BP - Môn Giáo dục công dân (GDCD) được đưa vào chương trình phổ thông từ rất sớm và tên gọi đã nói lên vị trí quan trọng của môn học này trong nội dung giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, chất lượng dạy và học môn GDCD còn nhiều bất cập. Trước thực trạng đó, ngày 28-9-2016, Bộ GD-ĐT quyết định đưa GDCD trở thành môn thuộc tổ hợp khoa học xã hội tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Sau một thời gian dài ôn tập với ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm phong phú, các buổi thảo luận sôi nổi, học sinh đã vững tin khi lựa chọn môn này trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
HỌC SINH TỰ TIN
Chương trình học phụ đạo buổi chiều của học sinh Trường THPT Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chia thành 5 lớp với các môn học khác nhau. Cùng với học Văn, Toán, Ngoại ngữ, việc phụ đạo môn tự chọn ở các tổ hợp cũng sôi nổi không kém. Trong đó thảo luận môn GDCD với các vấn đề thời sự như xăm trổ trên mình của giới trẻ, hiện tượng thần tượng ca sĩ... diễn ra sôi nổi. Lớp học càng sôi động khi các em được nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình về các vấn đề đang diễn ra trong xã hội hiện nay. Theo thống kê của nhà trường, đã có 78/115 học sinh lớp 12 đăng ký thi môn GDCD trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Giáo dục công dân là môn học trang bị nhiều kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là những kiến thức nền tảng liên quan đến hình thành nhân cách, đạo đức con người
Em Vũ Thị Phương Anh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Đắk Ơ cho biết: “GDCD là môn học rất bổ ích, giúp em có thêm nhiều kỹ năng sống, những bài học thú vị, đặc biệt là những quy định mới của nhà nước, pháp luật. Nếu chú ý học thì môn GDCD có những chủ đề cơ bản, ngắn gọn liên quan đến các vấn đề trong cuộc sống. Khi lựa chọn môn GDCD, em nghĩ đây là một trong những lợi thế giúp mình đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới”.
GDCD là môn học mang lại lợi ích thiết thực, là nền tảng cơ bản giúp học sinh phấn đấu trở thành công dân tốt, biết thực hiện bổn phận đối với bản thân, gia đình, nhà trường và cộng đồng. Thực tế khi chưa đưa GDCD vào kỳ thi THPT quốc gia, nhiều học sinh chỉ học đối phó môn học này. Nhưng nay đã khác, giáo viên quan tâm hơn khi soạn nhiều câu hỏi trắc nghiệm, còn học sinh chủ động học tập, tìm hiểu tài liệu và trao đổi với giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên dạy môn GDCD Trường THPT Ngô Quyền, huyện Phú Riềng cho biết: “Khi Bộ GD-ĐT đưa môn GDCD vào thi THPT quốc gia tức là bộ môn này đã được quan tâm và đưa nó lên một tầm quan trọng hơn. Qua đó, cả giáo viên và học sinh cũng có cái nhìn thay đổi về bộ môn này. Để giúp học sinh ôn luyện tốt, ngoài hướng dẫn nghiên cứu tài liệu, giáo viên bộ môn thường xuyên kiểm tra, thảo luận để củng cố kiến thức cho học sinh, đồng thời xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, giúp các em quen với cách thi mới. Tôi nghĩ nếu mỗi học sinh cố gắng trau dồi thêm kiến thức thì đây sẽ là môn “cứu cánh” trong kỳ thi sắp tới”.
KHÔNG CÒN LÀ “MÔN PHỤ”
Từ khi được đưa vào danh sách môn tự chọn thi tốt nghiệp, GDCD đã nhận được quan tâm, nghiên cứu và học hỏi từ giáo viên đến học sinh. Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, giáo viên phụ trách bộ môn đã triển khai dạy và học theo phương thức mới; đồng thời tự lập ra ngân hàng câu hỏi theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia để học sinh làm quen trong các bài kiểm tra.
Với nhiều giáo viên giảng dạy GDCD, việc đưa bộ môn này thành một môn thi thực sự là niềm vui. Ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong giáo dục học sinh thì vị thế môn học trong hệ thống giáo dục, vai trò của giáo viên cũng được xã hội nhìn nhận một cách tích cực hơn. Cô Nguyễn Huy Phương, giáo viên Trường THPT thị xã Bình Long cho biết: “Tôi rất hoan nghênh khi Bộ GD-ĐT đưa môn GDCD vào thi THPT quốc gia từ năm 2017. Thực tế cho thấy, môn học này rất cần thiết đối với mọi học sinh, vì nó bổ trợ kỹ năng sống, các kiến thức pháp luật... Qua một thời gian, thái độ học tập của học sinh, sự hiểu biết, kiến thức của các em thay đổi, điều đó làm các giáo viên rất vui, tạo hứng khởi và tâm huyết hơn trong giảng dạy”.
Tuy còn những trở ngại ban đầu, nhưng việc đưa GDCD vào thi THPT quốc gia năm 2017 đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Đặc biệt khi môn học gắn liền với thi cử sẽ giúp học sinh học một cách nghiêm túc hơn, không còn tư tưởng “môn chính”, “môn phụ”. Từ đó góp phần bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, lối sống, cũng như giảm bạo lực học đường... Vấn đề còn lại là các cơ quan quản lý giáo dục thay đổi chương trình, sách giáo khoa, tăng cường thực hành và cả tâm huyết của người dạy để bộ môn “dạy làm người” thực sự hiệu quả.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065