MỞ HƯỚNG LÀM GIÀU
>> Bài 1: Ở nơi thượng nguồn
>> Bài 2: Cùng người lái đò vượt sông
>> Bài 3: Thức cùng sông
>> Bài 4: Ngư dân muốn sống với nghề phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản
BP - Với lợi thế về địa hình, nguồn nước, khí hậu, các hồ thủy điện trên sông Bé được xem là tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái của tỉnh. Tuy nhiên, những thế mạnh này chưa được liên kết thành chuỗi để phát triển du lịch. Do vậy, Bình Phước rất cần doanh nghiệp hay sở, ngành tổ chức kết nối hoạt động ngành nghề để hình thành tua du lịch sinh thái trên sông Bé.
TỪ LÀNG BÈ PHƯỚC MINH...
Làng bè Phước Minh (xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) hình thành sau khi thủy điện Cần Đơn tích nước không lâu. Những năm 2009, 2010, ngư dân ở làng bè chuyển từ đánh bắt cá tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản qua nuôi cá lồng. Đây được xem là bước ngoặt lớn nhen nhóm niềm hy vọng đổi đời của những hộ dân đã gắn bó với nghề chài lưới từ nhiều đời qua. Bởi trước đây, cuộc sống của họ trông chờ vào việc đánh bắt tôm, cá nên thiếu trước hụt sau. Rồi chuyện mẻ cá đầu tiên nuôi dưới lòng hồ thủy điện sắp đến ngày thu hoạch thì chết hàng loạt, hay chuyện tư thương ép giá... làm cho người dân nơi đây rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nợ vay vốn ngân hàng, người thân, nợ tiền mua cám... nợ chồng nợ, nhiều ngư dân phải bỏ làng bè lên bờ làm thuê. Nhưng đó là chuyện của 3 năm trước ở Phước Minh.
Cha con anh Sơn xuống bè bắt cá để phục vụ thực khách
Trong chuyến xuôi dòng sông Bé, chúng tôi có dịp ghé lại làng bè Phước Minh. Làng bè hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Con đường vào làng tuy đất đỏ nhưng được san ủi phẳng lỳ rất thuận tiện trong lưu thông. Người dân làng chài cho hay, để có đường như hôm nay phải kể đến công của anh Nguyễn Hùng Sơn và một số hộ dân trong làng chài đã cùng chính quyền vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của. Anh Sơn từ Tiền Giang lên Bình Phước lập nghiệp hơn 20 năm nay. Mấy năm trước, dù thua lỗ nặng vì nuôi cá bè chưa có kinh nghiệm nhưng anh Sơn không nản chí, quyết gây dựng cơ nghiệp. Rút kinh nghiệm từ những lứa cá đầu, anh Sơn thả cá giống với mật độ thưa hơn và nhiều loại trong cùng một bè. Trong mỗi bè đều có các loại cá như điêu hồng, lăng nha, bống. Nếu một trong những loài cá này chết sẽ làm mồi cho cá còn lại... Ngoài ra, anh còn nắm nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trong vùng, tận dụng lợi thế sông nước và nguồn thủy sản nuôi để mở 2 nhà hàng trên bè rộng gần 200m2. Người dân đánh bắt được tôm cá bán cho nhà hàng, anh Sơn cho vào lồng nuôi để phục vụ thực khách. Với nguồn thủy sản tươi, sống này, nhà hàng của anh thu hút rất đông khách đến, vừa câu cá giải trí vừa thưởng thức những món ẩm thực từ lòng hồ.
Đây là mô hình kinh tế khá mới ở Bình Phước cần được nhân rộng. Hình thức kinh doanh này giúp ngư dân có cuộc sống ổn định từ việc tận dụng lợi thế tự nhiên. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển thì rất cần vốn đầu tư, trong khi hầu hết ngư dân hiện không khả năng. Thế nhưng, nếu được đầu tư bài bản như hộ anh Sơn thì việc phát triển du lịch sinh thái ở lòng hồ thủy điện là hướng đi mới.
... ĐẾN DU LỊCH SINH THÁI Ở BÙ ĐỐP
Những năm gần đây, Hạt kiểm lâm Bù Đốp đang thực hiện “lộ trình” tái tạo lại hệ động - thực vật qua việc đầu tư trồng rừng gáo và tràm nước trên 500 ha đất bán ngập, đồng thời bảo vệ những khu rừng hiện hữu. Khi rừng bán ngập phủ kín, các loài chim, thú hội tụ về đây sẽ tạo sự đa dạng là điều kiện thuận lợi để Bình Phước phát triển du lịch sinh thái. Mặc dù công việc tái tạo rừng đang thực hiện nhưng du khách đã tìm đến rừng Bù Đốp ngày một nhiều. Để đáp ứng tuần tra bảo vệ rừng theo đường sông và phục vụ du lịch, Hạt kiểm lâm Bù Đốp được trang bị 1 chiếc thuyền 330 mã lực. Thuyền có thể chở được 60 du khách đi du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Cần Đơn hay luồn sâu trong rừng già hoặc đưa du khách đến những “ốc đảo” có hệ động - thực vật phong phú.
Ngoài đặc sản nổi tiếng như tiêu, điều, cà phê... Bình Phước còn có tiềm năng lớn về mật ong rừng - một dược liệu quý từ thiên nhiên. Ong có mặt khắp nơi, từ rừng già hay bụi rậm, từ núi cao hay dọc bờ sông... Khi ngược, xuôi dòng sông Bé, chúng tôi gặp không ít người đi săn ong rừng lấy mật. Với tổng chiều dài hơn 150km của sông Bé và các nhánh sông lớn nhỏ là nơi trú ngụ, làm tổ của hàng ngàn đàn ong mật, ong ruồi trong lùm cây, bụi nứa. Thợ săn ong hiện đã biết bảo tồn để khai thác bằng cách chỉ lấy mật còn chừa lại ong mẹ và ong non, không tận diệt như trước. Chính điều này đã đảm bảo được nguồn mật thường xuyên cho cánh thợ săn ong rừng.
Hai bên bờ sông Bé hiện cũng đã hình thành một số vùng chuyên canh trồng cây ăn trái như quýt đường, sầu riêng, bưởi, măng cụt... Đây là những loại trái cây “có tiếng” của Bình Phước sẽ làm tăng thêm giá trị cho tua du lịch sinh thái trên sông Bé.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065