Càng nghĩ, chị càng thấy cái câu “làm ơn mắc oán” sao cứ vận vào mình. Mỗi lần chị ngồi ngẩn ngơ với cái ý nghĩ đó, anh đi ngang, thòng một câu: “Đọc hoài nên nó vận vô người đó!”. Chị nguýt dài, nhìn theo bóng ông chồng, lại nghĩ, lấy oán trả ơn chị nhiều nhất, chính là cái nhà này, mà cụ thể là ổng - ông chồng đó chớ ai!
Từ Tết tới giờ, hễ đi ngang cái tủ quần áo là anh lại liếc chị một cái: “Cái tủ muốn nổ rồi, bà liệu mà dọn hết ra đi!”. Mười mấy năm nay, cái tủ quần áo luôn là đề tài cãi vã của hai vợ chồng. Từ trước Giáng sinh, chị ra đường cứ phải dáo dác nhìn, thấy chỗ nào bán đồ nam đẹp là mua cho anh mặc Tết. Tết mà, phải bận mỗi ngày mỗi bộ, lại phải đồ màu sáng, trong khi đồ anh cái nào cũng xám xịt. Thế là chị mua bốn, năm cái áo sơ mi, rồi quần, rồi áo ấm... Khổ nỗi, cái nào anh cũng chê õng chê eo, còn kết tội vợ lãng phí, rỗi hơi. Chị vừa tức, vừa tủi. “Anh tưởng đi mua quần áo sướng lắm hả? Tưởng tui thừa tiền hả?”. Nói tới đó là chị rấm rứt khóc. Anh nhẹ giọng, “khổ vậy thì từ nay đừng phí sức nữa”. Chị càng ức, dỗ dành gì mà như tát nước vô mặt. Chị giận không nói năng mấy ngày, anh xuống nước, hứa sẽ mặc hết số quần áo vợ mua mới yên chuyện. Tết, sáng anh thức dậy đã thấy một bộ quần áo màu mè ủi phẳng lì, treo sẵn. Anh đau khổ mặc vào, đi tới đâu cũng nhìn trước ngó sau, sợ người ta đàm tiếu cái… màu áo. “Thực hiện” được hai ngày, anh chịu hết nổi. Ngày mùng Ba anh “thất hứa”, lôi mấy cái áo xám xịt ra mặc, phớt lờ ánh mắt thảng thốt của vợ: “Mặc vầy, tui mới tự tin!”. Tới lượt chị sa sầm. Anh chán, không buồn đi đâu nữa. Nhưng, càng nghĩ anh càng ức. Chuyện quần quần áo áo, bao nhiêu năm nay mỗi lần vợ mua đồ mới về là mỗi lần sinh chuyện, sao vợ không chừa? Chị không được hưởng ứng, thì trách chồng không quý công vợ, không biết “sang vì vợ”, nhiều lúc chị còn nửa giỡn nửa thật, mỉa mai anh là “đồ cùi bắp”.
