NGƯ DÂN MUỐN SỐNG VỚI NGHỀ PHẢI BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
>> Bài 1: Ở nơi thượng nguồn
>> Bài 2: Cùng người lái đò vượt sông
>> Bài 3: Thức cùng sông
BP - Trước đây, số người mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông Bé rất ít. Bởi dòng sông chảy mạnh, nếu thả lưới, buông câu mà không có kinh nghiệm sẽ bị nước cuốn trôi. Từ khi xây dựng các công trình thủy điện, nước sông bị khống chế, trong khi diện tích mặt nước các hồ thủy điện là vựa thủy sản tốt nên người dân đánh bắt cá ngày một nhiều. Tuy nhiên, do việc đánh bắt, khai thác không hợp lý dẫn đến nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt. Đã đến lúc cơ quan chức năng và người dân cùng bắt tay tái tạo nguồn thủy sản tự nhiên để phát huy thế mạnh mặt nước, tạo việc làm ổn định cho ngư dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Và việc thành lập tổ nghề cá tại một số hồ chứa nước lớn được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ nguồn thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 30 ngàn ha mặt nước tự nhiên, hằng năm cung cấp nguồn thủy sản lớn phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn tỉnh.
NGUỒN LỢI THỦY SẢN NHANH CHÓNG CẠN KIỆT
Trước đây, nguồn thủy sản trên các ao, hồ dồi dào nên người làm nghề đánh bắt cá có cuộc sống khá ổn định. Vì vậy, nhiều hộ dân từ các tỉnh miền Tây, Campuchia tập trung về Bình Phước lập nghiệp bằng nghề đánh bắt cá. Anh Huỳnh Văn Cát ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) lên hồ thủy điện Thác Mơ đánh bắt cá từ những ngày đầu thủy điện tích nước. Trước đây, mỗi ngày anh Cát đánh được hàng trăm kilôgam cá các loại. Thế nhưng, do hám lợi, một số ngư dân dùng mìn, điện công suất lớn (kích điện)... đánh bắt nên nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Đánh bắt cá bằng vó mắt nhặt - một trong những hình thức đánh bắt thủy sản bị nghiêm cấm
Anh Cát cho biết: “Nếu dùng 0,1kg thuốc nổ đánh cá thì có thể hủy diệt các loài thủy sinh trong khu vực 500m2 mặt nước. Sau tiếng nổ, cá to, nhỏ chết nổi lên, số còn lại chìm xuống không bắt được. Hay khi mùa mưa tới, cá vào bờ sinh sản, nhiều người đã dùng kích điện để tận diệt. Sau này, việc quản lý đánh bắt cá bằng mìn và điện xiết chặt thì nguồn thủy sản đã cạn kiệt. Ngư dân phải chuyển sang đánh bắt cá bằng vó, đáy nhưng số lượng tôm cá không đáng kể”. Đi suốt chiều dài sông Bé đoạn qua Bình Phước, chúng tôi gặp hàng chục chiếc đáy đặt ngang sông. Đáy được làm bằng loại lưới đan dày mắt nên cá nhỏ như chiếc đũa đến cá to vài kilôgam đều bị tóm gọn. Mặc dù dụng cụ này bị cấm nhưng ngư dân vẫn lén lút đặt ở những khúc sông mà lực lượng chức năng khó phát hiện.
Vừa qua, các ngành chức năng đã thành lập đoàn liên ngành phối hợp với chính quyền các cấp kiểm tra và tháo dỡ 2 chiếc đáy ở thượng nguồn sông Bé. Do chủ đáy không tự tháo dỡ nên lực lượng chức năng phải thuê người tháo với giá 3 triệu đồng/đáy. Kiểm tra và tháo dỡ đáy là việc làm cần thiết, nên thực hiện thường xuyên nhằm ngăn cấm hành vi đánh bắt cá không bền vững.
