CÙNG NGƯỜI LÁI ĐÒ VƯỢT SÔNG
BP - Sông Bé chảy qua địa phận tỉnh Bình Phước dài khoảng 170km tính từ thượng nguồn thuộc thị xã Phước Long đến xã Nha Bích (Chơn Thành). Sông Bé có lưu lượng dòng chảy mạnh, nhiều thác ghềnh, đá ngầm nên không thể khai thác giao thông đường thủy. Mặt khác, từ năm 1995 đến nay, trên dòng sông có 3 công trình thủy điện được xây dựng chia cắt thành 3 khúc biệt lập. Trong chuyến khám phá sông Bé, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Tha ở ấp 8, xã Tân Thành (Đồng Xoài) chở bằng ghe từ cầu Nha Bích lên cửa xả thủy điện Srok Phu Miêng (xã Long Bình, huyện Phú Riềng). Dọc chiều dài sông, chúng tôi được anh Tha kể về quãng thời gian hơn nửa đời người của mình đã gắn bó với nơi đây nên càng hiểu thêm đặc tính của dòng sông này.
CƠ DUYÊN VỚI NGƯỜI LÁI ĐÒ
Hơn nửa tháng, chúng tôi đã khám phá phần thượng nguồn và trung du, nay đứng trên cầu Nha Bích (địa phận tiếp giáp xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài và xã Minh Lập, huyện Chơn Thành) ngắm dòng sông Bé chảy hiền hòa về xuôi. Vô tình thấy một vài chiếc ghe nép dưới những khóm tre dọc hai bên bờ sông, chúng tôi phải mất 30 phút dò hỏi. Người dân trong làng giới thiệu anh Tha - người chuyên lái ghe ngược xuôi sông Bé nhiều năm nay.
Chúng tôi đến nhà anh Tha lúc trời vừa đứng bóng. Anh đã đưa khách ngược dòng sông Bé 2 ngày chưa về. Người nhà anh cho số điện thoại nhưng chúng tôi không liên lạc được. Vợ anh Tha nói: “Sông Bé nhiều đoạn không có sóng nên phải kiên trì mới được”. Sau nhiều lần gọi, chúng tôi cũng liên lạc được với anh Tha và hẹn lịch lên đường. Chiếc ghe của anh Tha đóng bằng nhôm khá mong manh dài khoảng 8m, rộng 0,8m. Ghe để “mui trần” nhằm tránh rủi ro khi gặp gió, lốc. Cuối ghe gắn máy đuôi tôm công suất nhỏ. Anh Tha đã chuẩn bị rau, trứng gà, mì tôm và một số dụng cụ khác như bếp ga mini, xoong, chén, đũa... và 1 thùng trà đá đầy nước. Chúng tôi hỏi thì anh cho hay: “Đó là thức ăn, nước uống chuẩn bị cho bữa trưa của mấy anh em mình trong chuyến đi. Thiếu ăn không sao nhưng không có nước uống thì chết dù đang ở trên sông”.
Ông lái đò của sông Bé sẵn sàng vượt thác ghềnh hiểm nguy
Từ bến chạy khoảng 100m, ghe đưa chúng tôi qua cầu Nha Bích bắc ngang sông Bé. Anh Tha kể: “Cầu Nha Bích đổ bê tông cốt thép từ thời Pháp. Trước năm 1975, cầu bị đánh sập. Sau ngày giải phóng, cầu xây lại bằng bê tông cốt thép với 4 nhịp, đây là một trong những cầu lớn nhất bắc ngang sông Bé. Năm 2015, khi thi công quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, cầu được gia cố thêm để tăng tải trọng”.
Từ cầu Nha Bích chạy ngược dòng khoảng 30 phút đường sông là gặp cửa suối Cam đổ vào sông Bé. Suối Cam bắt nguồn từ thị xã Đồng Xoài. Thượng nguồn suối Cam được ngăn dòng thành hồ suối Cam cung cấp nước sạch cho thị xã, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Đồng Xoài II. UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án khu du lịch hồ Suối Cam từ năm 2007 với diện tích 241,79 ha gồm: Khu dân cư, khu du lịch, công viên cây xanh. Vào mùa khô, nước hồ rút dần để lộ những khoảnh đất màu mỡ. Nhiều hộ dân đã tận dụng diện tích này để trồng rau xanh, bông... phục vụ tết Nguyên đán. Từ khi ngăn dòng suối Cam, nước đổ về sông Bé rất ít. Hiện nay, suối đang bị lồ ô và một số cây bụi rậm lấn dòng. Đi thêm một đoạn nữa sẽ gặp nhiều con suối đổ vào sông Bé, như: suối Lam, suối Nung, suối Rạt và một số nhánh suối nhỏ khác không tên.
ĐA DẠNG ĐỘNG - THỰC VẬT
Hai bên dòng sông Bé bờ dốc thẳng đứng, hệ thực vật tự nhiên chủ yếu là tre, lồ ô, tầm vông, xen kẽ cây sung và bằng lăng nước. Vai trò của tre là ngăn không cho nước làm sạt lở đất. Tuy nhiên, thủy điện xả lũ nước chảy mạnh đã làm xói lở phần đất dưới chân các bụi tre. Lâu dần, những bụi tre khổng lồ, dù có rễ bám sâu đến đâu cũng bị nước cuốn trôi. Thỉnh thoảng hai bên bờ sông có những đám đất phù sa màu mỡ, tuy nhiên diện tích này không thể sử dụng vì thời gian ngập nước kéo dài.
