Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình và làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Nhiều ý kiến khác nhau về phân loại rừng
Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), các đại biểu đánh giá việc sửa đổi Luật là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và phát triển ngành lâm nghiệp bền vững; thể chế hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên, đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng một số nội dung còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật liên quan về Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đầu tư. Vì thế, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về phạm vi điều chỉnh, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà Việt Nam là thành viên.
Về vấn đề phân loại rừng (Điều 5), đa số ý kiến đồng tình với quy định 3 loại rừng như trong dự án Luật gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nêu rõ, việc phân loại như vậy là phù hợp, thuận tiện cho sắp xếp tổ chức trong ngành lâm nghiệp cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về đầu tư, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, đổi mới và phát triển rừng quốc gia.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cách phân loại như trên chưa thực sự phù hợp cho quản lý và mang tính khoa học cao.
Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cho rằng quy định như dự án Luật mới đề cập đến phân loại rừng theo mục đích sử dụng rừng thuần túy về kỹ thuật của ngành lâm nghiệp mà chưa rõ tính chất sử dụng đặc thù của rừng gắn với chủ thể, chủ rừng là cộng đồng dân cư các dân tộc như rừng tâm linh, tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng biên giới...
Đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) đề nghị chỉ nên phân loại thành 2 loại rừng: Rừng bảo vệ và rừng kinh tế, trong đó rừng bảo vệ gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, còn rừng kinh tế là rừng trồng, sản xuất.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Man, việc quy định như vậy phù hợp với phân loại của nhiều nước trên thế giới, thuận lợi trong hợp tác quốc tế và trong việc thực hiện quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, việc phân chia rừng bảo vệ và rừng kinh tế rất dễ hiểu, tránh việc người dân không hiểu biết, vi phạm pháp luật.
"Mặt khác, việc phân loại thành 3 loại rừng như dự án Luật buộc phải có các cơ chế, chính sách, mô hình khác nhau theo việc quản lý, bảo vệ, sử dụng phù hợp với từng loại rừng trong khi bản thân mỗi loại rừng đều hàm chứa các chức năng là phòng hộ, đặc dụng và sản xuất," đại biểu Nguyễn Văn Man nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng để người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, dự án Luật chỉ nên phân loại thành rừng bảo vệ và rừng sản xuất. Trong rừng bảo vệ có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và một số rừng đặc chủng theo biên giới. Nội dung này cần được quy định rõ trong dự án Luật để Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chính xác.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết mục đích phân loại rừng là tạo khung pháp lý cho công tác quy hoạch, hoạch định chính sách quản lý rừng có hiệu quả, phù hợp với chức năng cơ bản của các khu rừng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của hệ thống pháp luật, nhất là chế định về phân loại đất tại Luật Đất đai. Việc thay đổi phân loại rừng chắc chắn sẽ gây xáo trộn về cơ chế quản lý, đòi hỏi phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan và phải mất nhiều năm mới ổn định. Một số khu rừng phòng hộ chuyển thành rừng bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vì lý do bảo vệ, bảo tồn rừng.
Nghiên cứu pháp luật quốc tế cho thấy, việc phân loại rừng rất khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của quốc gia đó và các tổ chức quốc tế không khuyến nghị quy định phân loại rừng chung đối với các quốc gia.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thể chế hóa quy định rừng biên giới, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư để bổ sung, hoàn thiện luật trong thời gian tới,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Làm rõ chính sách về bảo vệ và phát triển rừng
Các đại biểu Quốc hội đánh giá để khuyến khích, hỗ trợ chủ rừng, đặc biệt đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ trồng rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, giao khoán việc bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua thời gian thực hiện, các chính sách này đã phát huy tác dụng, cần được xem xét luật hóa. Vì thế, trong dự án Luật này cần bảo đảm quy định được các chính sách cụ thể về bảo vệ và phát triển rừng, tránh quy định mang tính chung chung như tại Khoản 3 Điều 64, Điều 79 và Điều 89.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi trong việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số quy định cụ thể trong dự thảo Luật về chính sách đối với bảo vệ và phát triển rừng; xem xét bổ sung quy định để người dân sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được chia sẻ những lợi ích từ rừng, như tham gia bảo vệ rừng và được hưởng các lợi ích của chính sách bảo vệ và phát triển rừng, có quyền tiếp cận rừng, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm trồng xen dưới tán rừng… nhưng không làm ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học rừng.
Nhấn mạnh cuộc sống của người dân gắn chặt với rừng, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) cho rằng chỉ khi nào người dân thấy bảo vệ rừng đảm bảo cuộc sống của họ thì rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Thực tế, khi Nhà nước thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng thì rừng đã xanh tươi trở lại.
Theo đại biểu Mùa A Vảng, các quy định như trong dự án Luật là chưa đủ, chưa khuyến khích và chưa nâng cao trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ rừng; cần quy định cụ thể hơn chính sách của Nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, đại biểu Mùa A Vảng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ rừng, tái sinh rừng tự nhiên đồng thời giao Chính phủ quy định chính sách đặc thù cho vùng, miền để bảo vệ tốt rừng, khu vực xung yếu, biên giới và khu vực cung cấp các nguồn nước chính cho các thủy điện lớn”.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, dự án Luật không có điều khoản quy định riêng về chính sách Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng mà quy định rải rác ở các nội dung khác nhau. Vì thế đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị dự án Luật cần có điều khoản quy định riêng về vấn đề này và bổ sung thêm những nội dung còn thiếu như ưu tiên đầu tư, khuyến khích chính sách khoa học công nghệ, chính sách đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số là những người gắn bó mật thiết với rừng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tán thành quan điểm này, đại biểu Võ Đình Tín cho rằng trong thời gian qua có nhiều bất cập trong quản lý, phát triển và bảo vệ rừng, đặc biệt cơ chế phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc còn hạn chế. “Vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng rất hiệu quả, nhưng dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) chưa quy định vấn đề này. Do vậy, "đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp về việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo cho đồng bào có thể sống được bằng nghề rừng,” đại biểu Võ Đình Tín nhấn mạnh.
Trước đó, với 83,1% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm hai Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đối với ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065