CẦN MỘT GIẢI PHÁP BỀN VỮNG
Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2912/QĐ-UBND ngày 30-12-2014 về phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa lớn trên địa bàn, giai đoạn 2014-2020. Trong đó, giải pháp trọng tâm là thành lập tổ nghề cá và tăng cường thả cá vào các hồ tự nhiên. Sau 1 năm triển khai, toàn tỉnh thành lập được 13 tổ nghề cá ở các hồ chứa với hàng trăm ngư dân tham gia. Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh đánh giá, việc thành lập tổ để đưa khai thác thủy sản từ chỗ không có tổ chức sang hoạt động có tổ chức, giám sát, quản lý của ngành chức năng và chính quyền các cấp. Điều này đã hạn chế được việc khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt. Hiện trung tâm đang tuyên truyền, vận động nhân dân đánh bắt cá theo hướng phát triển nghề bền vững. Để quản lý hoạt động đánh bắt cá, trung tâm lên kế hoạch đến năm 2020 vận động ngư dân trên địa bàn tỉnh vào 20 tổ nghề cá.
Một tổ nghề cá có từ 10 người trở lên, có tổ 50-60 người tham gia. Những thành viên trong tổ có nhiệm vụ bảo vệ, tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt của người dân, nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt bằng các hình thức cấm. Để các tổ hoạt động hiệu quả, hằng năm trung tâm tổ chức các buổi tập huấn, tư vấn cách đánh bắt cho hộ dân tham gia, đồng thời hỗ trợ áo phao, xuồng và thẻ hội viên giúp họ có phương tiện đi tuần để quản lý diện tích mặt nước được giao. |
Ghi nhận ý kiến từ các ngư dân, họ rất yên tâm khi tham gia tổ nghề cá vì được cơ quan chức năng hỗ trợ về nhiều mặt. Ngư dân Ngô Văn Được ở xã Minh Lập (Chơn Thành) nói: “Trước đây, người dân đánh bắt cá theo kiểu mạnh ai nấy làm, miễn là kiếm được nhiều cá nhưng không nghĩ tới việc phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản về sau. Vì vậy, khi được trung tâm tư vấn, tôi và một số anh em ngư dân trong vùng đăng ký tham gia và có quy chế hoạt động riêng. Hằng tháng tổ chức giao ban thành viên, nắm được khó khăn để kịp thời hỗ trợ, giải quyết”.
Ngoài việc thành lập các tổ nghề cá, hằng năm trung tâm còn thả một lượng lớn cá giống xuống các hồ chứa nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, đồng thời tăng sản lượng khai thác. Đây là biện pháp nhằm tạo sự phát triển hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần xóa nghèo cho người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và cũng là cơ hội để các địa bàn phát triển nghề cá bền vững. Năm 2012-2013, trung tâm đã thả hơn 150 ngàn giống cá lăng nha, 850 ngàn con giống cá truyền thống (trắm cỏ, chép, rô phi, mè...) vào các hồ chứa, đồng thời cung cấp hàng trăm ngàn con giống cho hộ dân có nhu cầu nuôi. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, trung tâm đã thả bổ sung 55.900 giống cá lăng nha, trong đó hồ Thác Mơ 26 ngàn con, Srok Phu Miêng 12 ngàn con và hồ Cần Đơn 17.900 con.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ngư dân, phần lớn cá sau khi thả xuống các lòng hồ bị chết rất nhiều do nguồn nước không phù hợp. Bởi hầu hết nguồn nước ở các ao, hồ trên địa bàn tỉnh có độ phèn và lượng mùn trong nước cao. Để cá thả hằng năm có thể sống trong môi trường này, cơ quan chức năng nên gây giống ngay trên các lòng hồ của tỉnh hoặc khi mua con giống về nên “ươm” cá một thời gian trước khi thả vào môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, ngư dân phải tự bảo vệ ngư trường của mình như: phân loại trọng lượng để bắt, không thực hiện đánh bắt theo hình thức tận diệt, không dùng hóa chất... Có như thế mới đảm bảo được nguồn thủy sản đánh bắt thường xuyên.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065