Anh “cùi bắp”, phụ lòng chị đã đành, đến cha mẹ chồng cũng chẳng trân trọng tình cảm của con dâu. Ngày chị về làm dâu, anh mới ra trường đi làm được hai năm, nhà chồng còn khó khăn vì phải nuôi hai đứa em anh đi học. Cái khó chia đều cho cả nhà, ai cũng phải tằn tiện đắp đổi qua ngày. Giờ, kinh tế khá hơn, chị muốn bù đắp cho cha mẹ nên chăm chút từng bữa ăn. Những “món ruột” của cha mẹ bị xóa sổ hết. Nào thịt mỡ, mắm tôm, nào cá vụn kho mặn, chị bỏ hết. Thịt mỡ không tốt cho tim mạch, mắm tôm không vệ sinh dễ gây ngộ độc, các món mặn thì gây hàng trăm căn bệnh khác... Cha mẹ chồng bị chị thuyết phục, cũng ráng tập ăn mấy món nhạt thếch, vì sức khỏe. Chị đang tự hào vì cuộc “cách mạng” đó thì phát hiện, những lúc chị đi vắng, mẹ chồng lại ra chợ mua mắm tôm về ăn, xóa sạch dấu vết trước khi chị về. Lần đầu phát hiện, chị kiên nhẫn giảng lại một bài về những món ăn gây hại cho sức khỏe, mẹ chồng lại gật gù “mẹ biết, mẹ biết”. Nhưng, chẳng vì “mẹ biết” mà mẹ thay đổi. Thỉnh thoảng mẹ lại tự ra chợ mua miếng thịt mỡ về kho, rồi lấp liếm: “Lâu lâu mới ăn một lần, chắc chẳng chết được”. Chị đang sốt ruột, chỉ chờ có vậy là “xả” một tràng, rằng là dù chỉ một xíu cũng hại, rằng đã kiêng thì phải kiêng tới cùng… Mẹ chồng vuốt mặt không kịp, chờ con dâu nói xong, bà cắp cái nồi đi một hơi, vừa đi vừa nói: “mẹ làm, mẹ chịu…”. Chị thả miếng cá chim đang định rã đông xuống sàn nhà, thẫn thờ nhìn theo. Mấy chữ mẹ vừa thốt ra như đã đem bao công sức của chị đổ sông đổ biển.
Ngồi điểm những “bất hạnh” của mình, chị lại nhớ chuyện “vô ơn” của em chồng. Ngày đó, em chồng thi rớt đại học ngành văn, đúng thời điểm chị mới về làm dâu. Chị an ủi: “Trong rủi có may, em mà học ngành đó, sau này biết làm gì ăn!”. Rồi, chị tìm cách đăng ký cho em chồng đi học một lớp công nghệ thông tin, để sau này sắp xếp cho nó một chân IT ở công ty gia đình chị. Em chồng đang buồn, cứ thế xuôi theo tính toán của chị dâu. Giờ, em chồng đã ổn định công việc, cả nhà ai cũng mừng, chỉ riêng “nhân vật chính” là suốt ngày ngẩn ngơ, chẳng buồn phấn đấu, tiến thân, lâu lâu lại nghỉ việc, xách đàn đi trại sáng tác. Ngày xưa, chị em còn gần gũi, em thủ thỉ tâm sự, chị từ tốn khuyên răn. Giờ, chị lân la lại gần, hỏi được mấy câu thì mất hứng vì em chồng chẳng hào hứng chuyện trò. Chị nghĩ mà buồn, sao nhà chồng đi đâu cũng khen chị giỏi giang, mà về nhà lại đối xử với chị như thế?
Đang ngồi than thân trách phận, chị nghe mấy cái loa ở bốn góc nhà vang lên một khúc nhạc đồng quê nước ngoài. Anh đẩy cửa phòng, ló đầu vào: “Nghe nhạc giải sầu hen bà thần quần áo!”. Chị vùng vằng: “Anh tắt ngay giùm em đi!”. Anh làm bộ buồn rầu: “Sao em than buồn? Em buồn anh mới mở nhạc mà, đúng là… làm ơn mắc oán!”. Chị cãi: “Ở đâu ra cái kiểu nhạc nhão nhoẹt đó, xưa nay anh có thèm nghe loại nhạc đó đâu!”. Anh nháy mắt: “Thì giờ anh cũng bắt đầu mặc áo xanh đỏ tím vàng đó thôi, nhạc chỉ nghe ngoài tai, nhằm nhò gì!”. Rồi anh khép cửa, chạy biến ra ngoài. Chị giật mình biết mình hớ, hóa ra nãy giờ “lão” chơi khăm chị. Mà, xưa giờ chị toàn yêu thương theo kiểu đó chứ đâu! Cứ thấy cái gì đẹp, tốt là chị mang về, cố gắng “trang bị” cho người chị yêu thương, chẳng cần biết họ có vui, có thích, có hợp không.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065