Hệ động vật hai bờ sông Bé hiện khá đa dạng nhưng số lượng còn rất ít. Trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi bắt gặp những đàn cò trắng, chim bói cá, gà nước, một số loại bò sát như càng tôm, kỳ đà, rắn các loại và chồn hương. Dưới sông, các loài thủy sản ngày một cạn kiệt do việc đánh bắt theo lối tận diệt của ngư dân. Một số loài cá quý như chình, lăng nha, sơn đài... gần như không còn mà chỉ có cá mè đen, mè dinh, chốt, thát lát... nhưng giá trị kinh tế không cao. Hy hữu lắm, người dân đặt đáy mới bắt được một vài con cá lăng, cá chình hay sơn đài khoảng 5-10kg/con.
HOA TIÊU CỦA SÔNG
Khi các nhà máy thủy điện xả nước, sông Bé như có hàng chục cạm bẫy rất nguy hiểm cho những ai muốn vượt qua. Chúng tôi ngược dòng sông Bé từ 9 giờ sáng đến 14 giờ mới đi hết khúc sông chỉ dài khoảng 40km. Do đi vào thời điểm thủy điện xả nước cộng với việc chạy ngược dòng nên ghe phải “bò” ở tốc độ 7km/giờ.
Khi con sông đủ nước, mặt sông hiền hòa và khung cảnh rất nên thơ. Anh Tha nói: “Cạm bẫy là những bụi tre khổng lồ bị nước cuốn trôi nằm giữa lòng sông. Khi nước rút, người dân dùng dao chặt hết phần ngọn, để lại gốc tạo nên bãi chông sắc nhọn. Nếu điều khiển ghe bất cẩn hoặc không am hiểu lòng sông thì rất nguy hiểm đến tính mạng và phương tiện. Vì vậy, anh Tha luôn phải dán mắt vào mặt nước, hết quan sát xa rồi quan sát gần để cho ghe đi vào những luồng, lạch an toàn.
Cách cửa xả thủy điện Cần Đơn 10km, ghe chúng tôi bắt đầu vượt thác. Trên đoạn sông dài chừng 10km nhưng có tới 4 thác lớn và hàng chục bãi đá ngầm. Thủy điện đóng cửa xả, nước rút rất nhanh cũng là thời điểm chúng tôi vượt thác Hàng Đâm (xã Thanh An, huyện Hớn Quản). Cách thác khoảng 30m, anh Tha cho máy hoạt động hết công suất để vượt thác. Chỉ tay về phía những con sóng bạc đầu phía trước anh Tha nói, nếu đi chậm 1 giờ, nước sông Bé sẽ rút thêm 70cm là bị mắc cạn. Phải chờ lúc thủy điện xả nước mới đi được tiếp. Anh Tha cho hay: “Khi vượt thác, phải cho ghe chạy vào điểm không có sóng bạc đầu. Những lối này nước nhiều, ghe không bị chạm đáy. Nơi nào có sóng bạc đầu là do lực cản của đá ngầm bên dưới tạo nên”. Với kinh nghiệm lái đò trên sông Bé gần 40 năm, anh Tha cho ghe vượt qua thác Hàng Đâm an toàn.
Chúng tôi ngược dòng sông Bé từ cầu Nha Bích đến Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng dài khoảng 40km đường sông chạy qua các xã Minh Lập (Chơn Thành), Tân Thành (Đồng Xoài), Thuận Phú (Đồng Phú), Tân Hưng, Thanh An (Hớn Quản), Long Tân, Long Hà, Long Bình (Phú Riềng). Ngược dòng và xuôi dòng ghe chạy hết 20 lít xăng. |
Ghe của chúng tôi vượt tiếp thác Bom Bi, Hàng Bà, Xe Tăng là nhìn thấy Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng. Lúc này, nước đã rút cạn để dòng sông Bé cạn trơ đáy, anh Tha khuyên quay về. Vì khách muốn đi tới cửa xả của thủy điện nên anh miễn cưỡng đưa đi. Do dòng nước cạn, anh phải tắt máy, dùng mái chèo vừa bơi vừa dò đường đưa ghe chậm rãi lướt trên dòng sông. Càng gần cửa thủy điện, nước rút mạnh để lộ những bãi đá có bề mặt sắc nhọn như lưỡi dao nằm sát nhau. Ghe đang lướt nhẹ trên mặt nước thì chạm phải một vật gì đó ở đáy sông. Anh Tha vội hãm ghe đứng yên, mặt nhăn nhó: “Nếu ghe đi nhanh thì đá cắt thủng đáy rồi. Lúc đó chỉ có nước lên bờ mà đi bộ về”. Sau cú va chạm, ghe chúng tôi phải xuôi dòng về bến vì không thể đi tiếp. Sau 5 tiếng đồng hồ ngược dòng sông Bé, ai cũng thấm mệt vì nắng và đói nên chuẩn bị thức ăn nhưng anh Tha nói: “Đi tiếp cho kịp nước. Giờ mà nấu mì ăn thì mắc cạn ở mấy thác phía dưới”. Nói xong, người lái đò vội vã xuôi theo dòng nước qua hàng chục bãi đá ngầm rồi nổ máy cho ghe tăng tốc. Ghe đổ thác, anh Tha kể về những câu chuyện rủi ro người bị thác cuốn trôi, có ghe va phải đá ngầm bể làm đôi...
Chúng tôi xuôi về cuối dòng sông đúng lúc hoàng hôn buông và dòng nước sông Bé đã đứng yên. Trên mặt sông chỉ có những con sóng lăn tăn. Hai bên bờ thi thoảng gặp đám trẻ con đi tắm muộn, vài thiếu phụ ra bờ sông giặt quần áo, người thì buông câu giải trí. Trên các bụi tre, những chú chim bói cá chăm chú rình mồi, đàn cò trắng bay là là trên mặt nước tìm nơi trú ẩn. Cảnh sông về chiều thật êm đềm, ánh hoàng hôn như tô điểm thêm vẻ mỹ miều của dòng sông Bé.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065