Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân tới Bern là sự thân thiện. Điều đó không chỉ thể hiện qua những nụ cười mến khách thường trực của cư dân bản địa, mà còn thể hiện ở ngay chính các kiến trúc hạ tầng của thành phố.
Thành phố của sự thân thiện
Dọc theo tất cả các tuyến đường chính, những người thiết kế thành phố đã tính toán thật chu đáo khi cho xây dựng nên những dãy hành lang rộng lớn có mái che và cổng vòm thông ra đường phố. Bởi vậy, thời tiết dù nắng hay mưa cũng không bao giờ là vấn đề trở ngại cho khách bộ hành khi muốn dạo bước tham quan, khám phá hoặc ăn uống, mua sắm tại những cửa hàng sầm uất trải dọc song song những dãy hành lang này.
Nhưng ấn tượng hơn cả trong mắt tôi là một thành phố cổ kính thân thiện với môi trường, khi phương tiện chính được cư dân lựa chọn khi di chuyển trong nội thành chủ yếu là xe đạp và xe buýt điện.
Nơi đây cũng đáng được coi là thành phố chuẩn mực trong các lối ứng xử văn minh giữa người và phương tiện tham gia lưu thông, khi những chiếc xe hơi luôn chủ động dừng lại nhường đường cho người đi bộ, và những người đi bộ cũng không bao giờ quên nở nụ cười cảm ơn như một hành vi lịch sự tối thiểu.
Anh bạn Việt kiều đang sống tại đây giải thích rằng, các đối tượng tham gia lưu thông tại Bern luôn theo thứ tự ưu tiên đầu tiên là trẻ nhỏ, người đi bộ, xe đạp và cuối cùng mới tới các loại xe cơ giới.
Dường như nhịp sống nhanh của thời đại công nghiệp chẳng hề ảnh hưởng chút nào tới cuộc sống riêng tư của cư dân bản địa.
Dấu ấn ngàn năm
Theo các tài liệu lịch sử, các dấu tích về sự hình thành của đời sống văn hóa, xã hội tại Bern đã xuất hiện từ thuở xa xưa, nhưng tới thế kỷ thứ 12 nơi đây mới chính thức có tên gọi.
Truyền thuyết kể rằng Berchtold V, Công tước xứ Zahringen, người sáng lập thành phố đã tuyên bố ông sẽ lấy tên con thú đầu tiên săn được trên mảnh đất này để đặt cho thành phố, sau đó một con gấu đã bị giết chết bởi mũi giáo của ông.
Từ đó, thành phố được gọi là Bern từ tên gọi Baeren (con gấu - tiếng Đức), và gấu cũng trở thành một biểu tượng trên các huy hiệu của thành phố cho tới ngày nay.
Cũng thành truyền thống từ rất lâu, thành Bern luôn dành một địa điểm quan trọng để nuôi những con gấu, và chuồng gấu tại cuối khu phố cổ đã trở thành một điểm tham quan không thể thiếu đối với du khách.
Một địa điểm không thể bỏ qua khi khám phá Bern là khu phố lịch sử cổ với những công trình phố xá, tượng đài, tháp chuông… vẫn còn đánh dấu vẹn nguyên những năm xây dựng từ thế kỷ 14, 15 và nhiều công trình cổ xưa hơn thế nữa.
Khu phố này đã được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản thế giới từ năm 1983, và cho tới nay vẫn được bảo tồn trong tình trạng hoàn hảo.
Thong thả dạo bước trên những phiến đá lát đường được đục đẽo từ những dụng cụ thô sơ từ hàng trăm năm trước, tôi đã thả mình vào những cảm xúc lắng đọng thật khó tả.
Người Thụy Sỹ xưa đã xây dựng nên đất nước hùng mạnh của họ bằng những khối óc tinh hoa và đôi tay lao động cần mẫn, nhưng những giá trị cổ xưa đó vẫn luôn được thế hệ nối tiếp trân trọng và bảo tồn.
Bởi vậy, những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử và giá trị con người cứ thế hòa quyện để rồi tạo nên một Bern thật an bình, lãng mạn.
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065