Nhân lực ngành y có lẽ là câu chuyện “đau đầu” đối với lãnh đạo tỉnh và ngành y tế Bình Phước trong suốt nhiều năm qua. Thậm chí cách đây vài năm, UBND tỉnh đã ban hành một chính sách riêng biệt về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y. Thế nhưng sau 20 năm tái lập, Bình Phước vẫn là “vùng trũng” về chất lượng y tế, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực. Đã có thời gian một đại biểu Quốc hội của tỉnh là Bộ trưởng Bộ Y tế nên Bình Phước được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương. Thời gian đó, ngoài việc giao nhiệm vụ cho các bệnh viện lớn tuyến Trung ương đỡ đầu các cơ sở y tế trong tỉnh, Bộ Y tế còn cho cơ chế để Bình Phước cử đặc cách một số cán bộ ngành y đi đào tạo bác sĩ theo địa chỉ, sau đó về phục vụ tỉnh. Tiếp đó, tỉnh lại cử một số bác sĩ đi học chuyên khoa sâu. Đáng tiếc là sau khi đào tạo trở về, nhiều người trong số đó đã hoàn trả lại kinh phí đào tạo cho tỉnh để chuyển đến công tác tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, là những khu vực không chỉ có chế độ đãi ngộ cao mà còn có môi trường tốt để họ phát huy khả năng chuyên môn của mình.
Trần Văn Kim, sinh viên Khoa Y, Trường đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh tại buổi đối thoại với sinh viên tỉnh Bình Phước đang học hệ bác sĩ đa khoa ở TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: Đông Kiểm
Trong khi ở các thành phố lớn và nhiều tỉnh, thành khác, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành y như chuyên khoa I, chuyên khoa II đã khá phổ biến thì Bình Phước vẫn thiếu bác sĩ. Đã thiếu, nguồn nhân lực ngành y ở tỉnh ta lại mất cân đối và phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở tuyến trên nên trong thời gian khá dài, ngành y tế tỉnh cứ phải loay hoay với bài toán luân chuyển bác sĩ từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã theo kiểu “thực hiện nghĩa vụ”. Thế nhưng phương án này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bởi các trạm y tế xã thường không đủ điều kiện về máy móc thiết bị và thuốc để bác sĩ thể hiện khả năng chuyên môn của mình. Do chế độ đãi ngộ không hợp lý, môi trường, điều kiện làm việc ở nơi tăng cường không bảo đảm nên những người được tăng cường chỉ mong hết thời gian “nghĩa vụ” để trở về cơ quan cũ.
Vì thiếu bác sĩ trầm trọng nên những đợt cao điểm, có bác sĩ phải khám hàng trăm lượt bệnh nhân/ngày. Do thiếu bác sĩ nên hầu hết các bệnh viện tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực đều chưa thực hiện được các ca phẫu thuật đơn giản như mổ đẻ, cắt ruột thừa, thậm chí thủ thuật đình sản cũng chưa thực hiện được. Bên cạnh đó còn có tình trạng một số cơ sở y tế công lập được đầu tư các thiết bị y tế hiện đại nhưng không có người biết sử dụng nên đành “trùm mền” trong kho... |
Trong số 260 bác sĩ còn thiếu của các cơ sở y tế trong toàn tỉnh hiện nay, riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh thiếu khoảng 80 bác sĩ. Nhiều năm liền, bệnh viện không tuyển dụng được bác sĩ chính quy nên buộc phải tuyển người có trình độ trung cấp, cao đẳng rồi cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Số lượng cán bộ, công nhân viên đã thiếu, nhưng có thời điểm khoảng 1/3 quân số được cử đi đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao kiến thức khiến áp lực của công tác khám chữa bệnh càng lớn. Thế nhưng một số người sau khi hoàn thành khóa đào tạo, được nâng cao trình độ chuyên môn đã tìm mọi cách chuyển công tác đi nơi khác. Thậm chí có người sẵn sàng bỏ việc để tìm công việc mới tại các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh hoặc Bình Dương. Không riêng bệnh viện tỉnh, số cán bộ có trình độ bác sĩ, chuyên khoa I ở các huyện, thị chuyển công tác và bỏ việc khá nhiều. Ngay cả địa bàn vùng sâu, vùng xa như Bù Gia Mập mà từ năm 2009 đến nay đã có 4 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học chuyển đi, trong đó có 2 bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa nhưng khi có tay nghề giỏi thì đã chuyển đến nơi có thu nhập cao hơn. Và từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Y tế huyện lại nhận thêm 2 đơn xin chuyển công tác nữa...
