BP - Cách đây hơn 10 năm, người dân thôn 6, xã Đăng Hà (Bù Đăng) đã gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, do việc trồng dâu nuôi tằm tự phát, thủ công và thị trường tiêu thụ chưa có nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nhiều hộ đã chuyển đổi trồng các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, tiêu, điều, cao su… nên nghề nuôi tằm dần mai một. “Đến năm 2015, hộ ông Nguyễn Văn Tình ở thôn 6 mạnh dạn trồng dâu nuôi tằm trở lại và cho hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm làm ra đến đâu thương lái vào mua tới đó. Hiện một số người dân trong xã và các vùng lân cận đã đến nhà ông Tình học hỏi kinh nghiệm và làm theo” - ông Lại Minh Đức, Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Đăng Hà cho biết.
“Bén duyên” với con tằm
Năm 2012, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tình từ Bình Dương lên Đăng Hà lập nghiệp. Để phát triển kinh tế, ông Tình dùng số tiền dành dụm được mua khoảng 15 ha đất trồng cà phê, điều, cao su. Ông cho biết: “Một lần tình cờ sang thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi được người bạn dẫn tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm khá lớn. Thấy nghề nuôi tằm cũng đơn giản lại cho thu nhập cao, hơn nữa vùng đất mà gia đình đang sinh sống từng phát triển nghề này nên tôi bàn với vợ chuyển đổi một phần diện tích điều sang trồng dâu lai và xây nhà nuôi tằm”.
Ông Nguyễn Văn Tình (trái) kiểm tra các nong tằm
Năm 2015, ông Tình sang thị xã Bảo Lộc mua giống dâu lai về trồng thử nghiệm trên khoảng 1 ha. Trong thời gian này, ông xây nhà nuôi tằm rộng khoảng 40m2 và sắm các vật dụng như: nong, né, kệ sắt... Sau 6 tháng trồng dâu bắt đầu cho thu hoạch, ông Tình nhập tằm về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm nên lứa tằm đầu tiên bị mắc bệnh và chết nhiều. Không nản chí, ông nuôi lần 2. Rút kinh nghiệm, ngoài nuôi tằm trên nong theo truyền thống, ông còn nuôi tằm trên 3 chiếc đĩa. Mỗi đĩa ông cho tằm ăn một cách khác nhau và quan sát sự sinh trưởng, phát triển của chúng. Ông còn tìm hiểu đặc tính con tằm thông qua sách, báo và tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình trồng dâu nuôi tằm tỉnh Lâm Đồng. Nhờ đó, đến nay mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông phát triển rất tốt. Hiện gia đình ông có 3,5 ha đất trồng dâu lai, 2 nhà nuôi tằm giống khoảng 40m2/nhà, một nhà cho tằm ăn rỗi khoảng 250m2, 2 khuôn dập kén, 300 né, 1 máy thái dâu. Ông Lại Minh Đức, Bí thư Chi bộ thôn 6, xã Đăng Hà cho biết: “Mô hình trồng dâu nuôi tằm của hộ ông Tình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đến tham quan học hỏi. Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai rộng cho người dân trong thôn học tập, làm theo để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững”.
Hiệu quả kinh tế cao
Ông Tình cho biết: Nuôi tằm đòi hỏi nông dân phải nắm được đặc tính của tằm để có cách chăm sóc phù hợp. Sau mỗi lần thu hoạch kén cần vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ sạch sẽ. Vì vậy, sau khi nhập tằm giống về (tằm tuổi 3) phải cho ra nong (khoảng 3-4 nong/hộp tằm giống). Trước đó, nong đã được ông khử trùng bằng vôi bột, đây cũng là cách phòng bệnh cho tằm. Thời gian này, tằm còn nhỏ nên lá dâu được thái thành sợi trước khi cho tằm ăn. Nhà nuôi tằm phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, có cửa lưới ở cửa sổ và cửa ra vào để không khí lưu thông, đồng thời tránh ruồi, nhặng, côn trùng bay vào. Khi cho tằm ăn nên chú ý lượng lá dâu vừa đủ (cho ăn 4 lần/ngày).
Ngoài trồng dâu nuôi tằm, hộ ông Tình còn có khoảng 10 ha đất trồng tiêu, cà phê, cao su, điều. Nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cây của gia đình ông luôn cho năng suất cao. Trung bình 1 năm, trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi trên 600 triệu đồng. Kinh tế ổn định, ông có điều kiện lo cho con ăn học và tham gia đóng góp vào các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn xã. |
Tằm sang tuổi 4 được 2 ngày thì chuyển từ nong xuống nuôi trên nền nhà. Lúc này, tằm được trải thành từng luống (1m/luống) với mật độ vừa phải, giữa các luống có rãnh rộng khoảng 1m để lấy đường đi cho tằm ăn. Khi tằm chín đều thì vun thành từng luống để tằm tự động bò lên né; khoảng 2-3 ngày sau có thể đưa vào khuôn dập và thu hoạch kén. Như vậy, một chu kỳ nuôi tằm kéo dài từ 15-16 ngày. Mỗi tháng gia đình ông Tình nuôi 2 đợt. Trung bình 1 năm, gia đình ông xuất bán 7-8 tấn kén. Với giá 145 ngàn đồng/kg, trừ chi phí sản xuất gia đình ông thu lời trên 600 triệu đồng/năm.
Ông Tình cho biết thêm: “So với các loại cây trồng khác thì cây dâu lai cho thu nhập cao. Trung bình 2 tháng cắt 1 lứa dâu bán với giá 2.800 đồng/kg. Như vậy, 1 ha dâu lai, 1 năm cho thu khoảng 200-300 triệu đồng. Nếu gia đình nào kết hợp trồng dâu nuôi tằm thì lợi nhuận sẽ gấp đôi. Không những vậy, nhờ nuôi tằm mà hằng năm gia đình tôi tiết kiệm được trên 100 triệu đồng tiền mua phân bón cho vườn cây cao su, tiêu, điều, cà phê. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhà nuôi tằm và trồng thêm khoảng 3 ha dâu lai. Những hộ ở địa bàn có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm, tôi sẵn sàng cung cấp cây - con giống và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Hiện có 2 hộ trên địa bàn xã đến học hỏi kinh nghiệm và gia đình tôi cũng đã cung cấp cây dâu giống cho 2 hộ về trồng trên diện tích khoảng 2,5 ha”.
T.Hương - X.Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065