cảnh lao đao khi “ôm giấc mộng đổi đời”. Nhiều người đã liều đổ tất cả tài sản để nuôi cá điêu hồng trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn, nhưng không biết vì sao cá chết hàng loạt. Có người nói cá chết do nguồn nước thiếu ôxy hoặc do chứa nhiều tạp chất. Giấc mộng đổi đời theo những con cá ra đi. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của thiên nhiên không làm nản lòng những người gắn bó với sông nước nhiều đời nay. Họ gây dựng lại từ những manh lưới rách, chiếc xuồng không mái che nắng, mưa và bắt đầu xây dựng làng bè du lịch. Trải qua thời gian khó khăn, nhiều người đã trở thành chủ nhà bè rộng lớn hay những chủ vựa cá khô nước ngọt có tiếng. Tiên phong có bà Sướng Loan, ông Sơn Nhung, ông Bảy Tiên... Mỗi người có một lối đi riêng nhưng điểm chung là họ đã có hướng phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với xu hướng chung của xã hội và ít rủi ro.
ẤN TƯỢNG NHÀ BÈ
Từ thị xã Đồng Xoài vượt quãng đường 70km thảm nhựa láng o và khoảng 4km đường sỏi đỏ sẽ đến làng bè ở xã Phước Minh. Không khí làng bè luôn trong lành, mát mẻ nhờ hơi nước từ lòng hồ thủy điện Cần Đơn bốc lên. Cho dù bạn đến các làng bè vào mùa khô, giữa tiết trời oi bức thì vẫn có cảm giác thoải mái. Cảnh vật nơi đây sẽ đưa bạn trở về tuổi thơ với những buổi trưa hè ra sông ngụp lặn. Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, một bầu không khí mát lạnh bao trùm, nhìn xa xa là những chiếc thuyền của ngư dân buông lưới, thả đú, đặt lờ... Tất cả tạo nên một không khí vừa lãng mạn vừa gần gũi thiên nhiên.
Đến nhà bè Sơn Nhung, bạn sẽ được bước trên những chiếc cầu gỗ bập bênh rồi đặt chân lên nhà bè vững chắc. Còn đến với nhà bè Sướng Loan, bạn được ngồi ghe khoảng 5 phút chạy quanh làng bè mới đến điểm dừng chân. Chỉ 5 phút ngồi ghe nhưng bạn sẽ quan sát tường tận cảnh sống trên sông nước của người dân nơi đây. Chúng tôi đến nhà bè Sướng Loan vào lúc trời chập tối. Bến là một bãi đất trống rộng, cỏ mọc thưa thớt. Trên 5-7 khúc gỗ có đường kính vài mét là lũ trẻ làng bè đang đùa nghịch. Khách đến, ghe của nhà bè cập bến chở khách. Cảnh về chiều thật êm đềm, vài đứa trẻ thả chân chạm mặt nước đung đưa, tay bưng tô cơm vừa ăn vừa đưa mắt nhìn theo chúng tôi một cách thích thú. Có lẽ chúng hiểu rằng, khách đến với nhà bè Sướng Loan cũng như đến với nhà mình. Bởi cha mẹ các em làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ về bán cho các nhà bè. Khách đến đông đồng nghĩa cha mẹ bán được tôm, cá giá cao và sẽ lo cho các em có cuộc sống đầy đủ hơn.
Du khách cập bến nhà bè Sướng Loan để được tận hưởng những món đặc sản sông hồ và ngắm nhìn cảnh đẹp về đêm
Còn đến với các nhà bè trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn, du khách sẽ được tận hưởng những món đặc sản đánh bắt tự nhiên như cá lăng đuôi đỏ, cá chình, cá bống hay tôm, tép và được chế biến theo yêu cầu của thực khách. Hiện du khách đến ngày một đông nên chủ nhà bè xây bể và thu mua cá của ngư dân đánh bắt từ lòng hồ để dự trữ. Hôm chúng tôi đến, trong bể của nhà bè Bảy Tiên có gần chục con cá lăng đuôi đỏ nặng từ 3-7kg/con, chục con cá chình nặng từ 3-5kg/con... Đặc biệt là tôm sông nặng khoảng 100g/con, càng rong rêu phủ xanh rất hấp dẫn. Ông Bảy Tiên khẳng định, đây là những sản vật được ngư dân đánh lưới, đặt đú, lờ trên lòng hồ bắt được. Mua tận gốc nên giá bán cũng dễ chịu.
CẦN MỘT ĐIỂM TỰA
Để có thêm sản phẩm phục vụ du khách, nhiều hộ đã làm khô cá lóc, cá lăng, cá kìm... một nắng hay phơi khô hoàn toàn là những món quà tuyệt vời cho người thân, bạn hữu. Các loại cá khô đều được đánh bắt từ lòng hồ. Khi mua cá, du khách được tư vấn cách chế biến khá tận tình để có được những món ăn ngon.
Với tấm lòng mến khách, sự thật thà, chất phác trong mua bán đã tạo cho chúng tôi cảm giác thoải mái khi đến làng bè ở Phước Minh. Đến đây, muốn ăn con tôm, con cá, du khách được cầm vợt chọn và giám sát từ khâu chế biến đến khi lên đĩa. Muốn mua khô, bạn được xem quy trình chế biến từ những chú cá tươi sống đến khi cho vào tủ bảo quản... Nhưng ấn tượng hơn hết là không gian nơi đây hết sức lý tưởng cho những chuyến hẹn hò, những bữa cơm gia đình thân mật đến tiếp khách hay đối tác làm ăn. Vì thế, việc vượt quãng đường dài đến làng bè để được ăn ngon, ngắm cảnh đẹp, hít không khí trong lành cũng đáng. Tuy nhiên, nhiều nhà bè, đặc biệt là những nhà bè trên hồ thủy điện Cần Đơn đang hình thành dịch vụ kinh doanh tự phát, chưa có chuỗi liên kết để quảng bá, giới thiệu đến du khách. Dịch vụ cũng mới dừng lại ở khâu ăn uống và bán cá khô nên cần sự đầu tư đúng tầm để khai thác hết thế mạnh, tiềm năng của vùng sông nước này.
Chúng tôi rời các làng bè trong tâm trạng vui buồn khó tả. Vui vì người dân nơi đây đang có cuộc sống sung túc hơn và đã biết tận dụng tiềm năng mặt nước tại các lòng hồ thủy điện để phát triển kinh tế. Và buồn vì chưa có đơn vị nào đứng ra tập hợp, liên kết các nhà bè nhỏ lẻ thành những chuỗi nhà hàng nổi để vừa kinh doanh du lịch vừa quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065