THẾ CHẤP ĐẤT RẪY NUÔI HEO NÁI
Nhìn thanh niên Nông Văn Cường (SN1991), xã Đồng Tiến (Đồng Phú) đang chăm sóc đàn heo con mới sinh, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của anh đối với thành quả do chính mình làm ra. Có được thành quả này anh đã trải qua bao gian nan, vất vả. Anh Cường nói: “Sau nhiều đêm trằn trọc nên làm gì trên vùng đất khó khăn này, trong khi vốn không có, tôi đã bàn với cha mẹ và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 3 sào cao su được 100 triệu đồng để đầu tư chuồng, con giống nuôi heo nái. Vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên tôi chỉ bắt đầu với 5 con heo mẹ.
Niềm vui của anh Nông Văn Cường với đàn heo con của mình
Không được đào tạo bài bản về kỹ thuật chăn nuôi heo, anh Cường phải đi học hỏi trực tiếp tại các trang trại trong và ngoài huyện, học tập qua sách báo, internet và người quen để nâng cao tay nghề. Cứ nghĩ đã biết kỹ thuật nhưng khi lần đầu heo mẹ sinh con, anh rất bối rối và loay hoay với các tình huống thực tế. Anh vừa theo dõi vừa gọi điện thoại nhờ người thân tư vấn và bất đắc dĩ trở thành “bà đỡ” cho 10 chú heo con đầu tiên. Một đêm “đỡ đẻ” và 10 ngày chăm sóc đàn heo con, anh càng có thêm kinh nghiệm và thích thú với nghề nuôi heo. Anh cho biết: “Trong điều kiện thời tiết thất thường ảnh hưởng đến năng suất cao su và điều của gia đình nên tôi phải tìm hướng đi mới cho riêng mình, không phụ thuộc vào ba mẹ. Nghề nuôi heo nái phù hợp điều kiện kinh tế gia đình, vốn hiểu biết để có thể chăm sóc và dễ tìm thị trường tiêu thụ. Đồng thời có thời gian nhàn rỗi để tôi làm việc nhà, chăm sóc vợ con và tham gia hoạt động xã hội. Đối với tôi, lứa heo con đầu tiên là sản phẩm thành công, giúp tôi cân bằng vốn đầu tư ban đầu và có thêm động lực để tiếp tục với nghề. Do đó, tôi đang hoàn thiện các hạng mục đầu tư để hướng tới mở rộng quy mô nuôi”. Anh Cường cũng rất mong được các cơ quan chức năng và đoàn thể quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ không chỉ bản thân anh mà cả những thanh niên nông thôn đang có nhu cầu khởi nghiệp.
LÀM NÔNG NGHIỆP KIỂU CÔNG NGHỆ CAO
Anh Đào Minh Tân (1987), xã Tiến Hưng (Đồng Xoài), cán bộ Tỉnh đoàn đã mạnh dạn cùng bạn thực hiện mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Mục đích ban đầu là nhằm thí nghiệm tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Khi mô hình hiệu quả sẽ hướng tới thực hiện một vùng chuyên canh dưa lưới mang thương hiệu nông nghiệp sạch và tạo ra hiệu ứng tư duy canh tác trong lực lượng thanh niên hiện nay.
Sau giờ làm việc ở cơ quan, anh Đào Minh Tân tranh thủ thăm vườn dưa lưới
Để thực hiện dự định, từ tháng 3-2016, tranh thủ những ngày nghỉ, anh Tân cùng bạn về TP. Hồ Chí Minh khảo sát các mô hình phát triển kinh tế mới để áp dụng vào thực tiễn. Vốn xuất thân từ con nhà nông dân, cùng với lượng kiến thức tích lũy từ thời đại học và sự hiểu biết trong ngành luật của bản thân, anh quyết định đầu tư trồng dưa lưới trên nền đất hữu cơ trong nhà kính. Anh vay vốn đầu tư gần 300 triệu đồng, xây dựng hệ thống nhà màng bằng sắt thép, giàn khung chịu lực tốt, bao xung quanh là tấm cước mỏng để đón gió, tạo độ thông thoáng, phía trên được che bằng ni-lon loại đặc biệt với diện tích 1.200m2. Phía trong có hệ thống điều khiển tự động lưới cắt nắng, công nghệ tưới nước nhỏ giọt Israel, hệ thống điều hòa không khí, tưới nước, bón phân tự động dẫn tới tận gốc... Anh Tân cho biết, trồng dưa lưới trong nhà kính vừa giúp tránh nắng mưa, vừa ngăn côn trùng xâm nhập phá hoại, giảm chi phí sản xuất. Để nâng cao năng suất và chất lượng cho vườn dưa, anh đã cắt bỏ bớt trái để lại mỗi dây 1 quả có trọng lượng từ 1,5-2kg. Sau 65-70 ngày trồng, tháng 12-2016, các giàn dưa lưới của anh đến kỳ thu hoạch. Vụ đầu tiên, với sản lượng 3 tấn/1.200m2 được Công ty TNHH nông sinh Khang Nguyên (TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu trọn gói, anh lãi 45 triệu đồng.
Hiện vườn dưa sắp vào vụ thu hoạch thứ hai, ước tính năng suất sẽ tăng cao với 4 tấn/1.200m2. Nhận thấy hướng đi mới này tạo ra hiệu ứng phát triển kinh tế trong thanh niên, anh đã đầu tư thêm một nhà kính mới với diện tích 600m2. Và anh đang nghiên cứu, tìm hiểu để trồng dưa leo, cà chua chịu nhiệt theo hướng nông nghiệp công nghệ cao trong môi trường nhà kính. Anh Tân chia sẻ: Là cán bộ đoàn đang hưởng ứng phong trào quốc gia khởi nghiệp trong thanh niên nên tôi cũng muốn tiên phong. Do đó, tôi tranh thủ thời gian rảnh, nghỉ, lễ để chăm sóc vườn dưa. Với tôi, khởi nghiệp không nên hô hào chung chung mà thực sự phải đi vào chiều sâu bằng những cách làm thiết thực, hiệu quả không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế mà còn tạo ra hiệu ứng sâu sắc trong nhận thức của mỗi thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn.
Cẩm Liên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065