* Thi đại học đợt 2: 123 thí sinh bị đình chỉ
Sáng nay, 10-7, thí sinh cả nước đã hoàn tất môn thi thứ ba, buổi thi cuối của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ 2014. Thí sinh khối C và D thi Ngữ văn; khối B thi môn Hóa học.
Báo cáo về đợt thi thứ 2 của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, số trường đại học tổ chức thi trong đợt 2 là 141 trường. Số thí sinh dự thi là 594.683, đạt tỷ lệ 78,07%. Số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh là 77.164.
Bộ GD-ĐT nhận định, đề thi được bảo mật tuyệt đối, an toàn trong tất cả các khâu; không có sai sót; đề thi được dư luận đánh giá cao đặc biệt là các đề thi các môn lịch sử, địa lí, nội dung mang tính thời sự. Các Hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; việc tổ chức thi diễn ra bình thường.
Trong đợt 2, trên phạm vi cả nước, có 153 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 28; cảnh cáo: 2; đình chỉ: 123); có 6 thí sinh đến muộn không được dự thi. “Đợt thi đại học thứ 2, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc”, Bộ GD-ĐT khẳng định.
Đề Văn khối C: Giàu cảm xúc
Đề Văn khối C được thí sinh đánh giá là khá hay, mở, hoàn toàn là kiến thức nằm trong sách giáo khoa và có “đất” để thí sinh trình bày cảm thụ văn học cũng như suy nghĩ cá nhân của mình trước trách nhiệm của cá nhân đối với đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh biển Đông có nhiều căng thẳng như hiện nay.
Đề Văn khối C có 3 câu, câu thứ nhất yêu cầu thí sinh thể hiện năng lực đọc hiểu qua bài thơ “Đò Lèn” của tác giả Nguyễn Duy. Tác phẩm nằm trong sách giáo khoa lớp 12, thể hiện tình cảm bà cháu. Cách ra đề đọc hiểu này thí sinh đã làm quen với đề thi tốt nghiệp năm 2014 nên không có gì khó khăn với thí sinh khi phải trả lời các câu hỏi về phương thức biểu đạt trong đoạn thơ, tình cảm của nhân vật trong đoạn thơ.
Câu 2 (3 điểm) là điểm nhấn của đề thi Văn khối C khi đưa ra câu “kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình. Ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia?”. Đây là câu trích trong tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao có trong chương trình. Thí sinh Nguyễn Thị Hòa (trường THPT Lương Văn Tụy, Ninh Bình) cho biết rất thích câu hỏi này. “Với câu nghị luận xã hội này, em đã được thể hiện suy nghĩ cá nhân về sức mạnh của một con người chân chính nói riêng, một quốc gia hùng mạnh, tự cường và có trách nhiệm nói chung. Em viện dẫn câu chuyện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để chứng minh Trung Quốc đang hung hăng thể hiện sức mạnh của một kẻ mạnh nhưng lại “giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ”, thí sinh Hòa cho biết.
Nhiều thí sinh cũng chung nhận định, câu 2 là cơ hội để các em bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề biển Đông hiện nay, về trách nhiệm của các quốc gia, nhất là của những nước lớn trong bối cảnh toàn cầu hội nhập.
Thí sinh dự thi môn Văn sáng 10-7 tại Đại Học Mở -Hà Nội |
Câu 3 (5 điểm) yêu cầu thí sinh bình luận các ý kiến khác nhau về hình tượng sông Hương trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhiều thí sinh cho biết hoàn toàn bất ngờ khi đề văn ra vào tác phẩm này. Đây là tác phẩm trong chương trình nâng cao, nhiều thí sinh không học vì không ngờ tới. Năm nay, trong bối cảnh biển Đông căng thẳng, nhiều thí sinh ra sức ôn luyện về các tác phẩm yêu nước. Đây là một bất ngờ. Tuy nhiên, với những thí sinh chỉ cần đã đọc qua tác phẩm này thì lại cho rằng, việc phân tích để đạt điểm cao không hề khó.
