Bình Phước hiện có 181.957 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm tỷ lệ 19,7% số dân toàn tỉnh. Dân tộc Xêtiêng đông nhất với 86.317 người, Khơme 16.456 người và Mơnông 9.084 người. Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh gặp gỡ đồng bào Khơme xã Nha Bích (Chơn Thành)
THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO DTTS
Cùng với sự hiện diện của đồng bào các dân tộc bản địa, còn có một lực lượng đông đảo của gần 40 dân tộc thiểu số từ Bắc chí Nam sống xen kẽ, rải rác khắp các huyện, thị và tập trung nhiều ở những địa bàn vùng sâu, vùng biên giới, là những địa bàn trọng yếu, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh nhưng các điều kiện kinh tế - xã hội thường kém phát triển. Ngoài sự khác biệt về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc, đa số đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đều là tín đồ của các tôn giáo, trong đó phần lớn đồng bào bản địa theo đạo Tin Lành với khoảng 20 hệ phái khác nhau. Bên cạnh đó, trình độ dân trí vùng đồng bào DTTS còn thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ. Trong sản xuất và đời sống, một bộ phận không nhỏ đồng bào thiếu khả năng lo liệu cuộc sống, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo và có dấu hiệu mất định hướng phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn rất cao. Năm 2013, toàn tỉnh còn 5.807 hộ nghèo với 24.637 nhân khẩu là người DTTS, chiếm 44% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, trong đó đồng bào Xêtiêng nghèo có 3.842 hộ, đồng bào Khơme nghèo có 596 hộ và đồng bào Mơnông nghèo 206 hộ. Từ vấn đề nghèo đói sẽ gây ra những bất ổn trong vùng đồng bào DTTS như tình trạng bán điều non, vay nặng lãi, cầm cố đất sản xuất, thậm chí nhiều hộ cầm cố luôn cả nhà ở từ chính sách hỗ trợ...
DỄ BỊ LÔI KÉO
Chính những điều kiện khách quan và chủ quan nêu trên khiến vùng đồng bào DTTS, vùng giáp biên trở thành môi trường, thành địa bàn hoạt động lý tưởng của những phần tử tiêu cực, những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước ta. Và trong thực tế, ở những địa bàn vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS sinh sống, tình trạng phá rừng làm rẫy, xâm canh trái phép đất rừng diễn ra khá phổ biến. Từ khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 33 về thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để thực hiện Chương trình 134 và tạo quỹ đất thực hiện chính sách an sinh xã hội, những phần tử cơ hội đã xúi giục, lôi kéo đồng bào tổ chức khiếu kiện đông người, vượt cấp nhằm trục lợi và gây bất ổn cho an ninh trật tự địa phương. Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn các huyện có diễn ra việc thu hồi đất như Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Gia Mập đã xảy ra 22 nhóm khiếu kiện đông người. Các nhóm này đã 2 lần khiếu kiện vượt cấp tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thi thoảng vẫn kéo nhau về khu trung tâm hành chính tỉnh để phản đối việc thu hồi đất.
Lễ hội Lên nhà lúa của đồng bào Xêtiêng sóc Ông Nắng, ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện (Lộc Ninh)
ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN,
THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH DÂN TỘC
Để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống, trên cơ sở đó ổn định an ninh trật tự, cùng với thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách đối với vùng sâu, vùng biên giới, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Hình thức tuyên truyền phổ biến là phát hành bản tin hàng tháng của các Sở Tư pháp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân... đến các già làng, trưởng thôn sóc, các chức sắc, chức việc tôn giáo. Những bản tin này kịp thời cung cấp những thông tin cần thiết về cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định cụ thể của địa phương về các lĩnh vực; phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật về sản xuất, đời sống, phòng chống dịch bệnh, dịch hại, quản lý bảo vệ rừng... Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức các đợt công tác lưu động, trong đó đặc biệt quan tâm đến các xã vùng sâu, vùng dân tộc, biên giới; phối hợp với Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và chính quyền các xã vùng biên tuyên truyền Nghị định 34 của Chính phủ về Quy chế biên giới. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho cán bộ làm công tác dân tộc và già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Hằng tháng, Báo Bình Phước đều phát hành tờ Tin ảnh dân tộc với hình thức tuyên truyền chủ yếu bằng hình ảnh để cung cấp miễn phí cho cán bộ từ cấp xã đến thôn, ấp vùng dân tộc. Ngành văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực quan như treo băng rôn, khẩu hiệu, pa-no, áp phích, diễu hành xe hoa lưu động hoặc lồng ghép tuyên truyền bằng băng hình qua các buổi chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng dân tộc, biên giới.
Từ sự phối hợp giữa các ngành trong công tác tuyên truyền, số người trong cộng đồng các dân tộc thiểu số được tiếp cận thường xuyên với các chế độ, chính sách Nhà nước, các quy định của địa phương ngày càng tăng. Đồng bào hiểu và có ý thức ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, tố giác tội phạm, góp phần tích cực bảo vệ an ninh trật tự địa phương, áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Số hội viên là người dân tộc thiểu số tham gia các tổ chức, đoàn thể và được hỗ trợ ngày càng nhiều.
CẦN KHƠI DẬY LÒNG TỰ HÀO DÂN TỘC
Tuy nhiên, do những hạn chế về thể chất, trình độ dân trí, phong tục tập quán, thói quen của đồng bào các DTTS, nhất là số đồng bào bản địa và đội ngũ tuyên truyền viên không biết tiếng, không hiểu rõ phong tục tập quán của đồng bào nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Bên cạnh đó, hệ thống dân vận, tuyên giáo các cấp chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chưa có giải pháp để phân hóa các đối tượng cầm đầu lôi kéo, xúi giục đồng bào DTTS tham gia khiếu kiện đông người, vượt cấp; việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS còn chậm và nhiều bất cập...
Từ tình hình thực tế đã nêu, cùng với triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào, cần phải tạo các điều kiện thuận lợi để nâng cao dân trí vùng dân tộc; đổi mới cả nội dung và hình thức để các nội dung tuyên truyền cho đồng bào thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh đó là khơi gợi trong lực lượng già làng, trưởng thôn, ấp là người dân tộc thiểu số, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số lòng tự tôn dân tộc để họ tuyên truyền, động viên đồng bào tự vươn lên.
Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 8 vừa qua là HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua nghị quyết đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Với nghị quyết này, Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh sẽ tạo cơ hội thuận lợi để đồng bào DTTS được nâng cao dân trí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ đời sống, sản xuất để vươn lên giảm nghèo bền vững. Đó chính là tiền đề, là cơ sở quan trọng thể hiện việc nói đi đôi với làm trong thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào, trên cơ sở đó để ổn định an ninh chính trị trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065