NGHIỆP BÁO
Sau khi tốt nghiệp ra trường, lòng vòng mất 6 năm tôi mới đặt chân vào làng báo. Trước khi rời Đà Lạt về Bình Phước nhận việc, người bạn cùng lớp đang làm ở văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Đà Lạt nói với tôi một câu gọn lỏn: “Khi nào đứng trước Thủ tướng như đứng trước một lão nông tri điền, khi ấy bạn là nhà báo”. Sau đó, bạn đưa tôi cuốn từ điển tiếng Việt với lời đề tặng: “Mong thành công với nghiệp viết lách. Cố gắng vậy!”. Đó là cuộc chia tay 17 năm trước giữa hai chúng tôi sau 10 năm gắn bó, học hành ở thành phố Đà Lạt ngàn hoa. 17 năm sau, bạn gọi điện hỏi thăm với lời nhận định chắc nụi “Làm báo là nghề dễ nhất trong tất cả các nghề”. Tại sao vậy? - tôi hỏi. Tại vì chỉ có việc ghi chép lại những gì người ta đã nói, đã viết thành văn bản. Những gì không hiểu thì lại đi hỏi. Dễ không? Dễ ợt - bạn tôi trả lời. Tôi nghĩ bạn mình nói đúng.
Nhà báo Đông Kiểm tác nghiệp giữa giờ giải lao trong chuyến tuần tra song phương giữa Đồn biên phòng Lộc An, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước với Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Tual Chum, huyện Sanoul, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia - Ảnh: Hoàng Thu
Tháng trước, trong một chuyến đi công tác ở tỉnh Quảng Nam gặp người bạn hàn huyên bên tách cà phê, bạn cũng bảo: Làm báo là nghề dễ nhất trong tất cả các nghề. Tôi lại hỏi tại sao? Tại vì mọi thứ đã có sẵn, vừa được nói, vừa được ăn, đôi khi lại được phong bì mang về. Sướng thật. Nghe bạn phân tích, tôi thấy đúng với một số người đang làm báo trong giai đoạn hiện nay.
Rõ ràng trong quá trình tác nghiệp báo chí hiện nay, không ít phóng viên chỉ biết chăm chăm vào hầu bao phong bì hay tiệc chiêu đãi của các cá nhân, đơn vị tổ chức sự kiện. Một số phóng viên bị đồng tiền mua chuộc nên có lúc đưa tin, viết bài thiếu tính khách quan, chính xác. Chưa hết, còn có một số người giả danh nhà báo để làm tiền. Tất cả điều đó làm cho hình ảnh của phóng viên, nhà báo bị xấu đi trong mắt công chúng, thậm chí còn làm mất lòng tin của xã hội đang đặt trọn trên vai nhà báo.
LÀM BÁO DỄ HAY KHó?
17 năm gắn bó với nghề báo, từ báo hình đến báo nói, báo viết, báo điện tử tôi đã trải qua. Trong quá trình hành nghề, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn như: kỹ năng làm báo chất lượng cao, cách sản xuất phim tài liệu, kỹ năng thực hiện phóng sự, phóng sự điều tra cho đến kỹ năng viết về nông thôn mới, về biến đổi khí hậu... Trong mỗi lần tập huấn như thế, tôi được tiếp thu thêm chút ít để làm hành trang cho nghề. Hầu như ở bất kỳ lớp tập huấn nào, giảng viên cũng nhắc đi, nhắc lại việc bám sát cơ sở để bài viết mang hơi thở cuộc sống. Bạn viết về nông thôn mà không nghe được mùi ngai ngái của bùn, không thấy được khói lam chiều bay lên từ những ngôi làng hay ruộng nương thì sẽ không viết hay được. Bạn viết về cây lúa mà không thấy được màu xanh mơn mởn của mạ, không ngửi được hương thơm phảng phất của đồng ruộng đu đưa trong gió thì sẽ không thành công. Còn nữa, trước khi đặt bút viết bài phải đặt mình vào vai bạn đọc để tự trả lời các câu hỏi: Tại sao tôi phải đọc bài này? Tôi có lợi gì khi đọc bài viết này? Chưa hết, các vị lãnh đạo, ban biên tập lại đòi hỏi bài viết phải có lợi cho dân, cho xã hội, cho đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Ngay cả người nông dân suốt ngày lam lũ với ruộng đồng cũng đòi hỏi một cách khắt khe ở nhà báo đó là tính chính xác và thận trọng.
Tuần trước, tôi gặp một nhà nông chính hiệu chuyên trồng bưởi da xanh ở xã Long Bình (Phú Riềng). Trước khi trao đổi công việc, nhà nông này đề nghị tôi phải viết cho chính xác, cho đầy đủ thông tin chứ không tội nghiệp nông dân dữ lắm. Tôi thấy nhiều người viết về cây bưởi da xanh nhưng chỉ nói đến năng suất, giá trị kinh tế mà không nói đến quy trình kỹ thuật, không nói đến kinh phí đầu tư nên nông dân bắt chước làm theo. Cuối cùng họ vừa không có vốn đầu tư, vừa không có kỹ thuật nên chỉ có lỗ đến lỗ mà thôi. Còn nhà nông chuyên canh cây bơ Mã Dưỡng ở xã Phước Tín (Phước Long) cũng đặt yêu cầu trước khi viết bài về giống cây trồng của ông. Ông cho rằng, việc trồng cây bơ đã được nhiều nhà báo đề cập. Thế nhưng hầu hết các bài viết đều nói qua loa, không rõ ràng, chi tiết nên người đọc, người xem đài hiểu không tới nơi, tới chốn. Cuối cùng người nông dân cũng không học được điều gì khi nói đến cây bơ Mã Dưỡng. Điều đó cho thấy, những đòi hỏi của xã hội về một bài báo không dễ chút nào!
Cách đây một tháng, tôi và người bạn đồng nghiệp lâu năm cãi nhau nảy lửa chuyện viết bài có nên bám sát cơ sở hay không. Nhiều năm làm báo có kinh nghiệm, bạn tôi cho rằng chỉ cần ngồi ở nhà vẫn có thể làm báo được. Giữa thời đại công nghệ mà, chỉ cần nhấc máy alô là có ngay thông tin. Đặc biệt là báo in không cần nhiều hình ảnh nên ngồi ở nhà vẫn làm báo, vẫn có bài viết để đăng mỗi ngày. Còn tôi, 17 năm làm báo vẫn đeo đuổi một niềm tin: Chỉ có hơi thở của cuộc sống mới làm nên một bài báo tốt.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065