Cuộc đấu súng ác liệt
Trò chuyện về những ngày tham gia cuộc chiến, từng kỷ niệm trở về như những thước phim quay chậm, ông Đông kể, sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, tháng 7-1978, đơn vị của ông là Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 460, Sư đoàn 335, Quân đoàn 5, Quân khu 1 tiếp tục tập trung huấn luyện tại Phú Thọ. Khi đó ông là Thiếu úy, Chính trị viên phó Đại đội 6. Đến tháng 1-1979, ông được bổ nhiệm Chính trị viên Đại đội 5.
Ngày 17-2-1979, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Sáng 25-2-1979, đơn vị ông được lệnh xuất kích hành quân đêm băng qua đường 13 đến huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Sáng 26-2-1979, lực lượng trinh sát dẫn đường, đơn vị của ông chia thành 3 mũi tấn công đánh chiếm các vị trí quân địch nhằm mục đích chia lửa cho chiến trường các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng. Ông Đông nhớ rõ: “Chỉ sau 3 giờ chiến đấu, đơn vị tôi dùng bộc phá đánh sập nhiều đồn bốt, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Cuộc đấu súng giữa hai bên chỉ cách nhau vài chục mét diễn ra ác liệt và trong trận đánh này, tôi bị thương do trúng đạn AK xuyên từ ngực trái ra sau lưng, làm mất một miếng xương bả vai. Khoảng 20 giờ cùng ngày, lợi dụng trời tối, đồng đội mới đưa tôi về điều trị tại Bản Dốc, tỉnh Lạng Sơn. Do vết thương nặng nên tôi tiếp tục được đưa về Bệnh viện 110 tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện 108 Hà Nội. Quá trình điều trị vết thương, tôi bị cắt xương sườn số 5, bóc tách lá phổi trái”.
Đến tháng 9-1979, sau khi sức khỏe bình phục, ông Đông trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu, công tác và được thăng quân hàm Trung úy, điều động về làm Trợ lý chính sách tại Phòng Chính trị Sư đoàn 338. Tháng 1-1981, ông được nghỉ chính sách, hưởng chế độ thương binh 2/4 tới nay.
Những kỷ niệm không quên
Kể về ký ức trên chiến trường, ông Đông nhớ lại: “Khi đơn vị tôi vừa chiếm được 1 quả đồi, quan sát thì tôi thấy một đồng đội, cũng là đồng hương tỉnh Ninh Bình đã hy sinh gần đó trong tư thế vẫn vác khẩu B40 trên vai. Trong tâm tôi nghĩ sẽ cố gắng đưa được liệt sĩ ấy về quê. Rất không may ngay sau đó, địch từ phía đồi bên bắn sang khiến tôi bị thương nặng, do vậy dự định đưa thi thể liệt sĩ đó về quê không thực hiện được”.
Ông Đông kể tiếp một câu chuyện khác là trong quá trình điều trị tại Bệnh viện 110 tỉnh Bắc Ninh, có một chiến sĩ bị thương ở cánh tay cũng về điều trị và nhận ra ông. Ngay sau đó, chiến sĩ này liên lạc và báo về cho gia đình. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hồng khi ấy đang dạy học ở tỉnh Hòa Bình bế theo con trai đầu chưa đầy 1 tuổi đón xe ôtô lên chăm sóc chồng. Bà Hồng còn nhớ như in kỷ niệm đó, thêm vào câu chuyện của ông, bà kể: “Quá trình bế con trên đường đi, do tôi đói không có sữa, con trai cứ khóc ngặt nghẹo vậy là 2 mẹ con cùng khóc. Khi tới bệnh viện, trời đã tối sẫm, bảo vệ bệnh viện không cho vào vì kiểm tra trong danh sách thương binh không có tên ông ấy. Tôi sụp xuống, phần vì mệt, phần vì hoang mang lo lắng. Mãi đến khuya, cô y tá mới thông báo ông ấy đang trong phòng cấp cứu, vì tới gấp nên bệnh viện chưa kịp vào sổ theo dõi thương binh. Cuộc gặp gỡ hôm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho những người ở hậu phương chúng tôi”. Ông Đông tiếp lời: “Thời điểm đó, chiến tranh diễn ra ác liệt, rất nhiều chiến sĩ bị thương được chuyển về bệnh viện điều trị. Điều kiện lúc đó khó khăn nên phải dùng xe tải lót cát phía dưới, rải rơm lên trên cho đỡ xóc để chở thương binh... Chiến tranh tàn khốc, thiệt hại rất nhiều người và của nhưng chúng ta vẫn chiến thắng, giành lại bờ cõi, giang sơn”.
Phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, không khuất phục khó khăn, tháng 9-1992, CCB Lê Thanh Đông đưa gia đình vào lập nghiệp tại huyện Bù Đăng. Tháng 3-1993, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã Thọ Sơn. Tháng 6-1996, ông làm Chủ tịch UBMTTQVN xã đến năm 2009 nghỉ hưu. Quá trình tham gia cách mạng, ông được đảng, nhà nước tặng 2 Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác. Hiện ông sống và sinh hoạt hội CCB tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng.
Ông Đỗ Xuân Hướng, Chủ tịch Hội CCB xã Phú Sơn cho biết: “Quá trình sinh hoạt hội tại cơ sở, ông Lê Thanh Đông luôn gương mẫu trong mọi phong trào. Ông là tuyên truyền viên, thường xuyên tham gia Câu lạc bộ “Ông kể cháu nghe”, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Ông còn làm kinh tế giỏi và là đảng viên mẫu mực tại địa bàn”.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065