Vùng Tây Bắc của Nghệ An xưa gọi Phủ Quỳ Châu, hay Phủ Quỳ, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông và Kinh. Thiên nhiên và con người đã “dệt” cho vùng đất này thành một “miền thổ cẩm” đầy sắc màu, cung bậc... Từ nụ cười của cô gái Thái đến cách nâng chén rượu mời của chàng trai Mông. Từ những đường tơ sóng sánh trong khung cửi của người Thái, cái đong đưa từ chiếc võng gai của người Thổ, đến tiếng búa trong lò rèn hòa với tiếng khèn đầu bản người Mông...
1. Vẫn là quốc lộ 48 - con đường như sợi tơ đỏ kết nối từ Nghĩa Đàn, Thái Hòa, lên Quỳ Châu, Quế Phong. Vẫn con đường ấy, nhưng cứ mỗi lần đi qua, lại một lần bồi hồi với những cảm giác lạ. Này đây là đồi Triệu, đồi Tỷ (Tỵ) xứ Châu Bình một thời lóe đá đỏ và cũng tóe máu. Đi qua những cánh rừng xanh râm ran tiếng ve vẫn nghe đâu đây khúc xẩm chế “lời ru buồn” những năm 1990 ấy.
Và tôi cũng “nghiệm” ra rằng, cứ rong xe theo “sợi tơ đỏ”, đến đoạn nào mà bên đường lấp ló những dáng hình với mái tóc đen huyền, da trắng... thì hẳn rằng đó đã đến đất Quỳ Châu. Đất của những cô gái mà đi qua ta cứ băn khoăn “nên dừng lại một chút không?”. Đất của hương trầm mà dù chỉ lướt thoáng qua giữa trưa hè đã mang lại cho ta hơi ấm của tết... Anh bạn đồng nghiệp cùng đi bảo: Không biết ngày xưa những người dưới xuôi lần đầu tiên lên đây thế nào? Giữa đường xuyên rừng gặp hổ, rồi lại bắt gặp một cô gái Thái nữa thì thế nào nhỉ? Cái đẹp của cô gái có át đi được nỗi sợ “ông ba mươi”? Không biết nữa. Nhưng chắc một điều: bây giờ vẫn bắt gặp những cô gái đẹp, nhưng khó mà thấy được hổ.
Cọn (guồng) nước là hình ảnh quen thuộc khi đến với đồng bào vùng Quỳ Châu, Quế Phong. |
2. Lên đất Quế (cách gọi thân thương huyện Quế Phong) gặp một cậu em người Thái. Cậu mời đến thăm nhà uống rượu ong rừng. Đến nơi mới thấy tình cảm “côn mí họ, cọ mí đôn” (người có họ (như) cây cọ sống thành từng vạt). Tình cảm ấy không những thể hiện trong họ, trong bản mà với cả khách xa. Chân chất và ấn tượng như món canh ột của người Thái. Món canh được nấu từ thịt gà và bột gạo. Thịt gà chặt miếng nhỏ. Gạo nương đem ngâm, sau đó giã thành bột. Nồi nước dùng đã nêm nếm gia vị, sau khi đun sôi cho bột gạo vào. Đợi bột gạo chín mới bỏ thịt gà. Khi canh ột chín thì cũng là lúc người nhà trên nhà dưới mang rượu, rồi dế mèn, rồi cả cá rô khe đến. Thú vị là cá rô nơi đây được gọi là “cá cười”. Dân bản có câu ca, cậu em tạm dịch: “Ăn canh “cá cười”/nấu với hoa chuối rừng/ăn xong trăng lên...”.
Trong chén rượu “uống cho trăng lên”, không hiểu sao mọi người lại nói đến chuyện “hội nhập” của người miền núi. Người lớn bảo: Người dưới xuôi đem lên cho quê mình nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi của quê mình nhiều thứ. Lấy đi rừng này, lấy đi nguồn nước trong này, lấy đi nếp sống quen thuộc này... Cậu em chen vào: Lấy đi cả con gái nữa. Mọi người cười ồ, nâng chén. Khách chẳng biết nói thế nào, chỉ cười. Rồi chợt buột miệng: Hình như những cọn (guồng) nước vẫn quay, nhưng không còn như ngày xưa nữa? Cậu em cười buồn: Ngày xưa nước của các con sông Nậm Giải, Nậm Việc, Nậm Quàng trong lắm. Nước mà cọn đưa lên cho dân bản là nước của cha núi mẹ rừng, còn bây giờ người ta chặt phá rừng, đào vàng, hút cát... thì cọn đưa nước lên không còn là nước trong nữa.
