Tháp chuông chùa Thiên Trù là một trong những công trình nằm ở vị trí trung tâm của khu di tích. Tuy không phải là kiến trúc nguyên bản của chùa Hương (tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về dựng tại đây) nhưng gác chuông chùa Thiên Trù vẫn được coi là một trong những hạng mục quan trọng của khu di tích danh thắng này. Chính do vị trí quan trọng này mà khi gác chuông xuống cấp, không chỉ địa phương mà các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng như Bộ VH-TT-DL đã có nhiều lần gặp gỡ, trao đổi để tìm giải pháp phù hợp. Sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, đến cuối tháng 7-2015, Bộ VH-TT-DL mới chính thức ra văn bản thỏa thuận sau khi thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo.
Văn bản thỏa thuận này ghi rõ: “Bộ VH-TT-DL đã xem xét và có ý kiến thẩm định như sau: Thỏa thuận báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ gác chuông chùa Thiên Trù, bao gồm các nội dung: gia cố nền, lát lại nền bằng gạch Bát 30cm x 30cm, bảo quản và tái sử dụng các chân tảng; tu bổ hệ kết cấu gỗ và các chi tiết trang trí mái theo điều kiện kỹ thuật hiện trạng; chống mối và phòng cháy chữa cháy…”. Bên cạnh việc thỏa thuận cho tu sửa một số hạng mục cụ thể, Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội hướng dẫn chủ đầu tư và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện thi công tu bổ gác chuông chùa Thiên Trù theo đúng quy định. Văn bản cũng đặc biệt lưu ý việc lựa chọn đơn vị tư vấn thi công có đủ điều kiện năng lực, thực hiện bao che phục vụ thi công và việc thành lập Hội đồng đánh giá di tích sau hạ giải, nhằm lựa chọn, bảo tồn tối đa cấu kiện gốc của công trình…
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì việc tu bổ gác chuông này đã có nhiều dấu hiệu sai phạm, không tuân thủ theo đúng các quy trình tu bổ, tôn tạo di sản đã được ban hành trước đó. Cụ thể, việc che phủ trong quá trình hạ giải cũng như thi công đã không được tuân thủ. Không chỉ thế, theo một chuyên gia di sản có mặt tại hiện trường, chỉ nhìn bằng mắt thường đã có thể thấy nhiều cấu kiện cũ của gác chuông được thay hoàn toàn bằng cấu kiện mới. Điều này không đúng với nguyên tắc của trùng tu di sản. Theo nguyên tắc trùng tu, các cấu kiện cũ cần được tận dụng tối đa để có thể giữ được tính nguyên gốc của di sản tốt nhất.
Được biết, ngay sau khi phát hiện có những dấu hiệu không tuân thủ quy trình tu bổ di tích gác chuông chùa Thiên Trù, Cục Di sản văn hóa đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Hà Nội kiểm tra và báo cáo cụ thể về vấn đề này. Song không biết vì lý do gì, cũng như công trình Hương nghiêm pháp đường tại Thiên Trù, được xác định là xây dựng không phép vi phạm Luật Di sản văn hóa. Sau nhiều ngày, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp là UBND huyện Mỹ Đức, Sở VH-TT Hà Nội vẫn chưa đưa ra được kết luận và cách xử lý chính thức.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065