BP - Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm nay, tình trạng bán điều non, vay nặng lãi, cầm cố đất sản xuất đã diễn ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (dtts) ở Bình Phước. Vì vậy, ngày 25-12-2015, ubnd tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/2015/ct-ubnd về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ thị này, các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã, thị trấn đã có nhiều giải pháp tích cực nên tình trạng nêu trên có giảm, song tính chất và hệ lụy từ việc vay nặng lãi, cầm cố đất sản xuất đang có chiều hướng phức tạp hơn và rất cần có những giải pháp căn cơ.
Những con số đáng buồn
Theo kết quả rà soát của các huyện, thị xã mà Ban Dân tộc tỉnh đã thống kê được (chưa đầy đủ), tính đến đầu tháng 1 năm nay, tổng số hộ đồng bào dtts bán điều non là 375 hộ, với diện tích 523,4 ha và số tiền 22 tỷ 636,5 triệu đồng. Tổng số hộ vay tiền lãi suất cao là 85, với số tiền vay 3 tỷ 958 triệu đồng. Tổng số hộ cầm cố, thế chấp đất ở, đất sản xuất là 371 hộ, với diện tích 528,9 ha và số tiền cầm cố 21 tỷ 796,5 triệu đồng. Trong đó, có 12 hộ ở thị xã Đồng Xoài, 13 hộ ở Lộc Ninh, 27 hộ ở Bù Gia Mập cầm cố, thế chấp đất có nguồn gốc Nhà nước cấp hỗ trợ theo các chính sách. Về số hộ sang nhượng đất ở, đất sản xuất là 270 hộ, với diện tích 148,04 ha. Trong đó có 2 hộ ở thị xã Đồng Xoài, 98 hộ ở Lộc Ninh, 7 hộ ở Bù Gia Mập, 29 hộ ở Bù Đốp sang nhượng đất có nguồn gốc Nhà nước cấp hỗ trợ theo các chính sách.
Lãnh đạo UBND xã Bù Gia Mập trao đổi với hộ ông Điểu Dớc về tình hình vay mượn và cầm cố đất - Ảnh: M.Luận
Riêng ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tính đến đầu năm nay có 52 hộ cầm cố, 18 hộ đã sang nhượng đất sản xuất và 6 hộ vay tiền với lãi suất cao, trong đó chủ yếu là hộ người S’tiêng. Đến nay, ubnd xã nhận được 21 đơn đề nghị giải quyết chuộc lại đất và xã cũng đã tổ chức giải quyết cho 16 hộ chuộc lại đất, 5 trường hợp hướng dẫn công dân khởi kiện ra tòa án sau khi các cơ quan chức năng đã thu thập được đầy đủ chứng cứ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trên đây mới chỉ là những con số thống kê được, còn thực tế chắc chắn sẽ không chỉ có bấy nhiêu hộ. Bởi thực tế qua công tác kiểm tra, xác minh các trường hợp đã cho vay, mua bán, cầm cố, thế chấp... cho thấy, việc xác định các đối tượng cho vay nặng lãi, xiết đất của người dtts gặp nhiều khó khăn. Vì việc vay mượn tiền của đồng bào là hoàn toàn tự nguyện và nếu không vay thì không có tiền để chi tiêu, đầu tư phát triển sản xuất, chữa bệnh... Trong khi đó, việc vay mượn phần lớn là viết giấy tay, không có hợp đồng vay mượn và trên giấy lại không thể hiện mức lãi suất nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi cho vay nặng lãi của người cho vay gặp khó. Hơn nữa, những người cho vay này đều không mang tính chất chuyên nghiệp, do đó hành vi của họ không cấu thành tội cho vay nặng lãi.
Chính vì thế nên đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được đối tượng nào về hành vi cho vay nặng lãi, xiết đất của người dtts. Tất cả vụ việc này nếu xảy ra tranh chấp dân sự và khi chính quyền phát hiện thì chỉ có thể thực hiện bằng biện pháp hòa giải, để các đối tượng chấp nhận giảm bớt thiệt thòi của đồng bào dtts trong các giao dịch. Trong năm 2016, Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý và giải quyết 3 vụ liên quan đến bán điều non, 1 vụ liên quan đến cầm cố, sang nhượng đất của hộ đồng bào dtts. Các vụ việc này được Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý và giải quyết đúng thời gian quy định, đảm bảo được quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, đặc biệt là đối với đồng bào dtts.
