Đây là kỳ thi “hai chung”, nên tính chất quan trọng hơn rất nhiều so với các kỳ thi của những năm trước. Nó quyết định đến cả tốt nghiệp THPT và con đường vào giảng đường đại học, cao đẳng. Chính vì thế, kỳ thi đã được xã hội quan tâm nhiều hơn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trong phiên họp Chính phủ ngày 29-6 cho biết, hệ thống chính trị cả nước đã vào cuộc để kỳ thi được diễn ra đạt kết quả tốt nhất. Điều đó cho thấy xã hội rất quan tâm đến giáo dục nói chung và đối với bước trưởng thành của thế hệ trẻ nói riêng. Vấn đề đặt ra, sự quan tâm là đáng quý, nhưng quan tâm như thế nào cho đúng, cho trúng và ngành giáo dục phải làm gì trước sự quan tâm ấy?
Có lẽ, trên thế giới, không có nền giáo dục của đất nước nào các kỳ thi lại quan trọng như ở nước ta. Và cũng không có nền giáo dục nào lại có nhiều kỳ thi như ở nước ta. Song hành với các kỳ thi chính thức, còn rất nhiều “kỳ thi” không chính thức, như kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra hết học kỳ... (đối với bậc trung học), kiểm tra lấy điểm thành phần lần 1, kiểm tra lấy điểm thành phần lần 2, thi hết môn... (đối với bậc chuyên nghiệp). Các kỳ thi của chúng ta đặt nặng việc kiểm tra học sinh, sinh viên đã học tập như thế nào. Đối với nền giáo dục phát triển, nhà trường không kiểm tra học trò của họ đã học tập như thế nào, mà họ kiểm tra học trò của mình rút ra điều gì, đã ứng dụng như thế nào từ những gì đã học được. Vì thế, nền giáo dục phát triển rất ít các kỳ thi, thay vào đó là những bài luận hoặc hỏi đáp trực tiếp để đánh giá tâm hồn, kiến thức, khả năng tư duy. (Xin được dẫn giải thêm: Ở nước ta quá quen thuộc với việc sinh viên quay cóp tài liệu khi đi thi, thuê người làm giúp hoặc xào xáo bài luận, tiểu luận của người khác. Những điều này gần như không bao giờ xảy ra ở nền giáo dục phát triển).
Và cũng vì thế, ở những nước nền giáo dục phát triển, không có các kỳ thi “hoành tráng” như ở nước ta. Thay vì căng thẳng với một kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh của họ háo hức chuẩn bị cho một buổi lễ được công nhận đã là người trưởng thành. Thay vì căng thẳng với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, học sinh của họ nghỉ ngơi chờ thư của trường đại học mà họ ghi danh với hồ sơ kết quả học THPT và tờ đơn trình bày nguyện vọng. Cánh cửa giảng đường ở đó mở rộng tối đa. Vấn đề là có đủ tiền theo học và có học được để tốt nghiệp hay không. Cũng vì thế, khi bước chân vào trường đại học, sinh viên của họ bắt đầu những ngày được “đào tạo” thực sự, phải học tập cật lực mới có thể trụ lại và tốt nghiệp. Còn với sinh viên Việt Nam, bước chân vào giảng đường là bắt đầu nghỉ ngơi sau bao năm đèn sách vất vả, ăn chơi bù lại những gì tuổi học trò chưa được nếm trải... Kết quả đào tạo của hai quá trình này, không cần phân tích cũng đã quá rõ ràng.
Với tốc độ và khả năng cải tiến, đổi mới của ngành giáo dục nước ta, để có được môi trường giáo dục và quy trình tuyển sinh, đào tạo như ở những nước có nền giáo dục phát triển, chắc chắn còn ở tương lai rất xa. Mong sao 725.485 “sĩ tử” hôm nay bắt đầu vào phòng thi và hàng triệu “sĩ tử” khác, cũng như hàng triệu sinh viên đã, sẽ bước chân vào giảng đường đại học, trước hết hãy ý thức được tương lai của mình chính là những gì mình sắp học, sắp được đào tạo.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065