Em Nguyễn Thị Thanh Nhã, lớp 12D, Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) cho biết: Thi cùng phòng nhưng mỗi bạn mỗi mã đề nên không biết đề nào khó, đề nào dễ. Còn cảm nhận của cá nhân em thì đề môn Sử khó, đề Địa lý và Giáo dục công dân dễ hơn năm 2018. Đề Sử bám sát sách giáo khoa, trong đó 4 câu chương trình lớp 11, số còn lại thuộc chương trình lớp 12. Trong 40 câu, chỉ 10 câu đầu dễ lấy điểm, còn lại độ khó tăng dần, đặc biệt từ câu 27 trở đi phải có kiến thức chuyên sâu về môn Sử mới làm được. Với dạng đề này nếu lực học bình thường rất khó lấy điểm tốt nghiệp. Với đề môn Địa thì dễ hơn năm ngoái nhiều và dễ hơn đề thi thử của trường. Đề phân hóa không cao, sử dụng Atlat địa lý Việt Nam đã có 2,5 điểm và với học sinh học lực khá dễ đạt điểm 8 trở lên. Em hy vọng đạt điểm 10 môn Địa. Tương tự, đề môn Giáo dục công dân cũng ở mức bình thường, không khó, dễ lấy điểm khá.
Cùng quan điểm, em Phan Kim Tuấn Anh, lớp 12E, Trường cấp 2-3 Đồng Tiến (Đồng Phú) nhận định: Đề Sử khó, Địa và Giáo dục công dân dễ lấy điểm tốt nghiệp. Đề Sử khó tương đương đề năm 2018, chỉ 10 câu đầu là dễ, số còn lại độ khó tăng dần. Do khó nên sau khi hoàn thành bài thi, em tự chấm 18 câu đúng, số còn lại chưa chắc chắn lắm. Còn đề Địa tương đối dễ, độ phân hóa không cao, nếu biết khai thác tốt Atlat đã làm được 11 câu, số còn lại bám sát sách giáo khoa, trong đó 4 câu chương trình lớp 11, số còn lại thuộc chương trình lớp 12. Đối với đề Giáo dục công dân, nếu đọc sơ qua thấy khó nhưng nếu chịu khó đọc kỹ thì thấy dễ, bám sát sách giáo khoa và cuộc sống đời thường. Sau khi hoàn thành 3 bài thi, Tuấn Anh tự chấm môn Sử 5 điểm, 2 môn còn lại mỗi môn đạt điểm 6 trở lên.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, môn Sử có 5.315 thí sinh dự thi trong tổng 5.364 thí sinh đăng ký, vắng 49 thí sinh; môn Địa có 5.247 thí sinh dự thi trong tổng 5.292 thí sinh đăng ký, vắng 45 thí sinh; môn Giáo dục công dân có 4.663 thí sinh dự thi trong tổng 4.682 thí sinh đăng ký, vắng 19 thí sinh. Buổi thi cuối diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Như vậy, sau 3 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tại cụm thi Bình Phước không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế.
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Nhà giáo ưu tú Lý Thanh Tâm, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã triển khai công tác kỳ thi theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Kỳ thi đã diễn ra thành công, an toàn, đúng quy chế, không có thí sinh và cán bộ coi thi, cán bộ phục vụ kỳ thi vi phạm quy chế. Kỳ thi không có hiện tượng bất thường. Riêng 2 thí sinh bị tai nạn trước kỳ thi, Sở GD-ĐT sẽ xét đặc cách công nhận tốt nghiệp, đó là em Lê Thị Quỳnh Như, lớp 12H, Trường THPT chuyên Quang Trung, bị tai nạn chiều 23-6; em Nguyễn Thanh Tân, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Phú Riềng), bị tai nạn ngày 20-6. Ngoài ra, sáng 26-6, tại điểm thi Trường THPT Lộc Ninh (Lộc Ninh), thí sinh Nguyễn Ngọc Được (thí sinh tự do) bị tai nạn giao thông không thể tham dự thi các bài tổ hợp khoa học tự nhiên. Thành công của kỳ thi đó là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở GD-ĐT với Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) và sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065