Đại dịch Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát của thế giới nói chung và các quốc gia nói riêng, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, có một nghịch lý đang diễn ra, đó là “infodemic” (viết tắt của information epidemic)” - đại dịch thông tin đã phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều này cho thấy, ngoài thông tin đúng, chính xác được các cơ quan chức năng có liên quan, báo chí uy tín cập nhật kịp thời thì những thông tin giả, không chính xác, thông tin xấu, độc đang lan truyền nhiều trên mạng xã hội, với tốc độ nhanh. Kết quả này có sự “đóng góp” của người dùng mạng xã hội quá nhiệt tình trong việc “like”, “share”, “comments”... đối với các tài khoản đăng thông tin, viết “status”... về dịch Covid-19, mà không hề suy nghĩ đến hiệu ứng tiêu cực cũng như hậu quả của các thông tin này.
Hiện tất cả hoạt động của các tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường; người dân, các đơn vị có ý thức chủ động chung tay phòng dịch. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Đồng Xoài đeo khẩu trang ngày đầu đi học lại sau thời gian nghỉ vì dịch Covid-19
Tính đến 9 giờ sáng 16-3, cả nước có 57 người nhiễm Covid-19, Bình Phước chưa ghi nhận ca nhiễm nào, chứng tỏ chúng ta vẫn đang ở mức an toàn. Thế nhưng kể từ ngày 6-3, Bộ Y tế công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17, đồng thời tìm các hành khách trên 2 chuyến bay VN0054 và VN233 để cách ly theo dõi thì có một bộ phận người dân lo lắng. Nỗi lo lắng tăng lên khi trong thời gian ngắn số ca nhiễm tăng từ 17 đến 57 ca. Cũng thời điểm này, người dân ở Bình Phước, mạng xã hội xôn xao thông tin 2 ca bị cách ly để theo dõi ở huyện Phú Riềng và trường hợp ông Su Liên Tai, thôn 3, xã Thống Nhất (Bù Đăng) đến từ Đài Bắc - Đài Loan.
Từ khi có dịch Covid-19, việc cập nhật thông tin trên mạng xã hội, báo chí hàng giờ về Covid-19 gần như là thói quen của nhiều người. Trong khi để đọc hết những tin nhắn khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe có lẽ nhiều người vẫn chưa quen. Sự quan tâm thông tin về Covid-19 của người dân vẫn còn mang tính tò mò, chứng tỏ mình là người “cập nhật” nhanh nhất. Bằng chứng là trong các cuộc trà dư tửu hậu, trên các trang mạng xã hội, câu chuyện về bệnh nhân thứ 17 bỗng trở lên “hot”. Tất cả đổ lỗi cho việc bùng phát dịch cao điểm trong nước đợt này là do nữ bệnh nhân số 17. Có số đông lại thông tin với nhau rằng, dịch Covid-19 là sản phẩm của một chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc.
Xin không bàn đến việc đi tìm vấn đề nguyên nhân tăng thêm số bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong mấy ngày nay, hay Covid-19 bắt nguồn từ đâu như các “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội đã làm; hay các “kênh truyền tin di động” ở các quán cà phê, nơi đông người. Ở góc độ cá nhân, một công dân của Bình Phước, với thời điểm hiện nay điều cần thiết người dân nên hướng đến việc tự phòng bệnh cho bản thân và người thân theo những thông tin mà Bộ Y tế cung cấp hằng ngày, của ngành y tế tỉnh khuyến cáo, như thay đổi thói quen vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn hay năng đeo khẩu trang. Điều này sẽ thiết thực hơn việc đi gom thông tin “rác” và quan tâm những việc ngoài khả năng của bản thân để tạo ra hiệu ứng ngược, “tự mình hù mình”. Không đủ tỉnh táo để nhận diện đâu là thông tin đúng, chính xác và hữu ích.
Đừng phí thời gian để like, share, comments... các thông tin xấu, độc, tin giả, sai lệch. Suy nghĩ chín chắn trước khi chia sẻ, lan truyền thông tin đó. Mỗi cá nhân hãy làm chủ phím enter trên máy tính hay “send”, để góp phần chống thông tin giả, sai lệch. Vì hành động lan truyền thông tin xấu của người này sẽ “kích hoạt” sự lo lắng cho nhiều người khác trong cộng đồng. Việc share, like, comments đối với các thông tin xấu, sai lệch là hành động sai trái cần được xã hội lên án trước khi cơ quan chức năng có chế tài xử lý cụ thể.
Trong khi cả hệ thống chính trị chạy đua thời gian với cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, mỗi người dân không nên lãng phí thời gian với các thông tin sai lệch, mà thực hiện nghiêm các quy tắc phòng bệnh đã được ngành y tế khuyến cáo. Mỗi người trong cộng đồng cùng có ý thức tự lập một rào chắn, cả một cộng đồng ý thức thực hiện thì việc phòng chống lây nhiễm sẽ hiệu quả rất lớn.
Việc đưa ra chế tài xử lý nghiêm những người tung tin giả cũng như các mạng xã hội kịp thời đưa công cụ kiểm soát thông tin giả, xấu, độc để ngăn chặn thực trạng “đại dịch thông tin” như hiện nay là điều cấp thiết giống như việc tìm ra một loại vắc-xin hiệu quả cho dịch Covid-19 vậy.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065