Báo cáo lỗ thành lãi, lãi ít thành lãi nhiều, tình trạng nhập nhèm số liệu đang xảy ra ở nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn, các doanh nghiệp niêm yết.
|
Theo công bố báo cáo tài chính (BCTC) của Công ty cổ phần (CTCP) Sông Ba, lợi nhuận đạt được 6 tháng đầu năm nay gần 10 tỉ đồng, tuy nhiên sau khi kiểm toán soát xét lại, kết quả lại là lỗ gần 13 tỉ đồng. Một trường hợp từ lãi bỗng thành lỗ khác là CTCP cung ứng và dịch vụ kỹ thuật hàng hải, từ mức lãi 703 tỉ đồng tự công bố, sau kiểm toán lại thành lỗ 537 tỉ đồng!
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) từ lỗ ít trở thành lỗ nặng. Chẳng hạn CTCP đầu tư và phát triển đô thị Long Giang công bố 6 tháng đầu năm 2013 bị lỗ 8,96 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo BCTC có soát xét của kiểm toán thì mức lỗ này lên gấp hơn 5 lần, đến 43,66 tỉ đồng. Hay CTCP đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông công bố chỉ bị lỗ 30,5 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng kết quả kiểm toán cho thấy số lỗ thực sự của đơn vị này lên gần gấp đôi với 50,66 tỉ đồng… Ước tính trong số hơn 500 DN đang niêm yết đã công bố báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm nay thì có hơn một nửa có sai lệch về số liệu, đa số phải điều chỉnh giảm lợi nhuận so với mức đã công bố.
Tình trạng lỗ nhưng báo lãi không chỉ xảy ra tại các DN niêm yết, các tổ chức tín dụng cũng không ngoại lệ. Còn nhớ, vào thời điểm đầu 2013, khi báo cáo trước Quốc hội, qua thanh tra 32 tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã tiết lộ thông tin gây sốc: Hàng loạt NH cổ phần báo cáo lãi, nhưng thực ra bị lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí mất vốn điều lệ. Những NH được điểm tên lúc đó gồm: Nam Việt, Tiên Phong, Đại Tín, Phương Tây, Dầu khí Toàn cầu, Nhà Hà Nội. Sau đó, một loạt NH đã phải tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập.
Ngay cả tập đoàn, tổng công ty lớn cũng đang nhập nhèm số liệu. Đơn cử trường hợp tổng công ty xăng dầu (Petrolimex). Trong suốt một thời gian dài tập đoàn này luôn kêu lỗ vì phải giữ giá xăng. Giữa tháng 8 vừa qua, Petrolimex gửi báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2013 lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Theo đó, Petrolimex không hề lỗ lã gì mà trái lại, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 898 tỉ đồng. Trước đó, cũng tập đoàn này hâm nóng diễn đàn của Quốc hội khi trong năm 2011, họ báo lỗ từ kinh doanh xăng dầu lên tới hơn 2.358 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ sau 9 tháng đầu năm 2012 đã lãi 58 tỉ đồng.
Thông tin sai lệch dẫn tới những hậu quả vô cùng khó lường, đặc biệt là những thông tin của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán, bởi nó liên quan trực tiếp tới quyết định đầu tư cổ phiếu của các nhà đầu tư. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Nguyễn Hoàng Hải, trước kiểm toán DN báo cáo lãi, nhiều nhà đầu tư dựa vào thông tin này để mua vào cổ phiếu, nhưng 25 - 40 ngày sau khi có báo cáo kiểm toán thì lại quay sang lỗ. Lúc này giá cổ phiếu lao dốc, các nhà đầu tư sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Có thể xem là hành vi gian lận
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, những DN làm ăn đàng hoàng, quản trị tốt, tình hình tài chính minh bạch việc công bố thông tin số liệu khá minh bạch, còn những đơn vị làm ăn gian dối thường hay có sự điều chỉnh về số liệu. Trong một số ngành như NH, bất động sản, kinh doanh chứng khoán... dễ xảy ra sự không đồng nhất trong việc công bố số liệu. “Vấn đề ở đây là đơn vị nào công bố số liệu, chẳng hạn thực tế đã có một NH A công bố nợ xấu là số này nhưng khi NH B đánh giá tình hình tài chính của NH A trước khi sáp nhập A vào B thì lại đưa ra số nợ xấu cao hơn”, ông Hải nhận xét.
Cũng theo ông Hải, kết quả tài chính có thể khác trong trường hợp DN và kiểm toán có thể có quan điểm khác về hạch toán một khoản chi phí hay số liệu nào đó. Tuy nhiên, trường hợp này thì kết quả sau kiểm toán chỉ thay đổi ít so với kết quả mà DN công bố, không thể có chuyện từ lãi lớn thành lỗ nặng, lỗ ít thành lỗ quá nhiều được. Việc cố tình công bố số liệu lúc thế này, lúc thế kia theo ông Hải, có thể là hành vi gian lận báo cáo tài chính, nên về mặt quản lý nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần theo dõi và xử phạt hành chính hay hình sự tùy theo mức độ. Cơ quan chức năng cũng nên tăng cường kiểm tra các công ty kiểm toán để các công ty này làm việc nghiêm túc hơn, hơn nữa cũng nên ban hành quy định một công ty kiểm toán không nên thực hiện kiểm toán một DN trong vòng 2 năm liền nhằm tránh tình trạng bắt tay “hữu nghị” giữa DN và công ty kiểm toán.
Không thể chấp nhận được TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), cho rằng việc chênh lệch số liệu thể hiện sự bất ổn trong vấn đề quản trị nhân sự nếu như bộ phận kế toán yếu kém về nghiệp vụ của DN. Điều này không thể chấp nhận được với những DN đang niêm yết. Để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần xem xét và yêu cầu những DN thường xuyên gặp vấn đề này không được tự công bố BCTC do mình lập mà phải đợi kiểm toán soát xét xong mới công bố để tránh việc chênh lệch số liệu lớn. Hoặc khi các DN đó đã liên tục 2 - 3 năm bị lệch số liệu thì sau khi DN công bố BCTC, các sở giao dịch chứng khoán nên có cảnh báo cho nhà đầu tư biết để chú ý hơn. |
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065