Những giải pháp mang lại hiệu quả bước đầu
Từ thực tế cho thấy, giải pháp quan trọng nhất để giảm thiểu tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, sang nhượng đất là nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ tạo việc làm cho hộ đồng bào dtts. Cụ thể là trong năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ubnd huyện Bù Gia Mập thực hiện chương trình ghép cải tạo vườn điều cho 100 nông dân và hỗ trợ 250 chồi ghép/hộ để ghép vườn điều của gia đình nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng hạt điều với trên 60% là đồng bào dtts. Việc làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực
Bộ đội Đồn biên phòng Tà Vát giúp dân làm đường tạo thuận lợi lưu thông hàng nông sản, đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao đời sống đồng bào DTTS xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh ) - Ảnh: Minh Luận
Thứ hai là thực hiện các dự án khuyến nông dành riêng cho đồng bào dtts như: Dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu trong vùng đồng bào dtts giai đoạn 2011-2017 tại các xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ (Bù Gia Mập), Đăng Hà (Bù Đăng) với quy mô 132 con/66 hộ, đã tạo việc làm cho 93 hộ đồng bào dtts; phương án hỗ trợ phát triển đàn trâu cho đồng bào dtts tại xã nông thôn mới giai đoạn 2014-2020 tại xã Thanh Lương (Bình Long) và An Khương (Hớn Quản), với quy mô 84 con/40 hộ, đã tạo việc làm cho 40 hộ đồng bào dtts; dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu vùng đồng bào dtts giai đoạn 2007-2017 tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp và xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập với quy mô 56 con/18 hộ đồng bào dtts.
Thứ ba là thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dtts. Tính đến ngày 31-10-2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân 102,036 tỷ đồng cho 5.557 lượt hộ vay. Các chính sách tín dụng đối với đồng bào dtts đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, tiếp cận giáo dục, hạn chế tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dtts trên địa bàn tỉnh.
NhỮng tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Chỉ thị số 19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, công tác chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 19 chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nhiệm vụ, biện pháp quy định trong Chỉ thị số 19 chưa được các cấp, ngành có biện pháp cương quyết để triển khai thực hiện. Do đó, việc rà soát các trường hợp bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất, vay nặng lãi ở một số nơi vẫn thụ động, số liệu chưa cụ thể, thiếu thông tin gây khó khăn trong việc phân loại để áp dụng các biện pháp giải quyết phù hợp.
Thứ hai là đối với những trường hợp hộ dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không xây dựng được phương án sản xuất khả thi thì cũng khó tiếp cận với các ngân hàng để được vay vốn. Trong khi đó, để xử lý việc mua, bán điều non, cầm cố đất, bán đất, vay tiền lãi suất cao cần thu thập chứng cứ cụ thể, nhưng việc này gặp nhiều khó khăn từ khai báo của người dân cũng như sự vào cuộc chưa quyết liệt của các lực lượng chức năng. Do đó, trường hợp cầm cố, sang nhượng đất có nguồn gốc do Nhà nước hỗ trợ vẫn còn diễn ra, chưa xử lý dứt điểm.
Thứ ba là tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức về hậu quả việc bán điều non, vay nặng lãi, cầm cố, sang nhượng đất trong vùng đồng bào dtts thời gian qua còn hạn chế, chưa thường xuyên nên người dân thiếu cảnh giác, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Bên cạnh đó, vai trò của già làng và người có uy tín ở một số địa bàn chưa được phát huy hiệu quả trong cộng đồng dtts.
Quyết liệt thực thi đồng bộ các giải pháp
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và ngăn chặn hiệu quả tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất của các hộ đồng bào dtts thì giải pháp trước hết là các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cần chủ động rà soát diện tích của đồng bào dtts chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm đất sản xuất ổn định từ trước đến nay hiện thuộc quyền quản lý của các nông trường, lâm trường. Qua đó, tạo thuận lợi cho đồng bào thế chấp vay vốn ngân hàng, hạn chế vay lãi suất cao.
Thứ hai là ubnd các huyện, thị xã tăng cường quản lý các giao dịch mua bán điều non, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng thương mại và việc cầm cố đất, bán đất có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể là các tổ chức hành nghề công chứng và ubnd cấp xã tăng cường quản lý hoạt động công chứng, chứng thực các hợp đồng giao dịch mua bán điều non, vay mượn tiền, cầm cố đất, sang nhượng đất nhằm bảo vệ lợi ích của đồng bào dtts, ngăn chặn mua bán đất chính sách. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dtts khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong các giao dịch mua bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, sang nhượng đất. Tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán điều non, vay tiền, cầm cố đất, sang nhượng đất có hành vi chèn ép, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dtts để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi.
Thứ ba là các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngân hành chính sách trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm... với hoạt động tín dụng chính sách cho đồng bào dtts. Đặc biệt là cần tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về thâm canh tăng năng suất vườn điều để người dân thấy được lợi nhuận từ vườn điều của mình, từ đó hạn chế việc bán điều non.
Đ.h
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065