Dư luận cả nước chưa hết bàng hoàng trước vụ việc thầy trò trường THPT Nguyễn Huệ (Tây Sơn, Bình Định) đánh nhau trên bục giảng thì trên địa bàn tỉnh lại đang xôn xao bàn tán việc thầy, cô trường Tiểu học Hoàng Diệu, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập phạt 19 học sinh bằng cách bắt các em ăn ớt. Đó chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc thể hiện mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa thầy và trò diễn ra trong thời gian gần đây.
Còn nhớ năm 2009, một vụ việc làm chấn động nền giáo dục nước nhà khi một sinh viên phải thi lại tới 36 lần/28 môn. Vì cho là bị giảng viên trù dập nên sinh viên này đã thẳng tay tạt axit vào người thầy ngay trên giảng đường. Rồi gần đây hơn, có giáo viên phạt học sinh nói tục phải súc miệng, nhổ ra cho đầy một xô; phạt học sinh phải thụt dầu 100 lần khiến em này phải vào bệnh viện; thầy gạ nữ sinh đổi điểm lấy tình... Tất cả đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của quan hệ thầy - trò. Cho dù các giáo viên và học sinh vi phạm đã được xử lý nghiêm khắc, thậm chí thầy giáo đánh nhau với học sinh trên bục giảng đã bị đưa ra khỏi ngành, thế nhưng vết xước trong lòng những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục vẫn còn rớm máu.
Xã hội Việt Nam từ ngàn đời nay luôn coi trọng đạo học, bồi dưỡng nhân tài, lấy đào tạo con người làm trụ cột cho sự phát triển đất nước. Triết lý của người Việt xưa “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” đã trở thành đạo lý muôn đời về quan hệ thầy - trò. Dù ở thời đại nào, nghề làm thầy luôn được xem là nghề cao quý hơn những nghề cao quý khác, bởi người thầy không chỉ cung cấp kiến thức về các lĩnh vực mà còn là người thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, khát khao khám phá của các thế hệ học trò. Không chỉ dạy kiến thức, người thầy còn là tấm gương sáng về nhân cách và giáo dục đạo đức cho học trò bằng chính nhân cách của mình. “Nhân vô thập toàn”, đời người ai cũng có lúc mắc phải sai lầm và làm thầy cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác, nhưng dường như xã hội rất khó tha thứ cho sai lầm của những người được coi là “kỹ sư tâm hồn”. Đó chính là đòi hỏi khắt khe của xã hội đối với nghề làm thầy. Ngược lại, trong gia đình có người làm thầy thì những thành viên trong gia đình ấy cũng được thơm lây. Ví như vợ ông đồ thì được gọi là “bà giáo”, vợ hoặc chồng của người làm thầy cũng được gọi là thầy giáo, cô giáo. Đó là vinh dự, cũng là trách nhiệm to lớn của nghề làm thầy.
Ngày nay, với xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ lên tất cả các mối quan hệ, trong đó có quan hệ thầy - trò. Mối quan hệ này đang dần thay đổi theo chiều hướng phức tạp. Dân chủ học đường ngày càng phát triển, sự tương tác trong quan hệ thầy - trò ngày càng lớn. Thầy không chỉ là người dạy dỗ, bảo ban mà còn là người bạn, đồng nghiệp, thậm chí trước là thầy, sau lại trở thành “trò” của chính học trò của mình. Vì thế, cùng với khuyến khích sự cởi mở, trao đổi của trò, cần phải duy trì sự chuẩn mực nhất định trong mối quan hệ thầy - trò. Và trước những tình huống bất thường, cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, khoa học theo quy luật vận động chung của xã hội để loại bỏ dần những mặt trái, tiêu cực trong quan hệ thầy trò, làm cho mối quan hệ đó trở nên minh bạch, trong sáng hơn.
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065