3. Hoa Tiến là một bản người Thái gốc thuộc xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu). Tôi đã từng lên Hoa Tiến cách đây 6 năm. Khi ấy huyện Quỳ Châu đang làm hồ sơ phục dựng bản người Thái cổ này. Đó là việc khôi phục, tu bổ các ngôi nhà sàn cổ, tục uống rượu cần của người Thái... Nhưng, từ đó đến nay, dự án cũng đến độ “cổ” của nó.
Theo anh Trần Việt Đức - Trưởng phòng VH-TT huyện Quỳ Châu, nguyên nhân chính do thiếu kinh phí. Hiện huyện này đang chỉ đạo xây dựng nơi đây thành làng du lịch cộng đồng. Đi vào bản, vẫn bắt gặp nhiều ngôi nhà sàn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, vẫn còn những ngôi nhà sàn có cột đặt kê trên đá - một trong những nét đặc trưng của ngôi nhà sàn cổ của người Thái. Nhưng bên cạnh nhà sàn cổ đã xuất hiện những ngôi nhà xây kiểu người Kinh. Mấy cửa hàng tạp hóa, cửa hàng đồ điện tử mở nhạc mới ầm ĩ thay cho những điệu hát: xuổi, lăm, nhuốn, ổi, òn... Hoa Tiến có nghề dệt nổi tiếng khắp vùng. Một trong những nghệ nhân còn giữ nghề là bà Sầm Thị Bích. Hôm tôi đến bà Bích đi Hà Nội có việc. Nhưng cô con gái Sầm Thảo Trang và các bà ở nhà cũng khá biết việc trong giới thiệu nghề và chào bán hàng. Bây giờ người Hoa Tiến chỉ còn làm những thứ dễ bán, như: khăn piêu, khăn quàng cổ, váy, áo... Một số công đoạn cho một sản phẩm dệt cũng đã được làm bằng máy.
Trước khi về, Thảo Trang đưa tôi địa chỉ Email, bảo cho cháu mấy tấm ảnh để đưa lên Facebook. Bật cười: Ờ nhỉ. Hoa Tiến cũng đã có mặt trên “thế giới phẳng”. Nhưng hình như bản Thái gốc này đang có chút gì đó “loang màu”, như con đường dẫn vào bản tôi vừa qua?
Phụ nữ Thái khoe sắc với điệu nhảy sạp. |
4. Gặp Vi Văn Dũng - cán bộ phụ trách Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Quỳ Châu. Tôi bảo, muốn cảm nhận về không gian xa xưa của “miền thổ cẩm” khó quá, Dũng cười “chỉ còn cách mời anh vô bảo tàng”. Vừa bước lên tầng 2, ngay lối vào, đập vào mắt tôi là một con hổ và một con gấu (nhồi bông) rất lớn, như để chứng minh về một thời rừng núi hoang vu. Anh Dũng cho biết, riêng con hổ, bảo tàng được người dân xã Diên Lãm (Quỳ Châu) tặng từ thời kỳ mới thành lập năm 1978.
Còn bây giờ, cả một vùng rộng lớn trên 5.000km², với 2 khu bảo tồn thiên nhiên là Pù Huống và Pù Hoạt, nhưng nếu muốn tìm cảm giác “nhớ rừng” thì có lẽ chỉ có đến đây thôi. Không chỉ hổ, gấu... mà nhiều thứ được xem là sản vật của “miền thổ cẩm” giờ chỉ còn trong nuối tiếc ở... bảo tàng. Nghe kể, thời những năm 1970 - 1980, khi người dưới xuôi lên vùng Quỳ Châu, Quế Phong, thì ngay bên đường vẫn còn những cây lim có đường kính 1 - 1,5m. Nhưng nhờ “thi đua”... chặt nên nay may ra chỉ còn trong rừng sâu và lâm tặc chưa biết đến. Rồi những cây pơ mu, sến, gụ, táu... giờ muốn “mục sở thị” chỉ còn cách vào bảo tàng xem... mẫu vật.
Trong khi theo chân anh Dũng tôi đã phải giật mình không ít lần. Giật mình về nhiều thứ đã mất, giật mình về mình. Như lâu nay tôi vẫn đinh ninh rằng cái chiêng và cái cồng của người Thái là 2 loại khác nhau, nhưng hóa ra “tuy hai mà một”. Anh Dũng giải thích: Nếu riêng từng cái thì gọi là cái chiêng, nhưng ghép 4 cái lại thì gọi là dàn cồng. Cái ngượng như dội vào lồng ngực âm âm. Như có cái gì đó đang nứt rạn. Như có những sợi tơ mong manh trong “miền thổ cẩm” đã đứt.
(Theo SGGP)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065