Thí sinh Lê Tuấn Vũ (Trường THPT Dương Xá, Hà Nội) - chia sẻ, đề văn năm nay được ra theo hướng mở giống như với kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. “Chúng em rất thích dạng đề thi này: vừa được vận dụng kiến thức trên lớp, vừa được nói lên quan điểm, chính kiến của bản thân. Với đề thi dạng mở như năm nay, cách làm, cách viết của chúng em không bị gò bó, dập khuôn mà sẽ là những bài văn phóng khoáng, đa dạng và sinh động động “.
Đề Văn khối D: Khơi gợi lòng yêu nước
Nhiều thí sinh nhận xét, đề thi môn Văn năm nay không dài nhưng các câu hỏi đều phải có tư duy cao mới làm được. Trong đó có một câu hỏi mở yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề cống hiến và tận hưởng.
Đề Văn khối D yêu cầu thí sinh viết về tâm tư, tình cảm của Nguyễn Đình Thi qua những lời khẳng định "Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Thí sinh Nguyễn Thị Huyền (Giao Thủy, Nam Định) thi vào Đại học sư phạm Hà Nội 2 cho biết, trong đề thi có câu 1 và câu 2 em rất thích. Câu 1 từ bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Đình Thi để làm các câu hỏi liên quan, có thể đề cập đến tình hình đất nước hiện nay. Những câu thơ trong đề nhằm nhắc lại tình yêu quê hương đất nước trong các ý thơ. Câu 2 nêu một ý kiến là phương châm sống tích cực của con người hiện đại cũng được đưa vào đề văn. Đó là "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa". Từ ý kiến này, đề yêu cầu thí sinh hãy bày tỏ chủ kiến của mình.
Nhiều thí sinh cho biết câu này cũng có ý nói về tình yêu quê hương đất nước khi làm bài và thể hiện chính kiến của thí sinh về hoàn cảnh thực tại, buộc thí sinh phải thể hiện quan điểm về sự cống hiến và thụ hưởng, cũng là dịp để giới trẻ ý thức được trách nhiệm của mình.
Câu nghị luận văn học 5 điểm yêu cầu thí sinh cảm nhận về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca cũng không đơn thuần là kiến thức văn học, bởi trong số những dữ liệu đề cho còn có cảm nhận mang nhiều ý nghĩa: Đó là mẫu nghệ sĩ chiến sĩ, vì dấn thân đấu tranh cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Nhiều thí sinh khối D nhận định đề thi có câu 3 (5 điểm) hơi khó, hầu hết các thí sinh đều thấy lạ với câu hỏi này vì từ trước đến nay bài thơ này chưa ra trong đề thi.
Thí sinh dự thi vào ĐH Sư phạm TPHCM tại Hội đồng thi trường THPT Hùng Vương vui vẻ ra về sau giờ thi môn Ngữ văn |
* Tại TPHCM: Ghi nhận tại một số hội đồng thi, thí sinh cho biết đề thi Văn ở khối C và khối D đều gây bất ngờ với các câu hỏi.
Tại điểm thi trường ĐH Ngoại ngữ & Tin học TPHCM, các thí sinh cho rằng, câu đầu tiên của đề Văn khối C thực sự gây khó cho thí sinh bởi tác phẩm "Đò Lèn" là phần nằm trong bài đọc thêm, thí sinh thường ít quan tâm. Bên cạnh đó, nội dung câu hỏi cũng buộc thí sinh phải nắm kiến thức thật kỹ và sâu như xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ; phân tích được sự vô tâm của người cháu và nỗi cơ cực của bà hiện lên qua những hồi ức được cho trong đoạn thơ…
Câu 2 của đề được các bạn đánh giá là khá hay, khi trình bày ý kiến cá nhân về câu nói “Kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm đạp lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình” của nhà văn Nam Cao.
Bạn Nguyễn Thị Liên, thi vào Trường ĐH KHXH&NV TPHCM chia sẻ: “Với câu hỏi này, thí sinh không chỉ trả lời trên góc độ cá nhân, mà còn phải liên hệ với hoàn cảnh và vị thế của đất nước hiện nay. Nhất là tình hình căng thẳng biển Đông hiện nay”.
