BP - Đất nước đã 42 năm hòa bình, thống nhất, Nam - Bắc liền một dải. Người lính nhập ngũ vào những ngày tháng đầu của năm 1975 (thời điểm cuối của cuộc chiến) nay cũng đã trên dưới 60 tuổi. Thời gian luôn trôi qua không bao giờ dừng lại, nhưng ký ức về những ngày sục sôi với hào khí “toàn thắng về ta” cách đây 42 năm thì luôn đọng mãi trong tâm trí những người lính già và cứ mỗi độ tháng 4 về họ lại cùng nhau “kể mãi chuyện Nguyên Phong”(*). Người viết bài này cũng là một trong hàng vạn chiến sĩ đã từng có mặt trong đội quân hừng hực khí thế tiến về giải phóng miền Nam trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 với tên gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Đây là cuộc tổng tấn công quân sự cuối cùng của quân và dân ta, nhằm đập tan ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 4-1 và kết thúc thắng lợi lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Ngoài trận đánh giải phóng tỉnh đầu tiên là Phước Long vào ngày 6-1-1975 được coi là trận trinh sát chiến lược, cuộc tổng tấn công này gồm 3 chiến dịch liên tiếp: Chiến dịch Tây Nguyên từ ngày 4-3 đến 24-3; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng từ ngày 21-3 đến 29-3 và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, diễn ra từ ngày 26-4 đến 30-4. Ngoài ra, còn có những chiến dịch nhỏ diễn ra trên các địa bàn chiến lược như Long Khánh - Xuân Lộc, giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo trên biển Đông...
Ngày 4-1-1975, quân giải phóng đánh chiếm sân bay Phước Bình - Ảnh: Duy Hiền
Những người lính lúc bấy giờ cho dù đang ở miền Bắc, miền Trung hay trực tiếp tham gia trận mạc tại miền Nam đều là những người đã góp một phần sức lực để chiến dịch tổng tấn công đi đến thắng lợi hoàn toàn. Với đơn vị chúng tôi, đầu tháng 4 mới hành quân vào đến Quảng Trị thì dừng lại để tiếp tục huấn luyện. Trên thao trường miền Trung của ngày hè, quên sao được những buổi tập luyện nắng cháy da, mồ hôi đầm đìa, cùng lúc phải học để biết sử dụng nhiều loại vũ khí, nhất là các loại súng của Mỹ sản xuất. Những ngày luyện tập chiến thuật có người mệt quá bị ngất ngay tại thao trường. Những buổi vào rừng lấy củi, chặt cây sửa chữa doanh trại, cả tiểu đội chia nhau từng ngụm nước, điếu thuốc rê... Vượt lên tất cả gian khổ, chúng tôi lao vào luyện tập cả ngày lẫn đêm, không một ai tỏ ra mệt mỏi hay ngại khó, ngại khổ, động viên giúp đỡ nhau tập luyện với cường độ rất cao theo yêu cầu huấn luyện. Vì ai cũng hiểu rằng mình đã vào đến miền Nam và ngày ra trận chiến đấu đã rất gần. Hôm nay thao trường đổ nhiều mồ hôi để ngày mai ra chiến trường sẽ bớt đổ máu. Cả đại đội chúng tôi đều hừng hực khí thế cho ngày ra trận, ai cũng mong muốn mình sẽ có mặt trong đoàn quân tham dự đánh trận cuối cùng giải phóng Sài Gòn. Nhưng mong mỏi đó đã không trở thành hiện thực. 11 giờ 30 phút ngày 30-4, tin chiến thắng được phát đi từ Đài Tiếng nói Việt Nam: Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy, đã được giải phóng. Cả đơn vị chúng tôi hò reo, ôm chầm lấy nhau, nhảy cẫng lên vô cùng sung sướng, đồng chí chính trị viên hét to đến lạc cả giọng: “Giải phóng miền Nam rồi các đồng chí ơi !”. Giải phóng Sài Gòn cũng đồng nghĩa với việc đơn vị chúng tôi vẫn phải tiếp tục ở lại Quảng Trị, nếu được vào Nam bộ thì cũng chỉ làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường!
Ngày 1-5-1975, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Toàn thắng về ta”, đoạn mở đầu chính là tâm trạng của những người lính lúc bấy giờ: “Ôi nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/Trào vui nước mắt cứ rưng rưng/Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng”. Đó cũng là hào khí của mùa Xuân đại thắng năm 1975, nhân dân Việt Nam ta đã ghi một chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử anh hùng của dân tộc. Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn đội quân nguỵ gồm hơn 1 triệu tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh và các căn cứ quân sự Mỹ - ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, xóa bỏ ách thống trị thực dân mới của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tiếp theo chiến công vĩ đại “đánh cho Mỹ cút”, quân và dân ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong chiến công vĩ đại ấy của dân tộc, những người lính nhập ngũ năm 1975 cứ mỗi lần nhớ lại thời khắc lịch sử ấy mà vẫn thấy còn nguyên vẹn niềm hạnh phúc, tự hào như ngày nào họ cùng nhau lên đường ra trận.
Tiến Bình
(*) “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong”: Hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065