TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT
Việc gây nuôi động vật hoang dã ở địa bàn thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản do Hạt kiểm lâm Bình Long - Hớn Quản quản lý. Theo quy định, khi gây nuôi, các hộ phải được ngành kiểm lâm thẩm định nguồn gốc, cấp phép; các loại động vật quý hiếm phải đăng ký với hạt kiểm lâm cấp huyện. Để quản lý tốt các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, hạt đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, ngành chức năng nắm chắc tình hình các cơ sở gây nuôi. Khi cơ sở đủ điều kiện sẽ được thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi. Hạt cũng kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nhằm đưa hoạt động gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn đi vào nền nếp.
Một cơ sở nuôi rắn hổ vện (hổ trâu) ở ấp Hưng Lập, xã Tân Hưng (Hớn Quản)
Thực hiện chức năng quản lý, hạt cũng thường xuyên kiểm tra, lập sổ theo dõi số lượng, diễn biến quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại phù hợp, chấp hành nghiêm thủ tục hành chính liên quan đến vật nuôi, tuyệt đối không để vật nuôi sổng chuồng, nghiêm cấm hành vi săn bắt động vật hoang dã từ tự nhiên về gây nuôi, ngăn cấm vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã.
Gây nuôi động vật hoang dã từng đem lại thu nhập cao cho nhiều người. Tuy nhiên, khi không còn hiệu quả kinh tế như trước, vật nuôi lại trở thành gánh nặng với chính chủ nhân của chúng. Hiện một số trại nuôi động vật hoang dã trong tỉnh đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đa số cơ sở gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã trên địa bàn mang tính tự phát, manh mún, chạy theo thị trường. Khi nhu cầu của thị trường bão hòa, sản phẩm lại không có đầu ra. Vì thế, trước khi quyết định phát triển kinh tế theo hướng này, hộ chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ từ quy định hành chính đến kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm. Cách đây khoảng 5-7 năm, nhiều hộ đã giàu lên nhờ bán nhím giống, nhím thịt. Nhưng sau đó, một số hộ bỏ ra cả trăm triệu đồng mua nhím lại rơi vào thời điểm thị trường tiêu thụ nhím không còn thịnh dẫn đến làm ăn thua lỗ.
Một cơ sở nuôi rắn hổ vện (hổ trâu) ở ấp Hưng Lập, xã Tân Hưng (Hớn Quản)
Cán bộ Hạt kiểm lâm Bình Long - Hớn Quản cho rằng, các loại rắn hổ mang, hổ trâu... hiện vẫn đang được nuôi với số lượng lớn. Nếu không được quản lý chặt sẽ có nguy cơ sổng ra ngoài, gây nguy hiểm cho con người và vật nuôi khác, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vì vậy, công tác tuyên truyền, quản lý gây nuôi động vật hoang dã luôn được hạt chú trọng. Đối với các loài động vật nguy cấp đặc biệt như gấu vẫn đang được theo dõi, quản lý chặt chẽ để cùng với hộ gây nuôi bảo vệ, bảo tồn những cá thể, nguồn gen quý hiếm.
CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ, BẢO TỒN
Gây nuôi sinh sản động vật hoang dã mang lại nhiều mặt tích cực như: bảo tồn nguồn gen, hạn chế đánh bắt từ tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt sẽ xảy ra tình trạng buôn bán trái phép, đặc biệt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người tại cơ sở gây nuôi động vật hoang dã hung dữ và nhân dân trong khu vực.
Địa bàn Bình Long - Hớn Quản hiện có 51 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đăng ký theo quy định với 3.833 cá thể. Các loài chủ yếu gồm: gấu ngựa, khỉ, rắn, trăn, nhím, nai, hươu, cầy vòi hương... Các trang trại nuôi động vật hoang dã đều đảm bảo theo quy định của pháp luật. Trong số các cơ sở đăng ký có 12 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, hung dữ (chiếm 23,5%) và 39 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thông thường (chiếm 76,5%). |
Nhận thức được tầm quan trọng cũng như nguy hiểm của động vật hoang dã nên hạt luôn chủ động quản lý, bảo vệ, bảo tồn, đưa động vật hoang dã vào tầm kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được ghi sổ theo dõi đầy đủ. Hạt thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất. Chuồng trại phải an toàn, phù hợp với đặc tính của loài vật nuôi và năng lực sản xuất của trại. Về vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh và kiểm tra việc ghi chép sổ sách theo dõi nhập, xuất được thực hiện đúng quy định.
Ông Phạm Thanh Hải, cán bộ Thanh tra pháp chế, quản lý động vật hoang dã cho biết: Để gây nuôi động vật hoang dã phát triển tốt cần có sự tuyên truyền nhiều hơn nữa về pháp lý, cung cấp cho các hộ nuôi về kỹ thuật, thông tin thị trường... Nuôi động vật hoang dã là cách phát triển kinh tế nông nghiệp hoàn toàn mới nên cần nắm rõ quy định của nhà nước, có sự đầu tư vốn, kiến thức về đặc tính của loài vật nuôi, có định hướng rõ ràng. Như thế phong trào gây nuôi động vật hoang dã mới đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Hữu Dụng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065