Trong khi đó, Bạn Nguyễn Thị Hồng, thi vào ngành Sư phạm mần non chia sẻ: “Câu số 2 khá bất ngờ và lý thú. Nội dung đề cập đến tư tưởng sống của các bạn trẻ. Trong giai đoạn hiện nay, thanh niên không nên sống cho bản thân, mà phải biến cống hiến hết mình cho đất nước, cho xã hội và những người xung quanh. Vế thứ hai, em cho rằng thanh niên nên đặt ra cho mình những chuẩn mực và mục tiêu. Cố gắng hoàn thành nó và tận hưởng những kết quả mà nó mang lại. Không nên mơ mộng quá nhiều. Đây cũng là căn bệnh phổ biến của người trẻ hiện nay”.
Nhìn chung, các bạn trẻ thừa nhận, cần phải liên hệ bản thân vào các phần trả lời mới mang lại điểm cao.
Môn Hóa không dễ kiếm điểm
Trước đó, thí sinh khối B hoàn thành thi môn Hóa với hình thức trắc nghiệm trong 90 phút. Ghi nhận của phóng viên tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhiều thí sinh cho hay, đề thi môn Hóa khó hơn so với đề thi khối A, đợt 1. Thí sinh Hoàng Linh Trang (quê Tuyên Quang), dự thi khoa học môi trường cho biết, đề hóa năm nay khó, và dài. Những câu khó thuộc về phần hữu cơ, do kỹ năng làm bài chưa bài bản nên em khó làm được những câu bài tập như vậy. Phần lý thuyết không quá khó, nhưng hơi dài, phải tập trung cao mới giải hết được đề”, Trang nói.
Thí sinh Nguyễn Nam Khánh (huyện Đan Phượng, Hà Nội), dự thi khối B, ngành công nghệ sinh học cho biết, em làm bài thi môn Hóa vừa đủ thời gian. Nội dung trong đề thi môn hóa trải dài kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12. Đề thi có khoảng 50% câu hỏi lý thuyết, phần lớn tập trung vào phần hóa vô cơ và hữu cơ. “Câu hỏi lý thuyết cơ bản, nên nhiều thí sinh làm nhanh. Thí sinh chỉ gặp khó ở câu hỏi dạng bài tập. Trong đó điển hình ở câu 46 mã đề 683, đề bài cho hỗn hợp gồm các chất sau đó yêu cầu thí sinh tính giá trị của M. Câu hỏi này em chưa từng được ôn qua. Khi làm em không thể tìm ra được công thức của chất nên phải chọn bừa đáp án”, Khánh cho biết.
Thí sinh Đinh Ngọc Tân, đến từ Phú Thọ, dự thi vào khoa môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết, đề khá khó và hóc búa, rất may mắn là thời gian làm những câu lý thuyết mất ít nên thí sinh dành chủ yếu thời gian để làm các câu về tính toán khó hơn. “Thời gian không đủ để em làm bài, phải khoanh vội một số câu. Em dự tính bài mình được trên 7 điểm"- Tân cho biết.
Một số thí sinh khác nhận định, đề Hóa không quá dài. Trong đề có những câu rất dễ, thí sinh làm rất nhanh, nhưng một số câu khá lắt léo đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức. Nhìn chung, đề thi vẫn theo sát chương trình bọn em được học, không có gì đánh đố cả”.
|
|
|
Nhận xét đề thi môn Văn khối C, D: Đề cao nhân cách sống đẹp
Năm nay, đề thi môn Văn của khối C và D đều có độ khó như nhau. Đề thi cả hai khối đều có điểm mới đáng ghi nhận so với mọi năm. Thứ nhất, Câu I là sự tích hợp giữa Tiếng Việt với yêu cầu nhận biết về nội dung của đoạn thơ. Về yêu cầu này không thật sự khó nhưng thí sinh không dễ lấy trọn vẹn điểm vì phần Tiếng Việt ít được chú trọng ôn tập; Câu II cả đề thi khối C và D đều định hướng rất tốt về nhân cách sống đẹp “Biết cống hiến hết mình” để “Hưởng thụ tối đa”. Cần tránh lối sống “ngồi mát ăn bát vàng”. Đồng thời, ở đề C đã đề cao “sức mạnh” chân chính. Câu văn của Nam Cao giàu triết lí nhân sinh nhưng lại quen thuộc nên không phải là thử thách với thí sinh
Thứ 2, Câu III là lối đặt câu hỏi giống năm trước ở yêu cầu 2 vấn đề tương phản và tương đồng để thí sinh chứng minh nhận định. Điều đặc biệt năm nay là không có câu 3a, 3b để chọn vì thế sẽ loại rất nhiều thí sinh nếu học hành không tử tế. Tuy nhiên, đó cũng chính là biểu hiện về sự công bình trong tuyển chọn thí sinh thực sự có năng lực và ý thức tốt nếu muốn trở thành những trí thức đúng nghĩa ở tương lai.