Để tiếp tục tìm giải pháp cho vấn đề nhân lực ngành y, mấy năm gần đây, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành y tế đã về các trường đại học y dược tại TP. Hồ Chí Minh để mời gọi những sinh viên y khoa của tỉnh đang học tại trường sau khi tốt nghiệp sẽ trở về tỉnh công tác. Ngày 16-3-2017, đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi gặp mặt và đối thoại với sinh viên tỉnh Bình Phước đang học hệ bác sĩ đa khoa tại TP. Hồ Chí Minh. Tại buổi gặp mặt, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi với các sinh viên y khoa rằng nhân lực ngành y tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa sâu thiếu trầm trọng. Nhiều người bệnh đã phải ra đi trong tiếc nuối do sự hạn chế về năng lực, trình độ y khoa, trong đó có cả người thân của những sinh viên đang học ngành y, của những người đang làm trong ngành y ở Bình Phước. Từ đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi tinh thần tình nguyện, trách nhiệm với tỉnh nhà, mỗi sinh viên sau khi ra trường hãy nghĩ đến quê hương, người thân của mình mà trở về đóng góp trí lực để trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người dân, người thân ở chính quê hương mình. Quả thật lời kêu gọi của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng rất tha thiết khiến nhiều người cảm động. Thế nhưng để các em trở về tỉnh công tác thì không chỉ có kêu gọi tinh thần tình nguyện mà cần phải có cơ chế thu hút cũng như tạo dựng môi trường làm việc đủ sức hấp dẫn các em.
Thời điểm hiện tại có 24 bác sĩ diện được đào tạo có địa chỉ đã tốt nghiệp. Số bác sĩ này nằm trong kế hoạch phủ kín bác sĩ cho các trạm y tế xã trong năm 2017. Thế nhưng đã gần hết tháng 6 mà vẫn chưa có em nào trở về tỉnh công tác. Được biết Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản gửi tới các trường nơi các em học yêu cầu giữ bằng tốt nghiệp để bắt buộc các em trở về tỉnh công tác theo cam kết trước khi đào tạo. Phó giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn cho biết |
Theo thống kê của Sở Y tế, Bình Phước hiện có khoảng 160 sinh viên đang học y khoa tại TP. Hồ Chí Minh. Sở Y tế đã phát phiếu khảo sát tới 126/160 em để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Kết quả khảo sát đa phần cho thấy các sinh viên mong muốn khi trở về tỉnh sẽ ít nhất được hỗ trợ nhà công vụ để làm việc hoặc được hỗ trợ mua đất ở. Ý kiến này đồng nhất với một số ý kiến tại buổi gặp mặt và đối thoại với trí thức tỉnh ngày 14-6 vừa qua. Thế nhưng vấn đề này không hề đơn giản, bởi điều kiện của tỉnh còn rất khó khăn. Vả lại ban hành chính sách đặc thù để thu hút cán bộ ngành y thì những ngành khác cũng không kém phần quan trọng sẽ thế nào!?
Nhân lực ngành y của tỉnh đã và sẽ còn nhiều khó khăn. Kết thúc bài viết này, tôi muốn trích dẫn ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi giám sát Bệnh viện đa khoa tỉnh ngày 12-9-2016. Đó là “Bệnh viện đa khoa tỉnh cần phải lột xác bằng đề án cụ thể”. Thiết nghĩ, sự lột xác không chỉ với Bệnh viện đa khoa tỉnh mà với cả ngành y tế tỉnh. Thế nhưng nếu không có một cơ chế tương đồng với các trung tâm y khoa lớn thì ngành y tế tỉnh cũng chỉ loay hoay như từ trước tới nay mà thôi.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065