An ninh tại các điểm thi được bảo vệ nghiêm ngặt
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Nhiều thí sinh và giáo viên nhận xét đề thi năm nay vừa sức và có sự phân hóa rõ rệt giữa thi xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Cùng với việc bám sát chương trình sách giáo khoa, đề thi có nhiều câu hỏi mở theo hướng gắn với đời sống thực tế và thời sự trong nước.
Trong 4 ngày thi, thời tiết tại Bình Phước mát mẻ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài thi. Do sắp xếp thí sinh theo nguyện vọng về môn thi nên trong hai ngày cuối nhiều điểm thi đóng cửa, chỉ tổ chức ở các điểm thi chính. Mặc dù số điểm thi trong ngày cuối cùng không nhiều nhưng các hội đồng thi đều quán triệt giám thị kiểm soát nghiêm ngặt kỷ luật phòng thi. An ninh trật tự tại các điểm thi được bảo đảm trong suốt thời gian thí sinh làm bài.
Đại úy Đào Duy Ba, Công an thị xã Đồng Xoài, làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại điểm thi Trường cao đẳng Công nghiệp cao su cho biết: Do điểm thi nằm trên đường ĐT741 có phương tiện lưu thông nhiều nên suốt 4 ngày diễn ra kỳ thi, từ 6 giờ, các thành viên của đội đã có mặt tại cổng trường để đảm bảo an ninh trật tự và phân luồng giao thông, nhất là những ngày đầu có nhiều thí sinh dự thi. Kết quả, an ninh trật tự được đảm bảo, kỳ thi diễn ra an toàn.
Ông Nguyễn Tiến Tĩnh đến từ xã Minh Hưng (Bù Đăng) rất hài lòng về cách thức tổ chức kỳ thi năm nay. Ông tâm đắc: “Việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” và tổ chức tại tỉnh đã giảm áp lực cho thí sinh và phụ huynh rất nhiều. An ninh trật tự được đảm bảo. Cán bộ, chiến sĩ tuần tra thường xuyên và sẵn sàng chỉ dẫn cho phụ huynh, thí sinh khi cần. Các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn giữ giá như ngày thường, nhiều hàng quán còn bán rẻ hơn ở huyện Bù Đăng. Đặc biệt là các bạn thanh niên tình nguyện luôn tận tình thăm hỏi, giúp đỡ nên tâm lý thí sinh khá thoải mái. Nói chung là thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
“Về đích”... không khó
Kết thúc môn thi Lịch sử (buổi sáng), các thí sinh cho biết đề thi năm nay không yêu cầu phải học thuộc nhiều, không nặng về dữ liệu ngày tháng, sự kiện mà tập trung đòi hỏi thí sinh tư duy, thể hiện quan điểm của mình. Cách ra đề này khắc phục được tình trạng học tủ, học vẹt.
Thí sinh Phạm Thị Như Ngọc, học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) nói: “Đề thi môn Lịch sử năm nay khá hay. Khoảng 60% kiến thức trong sách giáo khoa, còn lại là câu hỏi mở rộng để phân hóa thí sinh. Rất nhiều bạn nói với đề thi này có thể thoải mái thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên phải nắm chắc kiến thức sách giáo khoa cộng thêm những hiểu biết từ thực tế cuộc sống mới mong đạt điểm cao. Em thích nhất câu hỏi phát biểu suy nghĩ về chủ trương thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc. Em hoàn thành bài thi cho đến khi hết giờ, có thể đạt khoảng 8-9 điểm”.
Kết thúc ngày thi cuối cùng thí sinh ra về với tâm trạng khá thoải mái
Thế nhưng, cũng rất nhiều thí sinh rời phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài. Các thí sinh này cho biết đề yêu cầu phân tích nhiều, đa phần là những sự kiện mang tầm vĩ mô, đòi hỏi thí sinh phải tư duy nên rất khó. Tuy nhiên, với đề thi năm nay, những thí sinh chọn môn Lịch sử để thi xét tốt nghiệp dễ dàng đạt điểm 6.
Môn thi cuối cùng của kỳ thi là Sinh học. Nhận xét về đề thi, nhiều thí sinh cho rằng, đề thi tương đối dài nhưng không quá khó với những bạn có học lực khá, giỏi. Đề thi bám sát chương trình học phổ thông, bên cạnh đó, có một số câu đòi hỏi khả năng phân tích, tính toán của thí sinh.
Em Đặng Đình Anh Tuấn, dự thi tại điểm thi Trường cao đẳng Công nghiệp cao su nói: “Đề thi phân loại học sinh rất rõ. 30 câu đầu làm rất nhanh nhưng 20 câu sau mức độ khó tăng dần. Em chấm cho mình được khoảng 8 điểm. Với đề thi này, các bạn có học lực trung bình dễ dàng làm được 30 câu đầu. Nội dung câu hỏi chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12. Trong phòng thi, các thầy cô giám thị hướng dẫn thí sinh tận tình viđiền thông tin nhưng rất nghiêm khắc trong coi thi”.
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá đề thi năm nay tập trung trong chương trình lớp 12, nhưng có sự phân hóa thí sinh rõ ràng. Đề thi sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó. Nội dung câu hỏi mang tính thời sự, bám sát đời sống xã hội, tình yêu quê hương, đất nước nên đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức sâu rộng, khả năng tư duy mới làm được bài.
Kết thúc ngày thi cuối cùng thí sinh ra về với tâm trạng khá thoải mái Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2016 Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tại Bình Phước huy động 656 cán bộ coi thi. Trong đó, 50% cán bộ coi thi của trường đại học, 30% cán bộ của Sở GD-ĐT, 20% của Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước. Ngoài ra còn có 57 cán bộ giám sát thi, 2 trật tự viên, 28 công an, 27 nhân viên bảo vệ, 31 nhân viên phục vụ, 13 nhân viên điện, nước, 13 nhân viên y tế theo đúng số lượng và điều kiện tham gia. Trong 4 ngày thi, có 2 cán bộ của Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phải cấp cứu tại bệnh viện. Có 1 thí sinh không thể tự làm bài, phải có phòng thi riêng, cử người viết hộ và toàn bộ thời gian thi đều được ghi âm. Mọi dữ liệu ghi âm được lưu trữ và niêm phong đúng quy định. Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội đồng thi cụm thi tỉnh Bình Phước |
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065