Thí sinh sau giờ thi môn Toán kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (Đồng Xoài)
P.V: Thưa ông, 2015 là năm đầu tiên cả nước thực hiện kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”. Đối với Bình Phước ngành GD-ĐT đã rút ra được những kinh nghiệm gì?
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, thí sinh Bình Phước tham gia 2 cụm thi. Cụm thi liên tỉnh do Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chủ trì nhằm lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng, thí sinh dự thi tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì, thí sinh dự thi tại Bình Phước. Qua kỳ thi, ngành GD-ĐT tỉnh đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, căn cứ quy chế kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT đã sớm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức kỳ thi, xác định các điểm thi; ban hành chỉ thị về kỳ thi, chỉ thị cho các cấp, ngành liên quan tham gia tổ chức kỳ thi; thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Thứ hai, có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các trường đại học. Cụm thi liên tỉnh, nơi thí sinh Bình Phước dự thi, Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh với vai trò chủ trì đã yêu cầu Sở GD-ĐT cử cán bộ tham gia. Theo đó, Sở GD-ĐT đã cử 1 phó giám đốc làm Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng cụm thi Trường đại học Công nghiệp; 1 phó trưởng phòng làm thư ký ban chỉ đạo kỳ thi tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là Phó trưởng ban coi thi cụm thi Trường đại học Công nghiệp. Sự phối hợp của 2 cán bộ này được đánh giá là chặt chẽ, hiệu quả và thường xuyên với đơn vị chủ trì. Cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì đã chủ động yêu cầu Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) cử 31 cán bộ, giảng viên tham gia, trong đó có các cán bộ làm Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban coi thi, Phó trưởng ban chấm thi, Phó trưởng ban khúc khảo bài thi. Việc tham gia của cán bộ, giảng viên Trường đại học Thủ Dầu Một vào các khâu tổ chức kỳ thi đã giúp diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế.
Thứ ba, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ chi phí đi lại, nước uống cho học sinh nghèo, khó khăn với 300 ngàn đồng/thí sinh đối với cụm thi liên tỉnh, 200 ngàn đồng/thí sinh đối với cụm thi tỉnh. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với đoàn thanh niên trường, ban đại diện cha mẹ học sinh chăm lo, hướng dẫn thí sinh dự thi. Tỉnh đoàn cũng đã huy động hàng chục tình nguyện viên tổ chức đưa đón, hướng dẫn thí sinh tại TP. Hồ Chí Minh.
P.V: Ngày 18-2, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố những thông tin quan trọng trong quy chế tuyển sinh năm 2016 và có điều chỉnh phù hợp. Xin ông cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có điểm gì mới và thí sinh phải lưu ý gì so với kỳ thi năm 2015?
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có những điểm mới sau. Thứ nhất, về cụm thi, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 2 cụm thi, cụm thi do trường đại học chủ trì vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa xét đại học, cao đẳng và cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Do Bình Phước có 2 cụm thi đồng thời, Sở GD-ĐT đang tham mưu UBND tỉnh xác định phương án để tất cả thí sinh dự thi cụm thi do trường đại học chủ trì. Lý do là năm 2016 thí sinh không phải đi sang tỉnh khác để dự thi, hơn nữa dù đơn vị nào chủ trì, kỳ thi cũng phải tổ chức an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Hiện Bộ GD-ĐT chưa phân công trường đại học nào sẽ chủ trì tại Bình Phước, do đó chưa có sự phối hợp cụ thể.
Thứ hai, về đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Trường đại học chủ trì cụm thi cấp cho mỗi thí sinh chỉ 1 giấy chứng nhận kết quả thi để sử dụng mã số trong giấy chứng nhận nhằm đăng ký xét tuyển. Hình thức xét tuyển là qua đường bưu điện và trực tuyến (online); trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng. Trong đợt xét tuyển đầu tiên (12 ngày), thí sinh đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo; trong các đợt xét tuyển kế tiếp (mỗi đợt 10 ngày), thí sinh đăng ký tối đa 3 trường/đợt, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.
P.V: Để kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra tốt đẹp, ngành GD-ĐT tỉnh đã chuẩn bị như thế nào? Xin ông cho biết một vài mốc thời gian quan trọng mà thí sinh cần nhớ?
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG: Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường có kế hoạch ôn tập, kiểm tra hồ sơ cho thí sinh, đảm bảo tính chính xác và thống nhất; thông báo cho thí sinh chuẩn bị các giấy tờ ưu tiên, khuyến khích (nếu có); kiểm tra cơ sở vật chất để đề nghị sửa chữa; báo cáo danh sách cán bộ, giáo viên đủ điều kiện tham gia tổ chức kỳ thi; nắm tình hình điều kiện an ninh, sinh hoạt tại các điểm thi. Thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo các trường cho học sinh đăng ký sơ bộ môn thi tự chọn xét tốt nghiệp THPT để nắm tình hình ban đầu. Các công việc còn lại sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Hiện Bộ GD-ĐT chỉ mới xác định thi trong 4 ngày, từ ngày 1 đến 4-7, các mốc thời gian khác chưa được bộ công bố.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Vũ Thuyên (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065