BP - Ngày 26-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, so với quy định trước đây, hầu hết hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đều tăng nặng, đặc biệt là đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia. Đối với hành vi này, không phải chỉ có ở Việt Nam, mà nhằm hạn chế tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia, nhiều nước trên thế giới áp dụng mức phạt nặng hơn nhiều so với ở nước ta hiện nay.
CÁC NƯỚC XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Theo Cổng thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ngày 18-8-2016, cho biết: Hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới coi hành vi vi phạm pháp luật giao thông là một loại tội phạm. Do đó, tùy theo quốc gia có thể áp dụng các giải pháp đối với tội phạm này để xử lý, như: Phạt tiền, tịch thu phương tiện, tù giam. Cụ thể là theo Luật Say rượu lái xe sửa đổi của Thái Lan, những tài xế nào đang điều khiển phương tiện trên đường, nếu từ chối việc để cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn sẽ bị coi là say xỉn trong lúc lái xe và bị truy tố ra trước cơ quan pháp luật.
Còn ở Singapore, nếu say rượu mà lái xe thì sẽ bị phạt 5.000 đô la Singapore cộng với 6 tháng tù. Nếu tái phạm, tài xế sẽ bị phạt tới 1 triệu đô la (tương đương hơn 15,5 tỷ đồng tiền Việt Nam) và 1 năm tù giam, đồng thời còn bị tạm đình chỉ giấy phép và đánh roi. Tuy nhiên, hình phạt roi chỉ áp dụng đối với người phạm tội là nam giới, ở độ tuổi dưới 50. Ở Đức, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05 miligam, người cầm lái sẽ bị phạt 500 euro và cấm lái xe trong 1-3 tháng. Ngoài ra, mức độ nghiêm khắc của hình phạt sẽ tăng dần lên cùng với số lần vi phạm và trong trường hợp nghiêm trọng nhất, người lái xe sẽ bị cấm lái suốt đời.
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn trong hơi thở của người điều khiển ôtô - Ảnh: Nhất Sơn
Ở Ba Lan, luật áp dụng giới hạn 20mg/100ml máu, nếu bị phát hiện lái xe ở mức giữa 20-50mg/100ml, thì sẽ bị phạt và tịch thu bằng. Nếu trên mức 50mg/100ml, người lái được coi là tội phạm, bị lưu trữ trong hồ sơ tội phạm quốc gia, tịch thu bằng và có thể bị tù giam. Cảnh sát cũng có thể tịch thu phương tiện. Ở Nhật Bản, từ 19-9-2007, Luật Giao thông đường bộ mới của quốc gia này đưa ra quy định: Người cung cấp xe cho người vừa uống rượu, người ngồi cùng xe và người cung cấp rượu cho người lái xe đều bị xử phạt.
Tại Anh, nếu người điều khiển phương tiện bị phát hiện có nồng độ cồn quá mức cho phép, thì mức phạt có thể lên tới 6 tháng tù giam và phải đóng 5.000 bảng, đồng thời bị cấm lái xe trong vòng 1 năm. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng mà dẫn đến chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù giam, phạt tiền không giới hạn và cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn. Ở Scotland quy định, khi lái xe với nồng độ cồn quá hạn thì xe sẽ bị tịch thu hoặc được cơ quan có liên quan bán đấu giá hoặc tiêu hủy.
MỨC PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI LÁI XE SAU KHI UỐNG RƯỢU, BIA Ở VIỆT NAM
Đối với môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự: Theo quy định tại Khoản 6, Điểm c, Khoản 8 và Điểm b, Khoản 12 của Điều 6 trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu/hơi thở từ 50mg/100ml máu hoặc từ 0,25mg/100ml máu trở xuống thì người đang điều khiển xe sẽ không bị phạt. Nếu nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc 0,25mg đến 0,4mg/1lít khí thở thì người điều khiển xe mới bị phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Và người có hành vi vi phạm có thể bị giữ phương tiện đến 7 ngày.
Và theo quy định tại Khoản 1, Điều 78 của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, nếu nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 0,4mg/1lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông, thì người đang điều khiển xe sẽ bị phạt từ 3.000.000 đến 4.000.000 đồng. Đồng thời, người có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng và có thể bị giữ phương tiện đến 7 ngày.
Đối với ôtô và các loại xe tương tự: Cũng theo quy định tại Điểm a, Khoản 6 và các khoản 8, 9 và 12 của Điều 5 trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu/hơi thở khi đang điều khiển xe, nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng. Đồng thời, người vi phạm bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng hoặc từ 2-4 tháng nếu gây tai nạn giao thông và có thể bị giữ phương tiện đến 7 ngày.
Nếu người nào có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100 ml máu hoặc 0,25mg đến 0,4mg/1lít khí thở thì sẽ bị phạt từ 7.000.000 đến 8.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng, đồng thời có thể bị giữ phương tiện đến 7 ngày.
Và theo quy định tại Khoản 1, Điều 78, nếu nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 0,4mg/1lít khí thở hoặc người điều khiển không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông thì sẽ bị phạt từ 16.000.000 đến 18.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng và có thể bị giữ phương tiện đến 7 ngày.
Như vậy, so với nhiều nước trên thế giới thì mức phạt do hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia ở Việt Nam thấp hơn nhiều. Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có xu hướng gia tăng về mức độ tiêu thụ rượu, bia và tỷ lệ người dân uống rượu, bia ngày càng tăng. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc nước ta là quốc gia có số vụ tai nạn giao thông cao, mà trong đó nguyên nhân do người điều khiển phương tiện say xỉn chiếm tỷ lệ không nhỏ.
N.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065