Nguyễn Đức Hùng
(Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TPHCM)
Nhận xét đề thi Hóa khối B 2014 - Mã đề 739
Điểm mới của đề Hóa năm nay là có các hình vẽ mô phỏng thí nghiệm. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có thực hành mới có thể giải được, nếu không thực hành sẽ rất khó tưởng tượng ra để giải.
Đề thi có tỷ lệ lý thuyết bằng các bài toán, chiếm khoảng 50%, kiến thức trải rộng cả 3 khối lớp nhưng tập trung chủ yếu vào lớp 12.
Câu hỏi lý thuyết có nhiều câu dễ chỉ cần thuộc bài là học sinh sẽ làm được.
Các bài toán khó như câu 20, 25, 29, 30 (mã đề 739) đòi hỏi tốn nhiều thời gian để làm.
Đề thi có nhiều câu dễ, chỉ tương đương như thi tốt nghiệp THPT. Do đó, để đạt được 5, 6 điểm không phải là quá khó. Tuy nhiên, có những câu rất khó, chỉ dành cho học sinh khá giỏi. Như vậy, với để thi này, phổ điểm tập trung chủ yếu ở mức 5 điểm, điểm 9 trở lên sẽ rất hiếm.
Đề thi này có tính phân loại tốt, phù hợp với kỳ thi tuyển sinh ĐH. Mức độ khó cũng tương đương đề khối A. Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi khó đòi hỏi phải tính toán rất nhiều, giải như một bài toán lớn nên thí sinh sẽ không đủ thời gian để làm bài.
Trần Trung Trực
(Trường THPT Vĩnh Viễn – TPHCM)
Đi thi không mang theo... giấy tờ
Sáng 10 - 7, tại Hội đồng thi Trường PTTHCS Nguyễn Thái Học (phường Cầu Ông Lãnh Quận 1), phòng thi số 13 không cho thí sinh tên Nguyễn Trọng Phước (Trảng Bàng, Tây Ninh) vào phòng thi với lý do không mang theo giấy CMND, bằng tốt nghiệp (tạm thời) và giấy báo thi, thời điểm xảy ra chỉ còn 10 phút là bốc đề thi.
Rất may em Phước thuê phòng trọ ngay sát bên trường nên chạy vội về phòng trọ lấy những loại giấy tờ cần thiết quay trờ về phòng thi, do vội, em Phước lại quên chiếc cặp trong đó có dụng cụ giấy bút để thi, được một phụ huynh nhặt và chạy đến đưa hội đồng thi để chuyển đến em.
Nguyễn Trung
“Nấm lùn” mê phần mềm máy tính
Thí sinh Nguyễn Quang Phương (huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) có chiều cao khiêm tốn, em chỉ cao chỉ cao 1,2 m và thường được bạn bè gọi vui là “nấm lùn di động”.
Suốt 12 năm học, tuy gặp khó khăn khi đi lại nhưng Phương luôn đạt học lực khá-giỏi. Đặc biệt, em rất mê máy tính. Phương tâm sự: “Ngay từ nhỏ, em đã mê mẩn các phần mềm diệt virus cài trên máy tính của một cậu bạn trong xóm. Xem nó hoạt động ra sao, cài lên máy thế nào. Lớn lên, em có điều kiện tìm hiểu sâu hơn cách tạo ra một phần mềm và làm sao cho nó hoạt động. Thường thì em tranh thủ qua nhà bạn để sử dụng nhờ máy tính bởi gia đình em khó khăn. Cứ thế, niềm đam mê máy tính lớn dần và em quyết tâm thi vào ngành CNTT của Trường ĐH KHTN TPHCM. Sau này ra trường, công việc cũng phù hợp hơn với thể hình của bản thân”.
Thí Sinh Nguyễn Quang Phương sau giờ thi môn Hóa sáng nay. |
Kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, Phương còn thi khối B, ngành Công nghiệp thực phẩm của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Cả hai khối thi em đều làm bài khá tốt.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065