THỨC CÙNG SÔNG
>> Bài 1: Ở nơi thượng nguồn
>> Bài 2: Cùng người lái đò vượt sông
BP - Màn đêm buông xuống trên sông Bé, đây cũng là thời điểm những ngư dân sống trên sông bắt đầu mưu sinh. Trong bóng tối tĩnh mịch, những ngư phủ phải vật lộn với sông nước cùng muôn vàn khó khăn để tìm miếng cơm manh áo... Trong chuyến khám phá, chúng tôi gặp không ít gia đình sống trên sông nước hơn nửa đời người. Tuy nghèo về vật chất nhưng ai cũng rất hiếu khách.
GHE LÀ NHÀ
Mặc dù có nhà ở xã Minh Lập (Chơn Thành) nhưng vợ chồng ông Ngô Văn Được lại chọn cuộc sống trên dòng sông Bé. Vợ chồng ông ở trong “ngôi nhà” là 1 chiếc thuyền gỗ có tuổi thọ gần chục năm. Thuyền dài khoảng 10m, rộng 1,2m, được trang bị những vật dụng cần thiết phục vụ cuộc sống trên sông. Gọi là nhà nhưng thực tế chỉ có 4 thanh gỗ to bằng 3 ngón tay đóng vào mạn thuyền làm thành 4 cột. Phần mái cũng là 4 thanh gỗ đóng nối các cột lại với nhau như hình chóp nón và được lợp bằng tấm bạt phủ xuống đủ để làm vách. Khi mát trời, có thể cuộn tấm bạt lại cho thông thoáng, mưa xuống buông bạt làm vách che, thành một ngôi nhà kín đáo.
Sau một đêm lao động vất vả, ngư dân lại tìm đến nhau hàn huyên chuyện sông nước
Ngôi nhà bé xíu của ông Được, dụng cụ được bài trí khá ngăn nắp. Lòng thuyền chia thành nhiều ngăn để đựng vật dụng, thực phẩm như gạo, mắm, muối, chén, đũa, bếp, quần áo... Nhưng to nhất là khoang để cá và lưới. Trong căn nhà ấy, có lẽ tài sản giá trị nhất là chiếc máy nổ chạy ghe, mấy tay lưới và chiếc máy cassette cũ. Ông Được kể: “Vợ chồng tôi chỉ có máy cassette làm bạn, hết nghe băng lại sang radio, hết chương trình thời sự lại đến chuyện đêm khuya... Chúng tôi mở mọi lúc, mọi nơi, khi đi ngủ và cả khi buông lưới để như có người bạn tâm tình giữa bốn bề sông nước...”.
17 giờ, vợ chồng ông bắt đầu chuẩn bị cơm chiều. Một chiếc bếp di động kéo ra và chỉ 30 phút sau mâm cơm đã xong. Bữa ăn của gia đình ông chỉ có cơm và mấy con cá kho mặn vừa đánh bắt được. Bưng chén cơm, ông ngậm ngùi nhớ con, thương cháu nhưng vì cuộc sống nên vợ chồng ông phải xuống sông tìm kế sinh nhai.
“SỐNG VỀ ĐÊM”
Màn đêm buông xuống, ông Được thắp sáng căn nhà bằng 1 bóng đèn huỳnh quang nhỏ như ngón tay từ bình ắc-quy. Giữa sông nước mênh mông, ánh sáng tỏa như ánh đom đóm giữa đêm khuya.
Sau khi chuẩn bị xong, ông Được nổ máy đưa thuyền đến vị trí thuận lợi giăng lưới. Người vợ ngồi ở đầu mũi thuyền thả lưới, còn ông dùng mái chèo cho thuyền trôi nhẹ từ bên này sang bên kia sông. Vừa giăng câu ông vừa kể về thành quả lao động của mình. Đó là những lúc ông bắt được bầy cá sơn đài, mỗi con nặng hàng chục kilôgam và kinh nghiệm bắt cá to mà không bị rách lưới. Ngày trước cá trên sông Bé nhiều vô kể. Có hôm cá dính lưới dày đặc bắt được mấy tạ. Nhiều loài cá quý hiếm như cá tầm, cá chình... thì đánh lưới, đặt đú bắt được thường xuyên. Từ khi sông Bé xây nhà máy thủy điện, lượng cá giảm đáng kể. Ông nói: “Phần do một số người đánh bắt theo lối tận diệt, phần vì thủy điện ngăn dòng nên cá không lên thượng nguồn sinh sản được. Mặt khác, khi thủy điện vận hành, cá bị các tuabin làm chết cũng không ít. Như cá chình, loại thân dài bị tuabin chặt đứt thành nhiều khúc là chuyện thường. Có lần tôi vớt được khúc cá chình dài khoảng 40cm nhưng nặng tới 3kg. Cũng từ khi làm thủy điện, chúng tôi chỉ đánh bắt khi dòng nước yên, điều này có nghĩa là thời điểm đánh cá phụ thuộc vào thời lượng thủy điện xả nước”.
Sau khi buông lưới, ông đưa ghe vào bờ và quan sát con nước, nước lên là lúc thu lưới bắt cá. Việc thu lưới phải nhanh gọn, bởi chậm trễ thì nước thượng nguồn đổ về sẽ cuốn trôi mất lưới. Sau mỗi mẻ, cá bắt được thả vào khoang ghe chờ tới sáng mang ra chợ bán. Trắng đêm cùng dòng sông Bé nhưng vợ chồng ông chỉ đánh bắt được khoảng 10kg cá các loại, bán được 200 ngàn đồng. Trừ chi phí, ông bà chỉ kiếm được khoảng 100 ngàn đồng mỗi đêm. “Đó là những hôm được, còn hôm thất thì vừa mất công vừa lỗ tiền xăng” - ông Được nói. Vợ chồng ông tuổi cao nên sáng sớm con trai từ xã Minh Lập vào lấy cá về bán và tiếp lương thực, xăng cho cha mẹ...
NIỀM VUI SÔNG NƯỚC
Trời vừa hửng sáng, vợ chồng ông cũng thu xong mẻ lưới cuối cùng. Ban ngày là khoảng thời gian nghỉ ngơi, vợ chồng ông lại nổ máy đưa thuyền chạy dọc sông Bé đến nhà một số ngư dân để trao đổi chuyện làm ăn. Thuyền vừa sáp lại, ông Trịnh Văn Sương (xã Thanh An, huyện Hớn Quản) hớn hở khoe, tối qua đáy của anh Giàu (ngư dân cùng xã) đặt ở xã Thanh An bắt được con cá chình 10kg. Chưa nhìn thấy cá nhưng ông Được cũng vui lây cho bạn vì hiện rất hiếm khi bắt được loại cá đó. Chúng tôi rủ ông Được đi xem cá chình 10kg để mua nhưng khi đến nơi, anh Giàu đã bán cho thương lái giá 7,5 triệu đồng. Chúng tôi quay trở lại thuyền ông Sương được chủ nhà đãi món chả cá thát lát mới đánh bắt được từ đêm trước cùng rượu đế.
Trong câu chuyện, chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống lam lũ của những người dân theo con nước tuy nghèo nhưng rất đơn giản. Thuyền nào cũng vậy, đàn ông sau buổi đánh bắt thường tụ tập uống rượu, nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm..., phụ nữ thì vá lưới, chuẩn bị cơm nước như 1 vòng tròn định mệnh với sự lên xuống của con nước dòng sông Bé.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065