BP - Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời tuổi trẻ cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của những cựu chiến binh Tiểu đoàn 168 Phước Long mãi là bản anh hùng ca. Kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống Binh chủng Đặc công (19-3-1967 - 19-3-2019) và 44 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2019), ký ức về những trận đánh ác liệt, năm tháng cùng nhau vào sinh ra tử lại ùa về khiến các cựu chiến binh Phước Long bồi hồi, xúc động xen lẫn niềm tự hào, kiêu hãnh.
NHỮNG TRẬN ĐÁNH ÁC LIỆT
Ông Đoàn Ngọc Châu (1948), thường trú khu phố 2, phường Long Thủy, thị xã Phước Long từng tham gia hàng chục trận đánh tại chiến trường Phước Long. 14 năm cầm súng, từng làm Tiểu đội trưởng trinh sát, Tiểu đội trưởng Thông tin, Trung đội trưởng Đặc công, mũi trưởng nhiều mũi tấn công thuộc Đại đội 15, Tiểu đoàn 168, ông Châu cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Trong đó, những trận đánh ác liệt diễn ra ngày 10-8-1968 ông không thể nào quên.
Cựu chiến binh Đoàn Ngọc Châu
Ông Châu nhớ lại, sau khi tham gia Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đơn vị ông chuẩn bị cho trận đánh vào Phước Trung, Phước Bình. Cuối tháng 7-1968, trinh sát hoàn thành công tác điều nghiên. Khoảng 15 giờ ngày 9-8-1968, cả Tiểu đoàn 168 hành quân. Ngoài cơm nước, vũ khí, tư trang, mỗi cán bộ, chiến sĩ còn mang theo 1 bó lồ ô để làm nắp hầm công sự chiến đấu, hay còn gọi “nắp hầm di động”. Trên đường hành quân, đơn vị ông đi qua 1 dãy huyệt mộ do đội phẫu tiền phương chuẩn bị trước cho công tác chôn cất tử sĩ sau trận đánh. Khi ấy, lòng căm thù quân xâm lược càng sôi sục, ý chí chiến đấu và quyết tâm chiến thắng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ càng dâng cao. Hoàng hôn buông xuống, đơn vị ông vượt qua cánh rừng cao su bạt ngàn, băng qua lộ 2 (ĐT741) tiến đến gần đồn bốt giặc. Khoảng 0 giờ, tất cả đơn vị bí mật, lặng lẽ đào công sự. Đến 7 giờ ngày 10-8, 1 chiếc xe jeep chở 4 sĩ quan ngụy từ Phước Bình đi vào ấp chiến lược Hiến Phong (nay gọi là Hiếu Phong), vừa tới ngã ba Hiến Phong thì tổ trinh sát của ta phục kích tiêu diệt toàn bộ, thu vũ khí đồng thời đốt cháy xe jeep. Địch cử một đại đội bảo an men theo ĐT741 kéo xuống đã bị ta phục kích dùng hỏa lực B40, B41, trung liên, cối 61cm và súng bộ binh đồng loạt nã đạn. Đội hình địch hoảng loạn tháo chạy nhưng ta đã chặn ngang tiêu diệt gọn. Quân địch tiếp tục cho máy bay trực thăng, máy bay C130 quần thảo trên bầu trời và nhả đạn xuống như mưa. Địch nhận định quân ta bị thiệt hại và sẽ rút lui nên vào chiếm lĩnh trận địa. Tuy nhiên, do đã nghiên cứu tính toán kỹ chiến thuật, chiến lược và địa hình, quân ta tiếp tục phục kích và tiêu diệt địch. Bị thiệt hại quá nhiều, địch điên cuồng dùng máy bay, pháo và cối 106,7cm bắn phá vào đội hình ta. Khoảng 16 giờ cùng ngày, địch tiếp tục cử đại đội ngụy quân và trung đội lính Mỹ theo sau yểm trợ. Quân ta khẩn trương củng cố lực lượng, bí mật phục kích với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Trong trận đấu ác liệt này, quân ta đã tiêu diệt gần 2 đại đội ngụy và 9 lính Mỹ, làm hoang mang, rệu rã sức chiến đấu của địch tại Phước Long.
“NỞ HOA TRONG LÒNG ĐỊCH”
Năm 1971, ông Mai Văn Quang (1947, ngụ khu phố 2, phường Long Thủy), được điều động về làm Trung đội phó Trung đội Đặc công Đại đội 15, Tiểu đoàn 168 với nhiệm vụ chỉ huy trung đội thọc sâu trong lòng địch đánh phá các đồn bốt từ bên trong, do vậy mọi người thường gọi là nhiệm vụ “Nở hoa trong lòng địch”. Ông Quang nhớ rõ: “Đầu năm 1972, tôi chỉ huy Trung đội Đặc công tiêu diệt 1 đại đội cảnh sát dã chiến của ngụy (tại khu vực Bệnh viện đa khoa Phước Long bây giờ). Đây là chiến công đầu tiên trên cương vị là mũi trưởng. Rạng sáng 1-7-1972, tôi tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh chiếm núi Bà Rá. Thời điểm đó còn có 2 đại đội chia làm nhiều mũi tấn công, 2 bên đánh từ đêm tới 8 giờ sáng thì quân ta chiếm lĩnh trận địa, bắt nhiều tù binh, đánh sập đài truyền tin, đài quan sát và sở chỉ huy của địch. Trong trận này, tôi bị thương, sau đó được đi điều trị, an dưỡng tại Bù Đốp. Đầu tháng 1-1975, tôi tiếp tục trở về làm trinh sát dẫn đường cho quân chủ lực của ta (Quân đoàn 3) đánh vào quận Phước Bình, tiếp đó đánh xuống Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2 và các khu vực lân cận. Quân địch hoảng loạn, quân ta thừa thắng xông lên cùng với các lực lượng được tăng cường tập trung chiến đấu và giải phóng Phước Long vào ngày 6-1-1975”.
Cựu chiến binh Mai Văn Quang
Cựu chiến binh Trần Đức Sinh
Nói về nguyên nhân thắng lợi của các trận đánh phục kích và đánh vào sở chỉ huy của địch tại Phước Long, ông Trần Đức Sinh (1950), trú khu phố 3, phường Long Thủy, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 15 phân tích: “Ngoài tập trung xây dựng lực lượng quân tinh nhuệ, tăng cường các loại vũ khí hiện đại và sử dụng nhiều chiến lược khoa học quân sự, những trận đánh của ta phần lớn đều làm tốt công tác điều nghiên. Trinh sát và bộ đội đặc công phải vượt qua rất nhiều hàng rào dây thép gai tìm hiểu, nghiên cứu vị trí sở chỉ huy của địch, đặc điểm địa hình, số lượng lô cốt, tương quan lực lượng... sau đó về đơn vị xây dựng lại mô hình, tổ chức luyện tập và triển khai đồng bộ các phương án đánh địch”.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065