BP - Thời tôi còn học cấp I, mỗi khi thực hiện giấy tờ gì thì trước hết đều viết tiêu ngữ: “Việt Nam dân chủ cộng hòa. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đến năm 1976, trong không khí hào hùng của những ngày giang sơn thu về một mối, cộng với những yếu tố khách quan của thời đại, Quốc hội đã thống nhất đổi tên nước ta thành “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Từ đó đến nay, tiêu ngữ trên các loại giấy tờ đã được thay đổi từ “Việt Nam dân chủ cộng hòa” thành “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, nhưng cụm từ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” thì vẫn không thay đổi. Dòng tiêu ngữ gồm 6 chữ đơn giản đó luôn xuất hiện cùng quốc hiệu Việt Nam trong suốt 70 năm qua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 - Ảnh tư liệu
Với một số người trẻ hôm nay, đôi khi họ gõ dòng tiêu ngữ ấy trên các loại giấy tờ cá nhân một cách hời hợt mà không biết rằng chỉ 6 chữ đơn giản ấy thôi nhưng là “ham muốn tột bậc” của người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là cái đích mà Người đặt ra và suốt đời cống hiến, hy sinh. Vì 6 chữ đơn giản ấy, biết bao máu xương của các thế hệ người Việt đã đổ xuống mới giành được.
Vì sao lại là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc? Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: Nếu nước độc lập mà người dân không được tự do thì độc lập ấy cũng chẳng để làm gì. Bởi tự do là tài sản quý giá và vĩnh hằng của con người. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, ba phạm trù ấy luôn đi liền với nhau, cái này là tiền đề, là điều kiện của cái kia và tạo thành chuỗi logic rành mạch, không thể tách rời. Bởi không có độc lập thì rất khó có tự do, mà không có tự do thì làm gì có được hạnh phúc. Tất nhiên, mỗi người có quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Có người cho rằng chỉ cần có thật nhiều tiền là hạnh phúc, không cần độc lập, cũng chẳng cần tự do. Chính vì lẽ đó mà sau năm 1975, khi đất nước vào thời kỳ khó khăn do khủng hoảng kinh tế, đã có một làn sóng người Việt bí mật rời khỏi đất nước để đến phương Tây. Họ ra đi để tìm “cái gọi là tự do”, tìm cuộc sống sung sướng ở nơi được coi là miền đất hứa không nằm trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ xưa tới nay, độc lập luôn là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Khát vọng ấy đi theo dân tộc ta từ thời các vua Hùng dựng nước. Và chúng ta gọi bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của người anh hùng Lý Thường Kiệt sau cuộc kháng chiến chống quân Tống là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Rồi trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh, anh hùng Nguyễn Trãi đã viết “Bình Ngô đại cáo”, cũng là một bản tuyên ngôn độc lập. Và đến giữa thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố với đồng bào cả nước và nhân dân toàn thế giới Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam mới - Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đó đến nay, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc luôn được Đảng ta xác định là mục tiêu hướng tới. Giá trị của độc lập, tự do thì đã rõ. Còn hạnh phúc, cho dù mỗi người một quan niệm như đã nói ở trên và quan niệm về hạnh phúc mỗi thời mỗi khác. Nhưng dù thời nào, quan niệm về hạnh phúc khác nhau đến mức nào thì cũng không thể bỏ qua được những điều phổ quát nhất. Đó là con người ta chỉ hạnh phúc khi được thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của mình; là khi mọi người dân được thực hiện đầy đủ quyền công dân của mình trong một đất nước độc lập, dưới một nhà nước bảo đảm cho họ được quyền tự do, dân chủ, nhất là tự do về tư tưởng.
Suốt 70 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vẫn đang thực hiện điều giản dị mà trước lúc đi xa Bác Hồ kính yêu vẫn mong mỏi. Đó là “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Rất nhiều chính sách nhân đạo, nhân văn; rất nhiều chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước ta từ trước tới nay hướng đến người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế trong xã hội... là để tất cả mọi người dân sống trên đất nước Việt Nam đều được hạnh phúc.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, việc đưa đất nước phát triển gắn với gìn giữ độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân không hề đơn giản. Chúng ta sẵn sàng mở cửa đón chờ những cơ hội lớn nhưng không thể chấp nhận những điều kiện, những yếu tố đe dọa đến tự do, độc lập. Điều đó đòi hỏi sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong thời kỳ mới. Từ đó hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình đất nước và xu thế phát triển của thời đại.
Dịp kỷ niệm 70 năm ngày đất nước ta giành độc lập diễn ra trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII càng có ý nghĩa trọng đại. Thấu hiểu ý nghĩa lớn lao và thiêng liêng của độc lập, tự do càng thôi thúc chúng ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, không ngừng học tập, lao động, sáng tạo đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đảm đương trọng trách lịch sử giao cho. Tiếp tục dựng xây đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc là chúng ta đang làm sáng lên Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Bác Hồ kính yêu.
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065